Trang trại điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử/TTXVN.
Theo dữ liệu từ Irena, một tổ chức năng lượng tái tạo liên chính phủ, sản lượng từ năng lượng mặt trời và gió của Việt Nam lần lượt tăng 237% và 60% vào năm 2020, nâng tỷ trọng các nguồn năng lượng này lên 1/4 - trước gần một thập kỷ so với kế hoạch.
Bài viết dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng với tốc độ gió trung bình hơn 10 mét/giây, vùng biển Việt Nam nằm trong Top 10% những nơi nhiều gió nhất hành tinh và là nơi lý tưởng để đặt các tuabin gió ngoài khơi. Đặc biệt, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận và Sóc Trăng - nơi các nhà phát triển có kế hoạch xây dựng các trang trại điện gió trị giá hàng tỷ USD ngoài khơi - tương đối nông, độ sâu chỉ khoảng từ 20 mét đến 50 mét.
Nhà phân tích Thu Vũ tại Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính ở Ohio (Mỹ), nhận xét: “Việt Nam có một quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hết sức ấn tượng".
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, chi phí của các đơn vị ngoài khơi cao hơn so với gió trên bờ hoặc gần bờ. Ian Hatton, Chủ tịch Enterprize Energy, một công ty năng lượng tái tạo của Anh, cho rằng để giảm chi phí, Việt Nam phải cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các trạm biến áp và đặt cáp dọc đáy biển để sản xuất ngoài khơi hoặc tìm các giải pháp thay thế. Enterprize đang thử nghiệm chuyển đổi năng lượng gió và nước biển thành hydrogen.
Bài viết lưu ý về tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam phải đối mặt, theo đó nếu sản xuất đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu mà không cải thiện cơ sở hạ tầng truyền tải, công suất bổ sung có thể bị lãng phí.
Tuy nhiên, William Gaillard, Phó Chủ tịch Công ty sản xuất tuabin gió Vestas, cho rằng Việt Nam đã “chỉ ra con đường cho những nước khác đi theo”. Ông nói: “Sự kết hợp giữa biểu giá nhập khẩu hấp dẫn với các mục tiêu lắp đặt đầy tham vọng và quy trình cấp phép minh bạch là yếu tố quan trọng trong việc mở khóa thị trường này”.
Link gốc
Theo: Báo Tin tức