Tin tức Quy hoạch điện

Quận Tây Hồ: Cần 563,3 tỷ đồng phát triển lưới điện giai đoạn 2011-2015

Thứ hai, 16/7/2012 | 13:41 GMT+7
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quận Tây Hồ vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, giai đoạn 2011-2015, quận Tây Hồ sẽ cần đến 528,6 triệu kWh điện thương phẩm (tốc độ tăng trưởng bình quân 14,42%/năm); giai đoạn 2016- 2020 sẽ cần 983 triệu kWh (tăng trưởng 12,15%/năm).
Để đảm bảo mục tiêu đó, EVN Hà Nội cần nguồn vốn là 563,3 tỷ đồng để thi công nhiều hạng mục. Cụ thể, giai đoạn 2011- 2015 sẽ xây mới TBA 110kV Nam Thăng Long (Ciputra) công suất 2x63 MVA cấp điện cho khu đô thị Ciputra và khu đô thị Tây Hồ Tây, đồng thời xây dựng mới 1km đường dây 110kV cấp điện cho trạm này; Xây mới TBA 110kV Tây Hồ Tây công suất 2x63 MVA cấp điện cho khu đô thị Tây Hồ Tây, hỗ trợ cấp điện cho huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy; Nâng công suất trạm 110kV Nghĩa Đô công suất từ 2x40+63 MVA lên 3x63 MVA; Xây dựng mới 2x6 km đường dây 110kV Nhật Tân – Yên Phụ; Cải tạo nâng tiết diện đường dây 110kV từ Tây Hồ - Cầu Thăng Long dài 3km… Giai đoạn 2016- 2020 sẽ xây thêm TBA 110kV nối cấp Tây Hồ 2x63 MVA; Nâng công suất TBA 110kV Nhật Tân, Yên Phụ, Tây Hồ Tây lên 2x63 MVA; Xây mới đường dây Tây Hồ - Công viên Thủ Lệ dài 8km…

Với mục tiêu ngầm hóa 100% đường dây trung áp vào năm 2015, lưới điện trung áp khu vực Tây Hồ sẽ được xây dựng mới gần 79 km cáp ngầm 22kV; cải tạo toàn bộ 7,47 km đường dây trên không thành cáp ngầm 22kV. Xây dựng mới 132 trạm với tổng dung lượng trên 95.000 KVA; cải tạo nâng công suất 53 trạm với tổng dung lượng trên 32.000 kVA.

Lưới điện hạ áp sẽ cải tạo, nâng cao chất lượng và khả năng tải 151 km đường dây, xây dựng mới 100 km đường dây; lắp đặt mới 13.500 công tơ, thay thế 32.500 chiếc.

Theo quy hoạch, lưới điện 110kV và các TBA sẽ được thiết kế mang tải không quá 75% công suất định mức ở chế độ vận hành bình thường để có đủ dự phòng công suất khi xảy ra sự cố hoặc sửa chữa. Quy mô công suất TBA được thiết kế tối thiểu là 2 MBA công suất 63 MVA đối với các trạm công cộng, đối với các trạm khách hàng chuyên dùng tùy theo nhu cầu sẽ được tính toán quy mô công suất cho thích hợp. Đường dây 110kV trên không dùng dây có tiết diện 240-400 mm2, cáp ngầm dùng loại cách điện XLPE, tiết diện 1.200 mm2…

Với lưới trung áp sẽ được thiết kế mạch vòng vận hành hở được cấp điện từ 2 TBA 110kV hoặc từ 2 thanh cái phân đoạn của trạm 110kV có 2 MBA ở chế độ làm việc bình thường mang tải không quá 70% công suất định mức hoặc công suất mang tải cực đại cho phép của dây dẫn. Đối với khu vực có phụ tải thấp, phụ tải phát triển đơn lẻ hoặc không yêu cầu cấp điện đặc biệt, lưới điện sẽ được thiết kế hình tia.

Với trạm biến áp phân phối, công suất tạm được tính toán theo nguyên tắc đủ khả năng cung cấp điện cho các phụ tải dân sinh trong khu vực bán kính 50-300m tùy thuộc vào mật độ phụ tải với khả năng mang tải từ 65% trở lên. Lưới điện hạ áp sẽ áp dụng hệ thống hạ áp 220/380V, 3 pha 4 dây có trung tính nối đất trực tiếp, sự dụng cáp ngầm và cáp vặn xoắn ABC.

 

Theo: Báo Công Thương Online