Quảng Bình ưu tiên phát triển “du lịch xanh”

Thứ hai, 3/6/2019 | 13:37 GMT+7
Năng lượng mặt trời được các nhà khoa học khuyến khích sử dụng trong tương lai, không chỉ mang đến hiệu quả kinh tế mà còn là giải pháp năng lượng sạch, không tác động đến môi trường thiên nhiên.
 

Hệ thống điện mặt trời trong một khu resort nước ngoài (Ảnh minh họa, nguồn: vctenergy.vn)
 
Ngày 1/6, tại thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với Công ty Cổ phần năng lượng VSK Việt Nam tổ chức Hội thảo Năng lượng mặt trời: Giải pháp “du lịch xanh”.
 
Các đơn vị dịch vụ du lịch Quảng Bình được giới thiệu ý nghĩa, lợi ích kinh tế của việc sử dụng năng lượng mặt trời trong đời sống của người dân, đặc biệt đối với các sản phẩm dịch vụ du lịch trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua “mục sở thị” sản phẩm tấm pin quang điện, inverter hàng đầu thế giới, thương hiệu Châu Âu như AE Solar (CHLB Đức), SMA (CHLB Đức).
 
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết: “Là địa phương được mệnh danh với gió Lào và cát trắng, với khoảng 1.800 giờ nắng mỗi năm, cường độ bức xạ trên 4kWh/m2/ngày, rất thuận lợi phát triển điện mặt trời. Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Quảng Bình sẽ tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, khu resort, khách sạn lớn, hộ kinh doanh du lịch.. đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để giảm chi phí điện năng đồng thời tạo không gian du lịch thân thiện với môi trường”.
 
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng có chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, Điện lực Quảng Bình và đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân hưởng ứng đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trang trại và hộ gia đình.
 
Khái niệm “du lịch xanh” vốn không xa lạ với các nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam còn thiếu những diễn đàn trao đổi về vấn đề này. Đây là loại hình hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực vào bảo vệ đa dạng sinh học, ít phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
 
Phát triển “du lịch xanh” đã trở thành một nguyên tắc, một xu thế chung được nhiều nước lựa chọn và các sản phẩm “du lịch xanh” luôn được du khách quan tâm, đón nhận.
Theo: Báo ĐT Đảng cộng sản