Gửi tiền vào đâu để vừa có lợi nhuận cao, vừa giảm thiểu rủi ro là nhu cầu của đa số nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm.
Thiếu kiến thức - rủi ro lớn
Từ trung tuần tháng 11- 2006 đến nay, TTCK VN chứng kiến "cơn lốc" tăng giá CP của các Cty trên cả hai thị trường niêm yết và phi tập trung. Sự giao dịch sôi động khiến chỉ VN-Index liên tục xác lập những kỷ lục, ngày 6-2-2007 chỉ số VN - Index đã đạt con số "ngất ngưởng " 1091,38, số lệnh mua bán cũng tăng mạnh làm cho tổng giá trị giao dịch lên đến con số gần một nghìn tỉ mỗi phiên.
Trên thị trường OTC giá CP cũng tăng lên gấp nhiều lần, đặc biệt có những buổi chào bán CP lần đầu ra công chúng của các Cty có số lượng nhà đầu tư đăng ký và lượng đặt mua vượt ngoài mong đợi của tổ chức bảo lãnh cũng như công ty chào bán, giá thành công bình quân của một số Cty vượt ngoài sự "tưởng tượng" của các nhà chuyên môn hay cá nhân có kinh nghiệm.
Hậu quả dẫn đến là rất nhiều người bỏ quyền mua và chịu mất số tiền đặt cọc. Tuy không phải tất cả, nhưng giá nhiều CP tăng cao đến mức mà nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá là đã vượt khỏi giá trị thực rất nhiều.
Lợi nhuận từ việc mua bán CP lôi kéo đối tượng tham gia mua bán tăng lên theo cấp số nhân. TTCK thu hút được nhiều đối tượng nhà đầu tư là điều đáng mừng, tuy nhiên cũng không ít những nỗi băn khoăn đặt ra. Một trong những băn khoăn đó là sự tham gia của nhiều người dân mà họ không có nhiều kiến thức về CP hay TTCK.
Những đối tượng này thường mua bán CP theo sự mách bảo của người khác và có tính bầy đàn. Đây là nguyên nhân làm cho nhiều CP trên cả thị trường niêm yết và OTC cao hơn nhiều so với giá trị nội tại, là một nhân tố làm cho thị trường phát triển không bền vững. Nếu thị trường có những biến động thì đây là những người đầu tiên chịu những tổn thất nặng nề.
Thị trường bỏ ngỏ
Kiếm lợi từ việc đầu tư CP là nhu cầu chân chính của mọi người dân. Đồng thời, cũng không thể trông mong hay yêu cầu tất cả mọi người phải trang bị đầy đủ những kiến thức khi tham gia. Những đối tượng này rất cần sự xuất hiện của các tổ chức chuyên nghiệp, nơi có thể uỷ thác số vốn của mình cho những người có chuyên môn và kinh nghiệm.
Khi mua các chứng chỉ quỹ, hay uỷ thác vốn của mình cho các tổ chức chuyên nghiệp, người dân tham gia vào TTCK có thể yên tâm hơn vì đồng tiền của mình đã được gửi cho những người chuyên nghiệp. Xu hướng này là một tất yếu của một TTCK phát triển.
Tuy nhiên thực trạng hiện nay, những tổ chức hay quỹ đầu tư trong nước rất ít. Tại các buổi chào giá của một số Cty, rất nhiều nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng dịch vụ uỷ thác đầu tư đã tìm đến những Cty tài chính nhưng thường bị từ chối do đã hết suất. Đã có hiện tượng chào bán suất uỷ thác đầu tư với số mức tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Hiện trên sàn cũng chỉ có duy nhất hai chứng chỉ quỹ BF1 và VF1. Các chứng chỉ quỹ này có quy mô giao dịch rất lớn ở mỗi phiên, chứng tỏ nhu cầu gửi vốn cho các tổ chức chuyên nghiệp của người dân rất cao.