(Ảnh minh họa).
Quy hoạch Điện được phê duyệt lần này nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ lưới điện truyển tải và phân phối trên địa bàn thành Phố Đà Nẵng đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình từ nay đến năm 2025 hơn 8% /năm. Dự kiến năm 2020 công suất cực đại Pmax của thành phố đạt 707MW với sản lượng thương phẩm hơn 3,9 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 12,7%/năm. Đến năm 2025, công suất cực đại toàn hệ thống đạt 1552 MW, điện thương phẩm là 6 tỷ kWh với tốc độ tăng trưởng 7,06%/năm.
Với định hướng đảm bảo chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện thành phố Đà Nẵng ngày càng nâng cao, đạt ngang tầm với các nước trong khu vực, sự phát triển lưới điện trong giai đoạn 2016-2025 phải có độ dự trữ và tính linh hoạt cao hơn giai đoạn trước, thực hiện việc hiện đại hóa và từng bước ngầm hóa lưới điện tại nội thành, hạn chế tác động xấu đến cảnh quan, môi trường Thành phố. Bên cạnh đó, các tiêu chí phát triển lưới điện truyền tải và phân phối được đề cập cụ thể trong Quy hoạch Điện.
Đối với lưới điện truyền tải, cấu trúc lưới điện được thiết kế đảm bảo độ tin cậy và chất lượng điện trong chế độ làm việc bình thường và sự cố đơn lẻ theo các quy định hiện hành, có dự phòng cho phát triển ở giai đoạn kế tiếp. Quy mô các trạm biến áp 110kV tối thiểu 02 máy biến áp, xem xét kiểu trạm GIS hoặc Compact tại khu vực trung tâm thành phố để giảm diện tích chiếm đất. Đường dây 110kV có tiết diện ≥300 mm2 đối với đường dây trên không hoặc cáp ngầm XLPE-1200 mm2. Công suất từng trạm được chọn phù hợp với nhu cầu và đảm bảo chế độ mang tải khi vận hành bình thường từ 65-70%.
Lưới điện trung áp của thành phố sẽ được vận hành ở một cấp điện áp là 22kV, được thiết kế mạch vòng, đủ điều kiện vận hành kín nhưng trước mắt vận hành hở, đảm bảo cấp điện cho phụ tải từ hai nguồn khác nhau. Để tạo mỹ quan đô thị của thành phố loại 1, tại các quận trung tâm, khu vực đông dân cư hoặc các tuyến đường chính được quy hoạch phục vụ du lịch được xây dựng lưới điện ngầm. Để nâng cao độ tin cậy cấp điện cho thành phố, phát triển các trạm biến áp dân dụng với dung lượng ≤400kVA, ngành Điện cần ưu tiên cấy thêm các trạm biến áp mới hơn là nâng dung lượng trạm hiện có.
Theo Quy hoạch Điện phê duyệt, giai đoạn 2016-2020 thành phố Đà Nẵng sẽ xuất hiện thêm TBA 220kV là trạm Hải Châu công suất 250 MVA , xây dựng mới 07 TBA 110kV với tổng dung lượng là 412 MVA và cải tạo, nâng công suất 08 TBA 110kV hiện có với tổng công suất tăng thêm là 254 MVA. Tiếp đến năm 2025, xuất hiện TBA 220kV Liên Chiểu công suất 2x250 MVA cùng với việc nâng công suất TBA 220kV Ngũ Hành Sơn (lắp máy 2 -250 MVA), xây dựng mới 01 TBA 110kV quy mô 2x63 MVA và mở rộng các trạm 110kV còn lại với tổng dung lượng tăng thêm 401 MVA.
Tổng vốn đầu tư xây mới và cải tạo các công trình điện có cấp điện áp từ 220kV trở xuống theo quy hoạch ước tính cần huy động tới năm 2025 là 8.211,7 tỷ đồng trong đó lưới điện 110kV là 3.754,2 tỷ đồng và lưới điện trung hạ áp khoảng 1.150 tỷ đồng. Đây là một thách thức không nhỏ cho ngành điện thành phố trong việc cân đối đủ vốn để thực hiện đầu tư lưới điện.
Để ngành điện thực hiện Quy hoạch Điện đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, UBND thành phố Đà Nẵng quan tâm bố trí quỹ đất để đầu tư công trình điện, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ ngành điện trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.