Lãi suất hiểu đơn giản là cái giá mà người đi vay phải trả cho người có tiền cho vay.
Lạm phát là sự mất đi sức mua hay giá trị nội tại của một loại bản tệ (ở đây là đồng Việt Nam). Lãi suất thực của tiền tiết kiệm - hiệu số giữa lãi suất danh nghĩa và mức lạm phát - trở nên giá trị âm. Hơn nữa, sự thay đổi không mong đợi của tỷ lệ lạm phát sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch, ngăn cản sự tăng trưởng và đổi mới doanh nghiệp.
Do lãi suất là yếu tố cơ bản quyết định việc đầu tư, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ mối quan hệ giữa lãi suất và giá chứng khoán:
Mối quan hệ giữa lãi suất và giá trái phiếu: đây là mối quan hệ trực tiếp và ngược chiều nhau. Giá của trái phiếu là giá trị hiện tại của các dòng tiền. Khi lãi suất thị trường càng cao thì các dòng tiền bị chiết khấu với lãi suất càng lớn, do vậy dẫn đến giá trái phiếu càng nhỏ. Vì vậy, khi lãi suất cao, giá trái phiếu thấp có thể là một cơ hội tốt để mua vào trái phiếu.
Khi kinh tế phát triển mà không có lạm phát lớn thì trái phiếu dài hạn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp số một của cổ phiếu. Lãi suất cao thu hút dân chúng đầu tư vào trái phiếu, kể cả tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn vì đó là những bến đậu an toàn cho đồng vốn. Ở mức lãi suất thấp, tiền tiết kiệm được đầu tư vào cổ phiếu nhiều hơn, tính thanh khoản tăng cao làm TTCK phát triển. Lạm phát thuần túy (lạm phát ngầm) không nguy hiểm cho TTCK vì tiền mua cổ phiếu thực chất là đầu tư vào hiện vật.
Mối quan hệ giữa lãi suất và giá cổ phiếu: đây là mối quan hệ không trực tiếp và không hoàn toàn diễn ra theo một chiều. Lý do ở chỗ, dòng tiền thu nhập của cổ phiếu không cố định như của trái phiếu, mà chúng có thể thay đổi cùng với lãi suất và mức thay đổi này có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn thay đổi của lãi suất.
- Lãi suất tăng - giá cổ phiếu ổn định hoặc tăng: xảy ra khi giá hàng hóa bán ra của các công ty có thể tăng, dẫn đến thu nhập của công ty tăng lên cùng với lạm phát do chi phí đầu vào tăng. Do vậy, giá cổ phiếu trong trường hợp này có thể giữ ổn định vì lãi suất chiết khấu tăng và dòng thu nhập tăng bù đắp được cho nhau.
- Lãi suất tăng - giá cổ phiếu giảm: xảy ra khi các dòng thu nhập tương lai của công ty tăng không nhiều hoặc thậm chí giảm, vì trước đó công ty phải huy động vốn với lãi suất cao, đến khi hàng hóa được sản xuất và bán ra thì lại gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, trong khi sức mua lại có hạn, thu nhập của công ty giảm sút, công ty không có khả năng tăng giá hàng hóa để bù lại mức lạm phát. Khi lãi suất giảm thì cũng có thể xảy ra các khả năng tương tự.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ giữa lãi suất và giá cổ phiếu thường là quan hệ ngược chiều, nhất là trong giai đoạn ngắn hạn, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Nếu chỉ xét trong mối tương quan giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu thì trên thực tế, thông thường quan hệ giữa lãi suất và giá cổ phiếu là mối quan hệ ngược chiều. Điều này có thể lý giải như sau: khi dự đoán lãi suất thị trường tăng, tức là giá trái phiếu sẽ giảm, thì người đầu tư có xu hướng chuyển từ cổ phiếu sang mua trái phiếu và làm cho giá cổ phiếu giảm.