Sẵn sàng ứng phó mưa bão và áp thấp nhiệt đới

Thứ ba, 23/7/2024 | 16:51 GMT+7
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay 23/7, bão số 2 đã đổ bộ đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây ra mưa rào đến mưa to, cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận - trong đó có các tỉnh thuộc phạm vi quản lý lưới điện của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3). 

CBCNV Truyền tải điện Bình Thuận sử dụng UAV rà soát, kiểm tra các vị trí xung yếu trên các tuyến đường dây.

Ông Đinh Văn Cường – Phó Giám đốc PTC3 cho biết: Khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tại các công điện tập trung ứng phó với bão số 2 và mưa lũ, PTC3 đã có công điện khẩn tới các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai các phương án, giải pháp ứng phó với bão số 2 và mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản, đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải Quốc gia vận hành an toàn và liên tục.

Tuyên truyền, vận động người dân chằng néo lưới che canh tác trồng táo tại khu vực huyện Tuy Phong.

Trong đó, tập trung rà soát, chủ động trong công tác kiểm tra, xử lý khắc phục các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt trên lưới điện, nhà cửa, công trình,…đặc biệt là xử lý nạo vét khơi thông dòng chảy, bổ sung rãnh thoát nước hướng dòng chảy ra xa khu vực móng cột, đắp đất chân móng, chân kè bị xói lở,…; Đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đặc biệt là sau các đợt mưa lũ; chằng néo các vật bay có nguy cơ gây sự cố lưới điện,…

Thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng và Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời; Tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết, tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó với bão số 2 và mưa lũ;

Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất theo phương châm “4 tại chỗ”.

Khơi thông hố ga tại Trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân, Truyền tải điện Bình Thuận.

Tại Truyền tải điện Bình Thuận thuộc PTC3, ông Phan Đình Minh – Giám đốc đơn vị cho biết: từ ngày 20/7 đến hôm nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có mưa vừa đến mưa to, liên tục, kéo dài. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy tại một số nơi trên địa bàn tỉnh dự báo ở cấp độ 1.

Ngay khi nhận được công điện của EVNNPT, PTC3, đơn vị đã tổ chức tập trung rà soát, tăng cường kiểm tra đột xuất, sử dụng UAV kiểm tra các vị trí xung yếu, đồi núi; tăng cường theo dõi tình trạng lưới điện thông qua hệ thống camera trên tuyến đường dây; 

Đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền và phối hợp với chính quyền địa phương, người dân chặt tỉa cây cao ngoài hành lang có nguy cơ ngã đỗ gây sự cố lưới điện (các tuyến đường dây đi qua khu vực trồng cây cao su, bạch đàn, keo lá tràm); vận động người dân có sử dụng bạt, lưới che ngoài hành lang lưới điện thực hiện chằng néo và có các biện pháp đảm bảo an toàn không để gió cuốn bay khi có mưa bão, đặc biệt là các hộ gia đình canh tác trồng nho, táo khu vực huyện Tuy Phong.

Kiểm tra kè móng, khơi thông mương thoát nước vị trí 30 đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây.

Đối với các Trạm biến áp triển khai chuẩn bị các phương án thực hiện chằng néo, tổ chức kiểm tra các tủ bảng, mương cáp, khơi thông hệ thống thoát nước trong và ngoài khu vực trạm, sẵn sàng thiết bị bơm tiêu úng để ngăn ngừa tình trạng nước ngập ảnh hưởng đến vận hành thiết bị trạm khi mưa lớn kéo dài…

Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận cho biết thêm: Từ đầu tháng 07/2024, khu vực tỉnh Bình Thuận đã bước vào đầu mùa mưa cộng với sự ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 2 hình thành ngoài biển đông đã dẫn đến xuất hiện những cơn mưa kéo dài và liên tục trên địa bàn. Đặc điểm lưới điện truyền tải đóng chân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đa số đi qua các khu vực có địa hình phức tạp, đồi núi hiểm trở và khu vực đồi cát, chính vì vậy việc chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống từ sớm là việc hết sức cần thiết.

Kiểm tra, chằng néo bạt ngoài hành lang lưới điện đường dây 500kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên.

Do đó, ngoài công tác kiểm tra định kỳ hàng tháng, các công tác rà soát, tăng cường kiểm tra tình trạng kè, mương thoát nước, các vị trí có nguy cơ sạt lở cao đã được đơn vị chủ động triển khai thực hiện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời trước khi bước vào mùa mưa bão. 

Đồng thời, chỉ đạo đến các Phòng, các Đội đường dây, Trạm biến áp tập trung chuẩn bị vật tư, thiết bị, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, công cụ, dụng cụ thi công; đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thường xuyên thông suốt (điện thoại cố định, điện thoại di động luôn để chế độ online) để sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ khắc phục, xử lý nhanh các tình huống có thể xảy ra trong thời gian nhanh nhất.

Kiểm tra, chuẩn bị vật tư thiết bị sẵn sàng ứng phó.

Quán triệt đến các đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ công nhân viên không được chủ quan, ứng dụng khoa học công nghệ tập trung triển khai rà soát nắm bắt tình trạng thiết bị trên lưới điện và hành lang an toàn, chủ động bố trí tăng cường kiểm tra trước, trong và sau các đợt mưa bão diễn ra, tổ chức xử lý ngay khi phát hiện các hiện tượng bất thường nhằm đảm bảo lưới điện vận hành an toàn.

Được biết, từ đầu tháng 4/2024, PTC3 đã tổ chức cho các đơn vị trực thuộc diễn tập phương án, kịch bản Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các tình huống xử lý ứng cứu khẩn trên lưới điện khi có sự cố do mưa bão gây ra. Qua đó, nâng cao kỹ năng cho CBCNV trong việc xử lý sự cố, chủ động ứng phó với các tình huống bất lợi của thiên tai, ứng phó kịp thời với mọi tình huống, giảm thiểu đối đa mọi thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải vận hành an toàn, ổn định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. 
 

Phan Quý Hoàng