Anh Võ Công Thành (người ngoài cùng bên trái) cùng anh em công nhân bên kìm ép cos thủy lực, máy do anh cải tiến.
Đó là anh Võ Công Thành, người lái xe ngoài 50 tuổi của Điện lực Đạ Tẻh, người được đồng nghiệp gọi với cái tên thân mật “ông Thành sáng chế”.
Ru- lô kéo dây tự động
Một trong những việc vất vả nhất của ngành điện là kéo dây, anh Phùng Xuân Tuấn - Phó Giám đốc Điện lực Đạ Tẻh chia sẻ về công việc của mình và anh em. Dù có nhiều hỗ trợ từ máy móc nhưng nhiều việc anh em vẫn phải dùng sức người, ví dụ như việc kéo dây khi thi công đường điện mới hay sửa chữa lớn, thay thế dây cũ bằng dây mới để đảm bảo hệ thống điện thông suốt. Anh Tuấn bảo, việc này rất mệt, hàng chục anh em kéo dây dưới đất, vắt lên trụ điện với quãng đường hàng trăm mét. Nhưng, chỉ một cải tiến rất nhỏ đã giúp việc kéo dây của anh em trở nên nhẹ nhàng. Đó là hiệu quả từ sáng kiến của anh Võ Công Thành.
Phục vụ sản xuất bằng xe cơ giới nên mỗi lần sửa chữa lớn, anh Thành đều chở thiết bị, máy móc bằng chiếc xe tải của công ty. Anh nhận thấy, anh em kéo dây quá vất vả, làm sao để thay thế sức người bằng sức máy. Vậy là mày mò, anh Thành chế ra một con ru-lô lớn gắn trực tiếp vào trục bánh xe tải. Khi vận hành, trục xe quay, con ru lô có tác dụng thu dây cũ, đồng thời, kéo dây mới chạy lên cột. Dây cũ được thu thành cuộn, rất gọn và dễ mang vác, vận chuyển cũng như bảo quản. Chỉ cần 15 phút lắp đặt ru-lô vào trục xe tải, công việc của người thợ đường dây nhẹ nhàng hơn hẳn. Thay vì hàng chục người kéo dây, giờ chỉ cần vài người lắp đặt ru-lô, người lái xe vận hành xe là những cuộn dây cáp lớn được thu hồi, lắp đặt nhẹ nhàng. Tận dụng chính chiếc xe tải vận chuyển thiết bị, người thợ đã khéo léo cải tiến, nâng cao hiệu quả công việc, giải phóng sức cho hàng chục người thợ khi sửa chữa lưới điện.
Năm 2019, anh Võ Công Thành cải tiến kìm ép cos thủy lực bằng tay sang ép bằng máy. Vì kìm ép cos thủy lực trên các đường dây thường được người thợ mang theo, xách lên cột điện để ép bằng tay. Ở trên không gian cao, chỗ để không chắc chắn, chênh vênh, việc vận hành cũng khá lúng túng. Vậy là, chỉ bằng một chiếc máy của xe hai bánh cũ, anh Thành cải tiến để thay vì ép bằng tay trên cao, kìm ép được vận hành bằng máy ngay dưới mặt đất, hơi được chạy theo đường ống lên trụ điện. Cải tiến hết sức đơn giản nhưng giúp công việc của người thợ dễ dàng hơn hẳn, không cần mang vác nặng nề hay hoạt động bất tiện trên cột điện cao nhiều mét.
Sức máy thay sức người
Tham gia ngành điện năm 2003, anh Võ Công Thành gắn bó với công việc của người lái xe, thường xuyên cùng anh em công nhân trên các công trình điện, từ thi công mới cho đến sửa chữa lớn, nhỏ. Bằng kinh nghiệm của người thợ, với óc tìm tòi quan sát, chú ý, anh Thành đã tự mày mò cải tiến các công cụ lao động sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Anh tâm sự: “Bây giờ công việc chúng tôi có máy móc hỗ trợ nhưng nhiều việc anh em vẫn phải làm bằng sức người. Tôi vốn là người thợ nên lúc nào cũng nghĩ, sức máy phải thay sức người, cải tiến máy móc, công cụ để công việc của anh em và bản thân tôi nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn”.
Người thợ ngành điện đã mày mò, cải tiến công cụ từ nhiều năm nay. Anh cải tiến những công cụ rất đơn giản, từ chính những thiết bị có sẵn hoặc mua với giá rất rẻ. Như sáng kiến gia công kìm ép cos thủy lực bằng tay sang hoạt động ép bằng máy, anh chế cháo bằng chiếc máy xe honda cũ, bệ bằng thép cũ với giá không quá 2 triệu đồng. Và anh cải tiến máy cắt cỏ của bà con nông dân thành máy cắt cây phát quang hành lang an toàn lưới điện, thay cho cắt bằng tay cũng với giá rất rẻ, không quá 1 triệu đồng.
Từ năm 2011 đến nay, anh Võ Công Thành đã có 4 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được công nhận và áp dụng rộng rãi. Đây đều là những cải tiến đơn giản nhưng hiệu quả, có thể áp dụng ở các Điện lực của nhiều địa phương. Đại diện Công ty Điện lực Lâm Đồng tự hào cho biết, riêng sáng kiến Dụng cụ thu hồi dây cũ các công trình cải tạo, nâng cấp lưới điện của anh Võ Công Thành được áp dụng trong toàn công ty, 12 Điện lực của các huyện, thành phố đều áp dụng hiệu quả. Sáng kiến từ năm 2011 này của anh Võ Công Thành đã lan tỏa khắp các Điện lực trong toàn tỉnh Lâm Đồng và nhiều đơn vị thi công, sửa chữa điện trên cả nước, nhất là với những đơn vị nhỏ, chưa áp dụng máy móc hiện đại trong kéo dây, thu dây.
Sáng kiến nhỏ - hiệu quả lớn, người công nhân ngành điện Võ Công Thành đang ngày đêm gắn bó với những tuyến đường điện, góp sức vào giữ gìn an toàn điện, đưa ánh sáng đến với mỗi mái ấm.
Link gốc