Nguồn nước về thấp nhất lịch sử
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vụ Đông Xuân năm 2019-2020, 11 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ phấn đấu gieo trồng 528.000ha lúa, năng suất đạt 65,9 tạ/ha... Đây là vụ sản xuất quan trọng và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Long - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là dòng chảy đến hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10-80%. Hiện nay, tổng dung tích các hồ chứa lớn trên sông Hồng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 5,1 tỷ m3, trong đó tổng dung tích 3 hồ chứa lớn: Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 3,08 tỷ m3, thấp hơn so với Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng khoảng 1,55 tỷ m3..
Dự báo, từ tháng 1 đến tháng 6/2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, cụ thể lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 20-40%, lưu vực sông Thao thiếu hụt 20-50%, riêng hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 20-30%.
“Sau khi kết thúc đổ ải, mực nước sông Hồng giảm nhanh, hạ lưu cũng giảm mạnh, thấp nhất ở mức 0,2-0,3m, xuất hiện vào cuối tháng 2 hoặc tháng 3/2020. Mùa khô năm 2020, tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra tại một số tỉnh ở khu vực Tây Bắc và Đông Bắc”, ông Vũ Đức Long cho biết.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Chính – Phó Trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất (EVN) cho biết: Tính đến nay, tổng lượng nước tích được ở các hồ trên lưu vực sông Hồng là 11,3 tỷ m3, tương ứng 60% dung tích hữu ích (thiếu hụt khoảng 7,6 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường), trong đó các hồ trực tiếp vận hành xả nước vụ Đông Xuân tích được 5,7 tỷ m3, tương ứng 57,3 % dung tích. Đây là năm thấp nhất lịch sử kể từ khi NMTĐ Hòa Bình đi vào vận hành.
Theo tính toán của EVN, nếu xả nước như yêu cầu của Bộ NN&PTNT tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện trong 03 đợt khoảng 4,3 tỷ m3, sau khi xả, hồ Hòa Bình còn 5,7% dung tích hữu ích, hồ Thác Bà còn khoảng 18,2% dung tích hữu ích và hồ Tuyên Quang còn tương đương 8,4% dung tích hữu ích.
Ông Chính cho biết thêm, hồ Hoà Bình sau cấp nước đổ ải còn phải thực hiện nhiệm vụ đáp ứng được nhu cầu phụ tải tăng cao trong cao điểm mùa khô và chống quá tải trong một số trường hợp. Cùng với đó phải đảm bảo cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà. Ngoài ra, sau đổ ải, các hồ còn phải cấp nước phục vụ tưới dưỡng cho diện tích lúa đã được gieo cấy, mực nước các hồ sẽ giảm xuống gần gần mực nước chết.
Cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành lấy nước
Để đảm bảo nguồn điện và nước cho các đợt đổ ải, EVN đã chỉ đạo các đơn vị Điện lực chủ động kiểm tra, sửa chữa lưới điện cấp cho các trạm bơm nước; Bám sát lịch làm việc của các trạm bơm, lịch thời vụ của địa phương để lập và thực hiện phương án cung ứng điện an toàn, đảm bảo chất lượng, liên tục (24 giờ/24 giờ) trong suốt thời gian từ ngày 20/01/2020 đến ngày 24/02/2020. Trong thời gian đổ ải: tăng cường chế độ trực vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư và thiết bị dự phòng để xử lý nhanh trong tình huống xảy ra sự cố; Huy động tối đa các nguồn để giữ nước sông Đà chuẩn bị cho đổ ải, kể cả huy động các nguồn điện dầu đắt tiền ngay từ tháng 10/2019. EVN cũng sẽ chỉ đạo Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia lập phương án xả nước tăng cường chi tiết cho từng đợt đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu lấy nước và tiết kiệm nguồn nước; Phối hợp với các đơn vị rà soát, lập kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị trên hệ thống điện nhằm đảm bảo vận hành an toàn, liên tục các nhà máy thủy điện trực tiếp xả nước (và phối hợp xả nước) cũng như lưới điện truyền tải có liên quan.
Đồng thời phối hợp với Tổng Cục thủy lợi, Viện Quy hoạch thủy lợi, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy triều. Liên tục cập nhật diễn biến xả nước, trong đó đặc biệt lưu ý mức nước Hà Nội, tiến độ lấy nước của các địa phương để từ đó kịp thời có các kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về việc xả nước, đảm bảo yêu cầu mức nước nhưng cũng đảm bảo mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Chính đề nghị Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo các địa phương trong việc đổ ải, tập trung tối đa lượng nước xả, xem xét giảm số ngày xả lấy nước trong đợt 2 và giảm mức nước yêu cầu cho các đợt còn lại để tiết kiệm lượng nước trữ trong hồ phục vụ các nhu cầu kinh tế - xã hội vào mùa khô năm 2020.
“Về lâu dài thực hiện các giải pháp tổng thể về công trình để trong thời gian tới các địa phương có thể chủ động hoàn toàn việc lấy nước phục vụ các nhu cầu kinh tế - xã hội mà không cần phải thực hiện các đợt xả nước tăng cường từ các hồ chứa điện”, ông Chính nói.
Đồng tình với kiến nghị trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương chủ động lấy nước không phụ thuộc vào 3 đợt lấy nước, tích vào ao hồ chứ không đợi đợt 2 nhiều nước mới lấy. Các địa phương cố gắng đổ ải, lấy nước, gieo cấy cùng lúc. Bộ cũng sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra trực tiếp tại các địa phương trong việc lấy nước.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác lấy nước; trong đó, tiếp tục rà soát, xây dựng chi tiết các phương án lấy nước trên tinh thần tận dụng tối đa nguồn nước tại chỗ, nước hồi quy; thực hiện phương châm lấy nước đến đâu thì làm đất, gieo cấy đến đó; hạn chế gieo sạ, tăng cường biện pháp cấy.
Cùng với giải pháp trên, các địa phương lưu ý việc chuyển đổi, sử dụng cơ cấu giống ít tiêu hao, phụ thuộc nguồn nước... Về lâu dài, các sở NN&PTNT cần tham mưu cho chính quyền các tỉnh, thành phố trong tái cơ cấu nông nghiệp; rà soát, đề xuất đầu tư xây dựng công trình thủy lợi mới phù hợp, gắn với biến đổi lòng dẫn…