Sẽ loại bỏ đèn sợi đốt

Thứ năm, 6/12/2012 | 08:27 GMT+7
Việc cấm sản xuất và sử dụng đèn sợi đốt là cần thiết để tiết kiệm điện năng nhưng nên tính toán đến lợi ích hài hòa của nhiều bên liên quan.
Theo nội dung Chương trình Mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ, từ ngày 1-1-2013, Việt Nam sẽ cấm nhập, sản xuất các loại bóng đèn sợi đốt (đèn tròn) có công suất trên 60 W. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nơi người dân vẫn còn sử dụng loại đèn này trong chiếu sáng và sản xuất.

Đèn compact, LED ưu việt hơn

 Mục tiêu của việc loại bỏ bóng đèn sợi đốt là để tiết kiệm điện năng, chuyển đổi sang sử dụng các thiết bị chiếu sáng khác sử dụng ít điện năng hơn.

Theo các nhà khoa học tại Viện Khoa học Năng lượng Việt Nam, một bóng đèn compact tiết kiệm năng lượng 20 W có độ sáng tương đương với bóng đèn sợi đốt công suất 100 W; còn bóng đèn compact 12 W có độ sáng tương đương với bóng đèn sợi đốt công suất 60 W. Do đó, sử dụng đèn compact có thể tiết kiệm 75%-80% điện năng so với đèn sợi đốt nhưng vẫn cho chất lượng sáng tương đương. Còn với đèn LED thế hệ mới, trên cùng một cường độ chiếu sáng, chúng có thể tiết kiệm ít nhất 50% năng lượng so với đèn compact. Để đạt được độ sáng của bóng đèn sợi đốt 100 W, đèn huỳnh quang cần 25 W, trong khi đèn LED chỉ cần 10 W.


Nhiều nơi trồng thanh long ở Bình Thuận vẫn còn dùng bóng đèn sợi đốt để kích thích cây ra hoa. Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Trong 3 năm gần đây, đèn sợi đốt với hiệu suất 60, 70, 100 W đã dần bị thay thế bởi đèn huỳnh quang compact hoặc đèn LED. Ủy ban châu Âu đã ra lệnh ngừng sản xuất bóng đèn sợi đốt vào tháng 9 vừa qua, kết thúc kỷ nguyên loại đèn này sau 133 năm tồn tại.

Nhiều nông dân lo ngại

Trước thông tin này, nhiều người dân, đặc biệt là nông dân, cho biết bóng đèn sợi đốt không chỉ để chiếu sáng mà còn được dùng trong nhiều mục đích khác như sấy, kích thích cây ra hoa trong sản xuất nông nghiệp, là nguồn nhiệt trong các lò ấp trứng gia cầm, trang trại chăn nuôi... Anh Võ Văn Sáu, một nông dân nuôi gà ở tỉnh Long An, cho rằng trong quá trình nuôi gà, anh phải thường xuyên sử dụng đèn sợi đốt để sưởi ấm cho gà con, nếu không có loại đèn này thì không có phương tiện nào khác để thực hiện. Nhiều nông dân ở các vùng trồng thanh long cũng lo ngại khi loại bỏ đèn sợi đốt công suất lớn, việc kích thích cây ra hoa như truyền thống gặp khó khăn.

Bóng đèn sợi đốt có thể sáng ở bất cứ điện áp nào nên được sử dụng nhiều ở nông thôn, nơi có cường độ điện năng thất thường. Để bóng đèn compact phát sáng, điện áp phải 180 V - 260 V nhưng đường điện về nông thôn hiện nay bị tổn thất điện năng lớn, càng về vùng sâu, vùng xa, điện càng yếu. Đèn compact huỳnh quang khó thể hoạt động trong điều kiện điện áp không ổn định như vậy. Nhiều người dân cho biết với tình trạng điện áp lên xuống thất thường, tuổi thọ của đèn compact lại không bằng bóng đèn sợi đốt vì thường bị cháy. Hiện nay, giá đèn compact lại đắt hơn gấp 5-10 lần so với đèn sợi đốt nên nông dân ngại sử dụng. Mặt khác, chất lượng của bóng đèn compact hiện nay rất kém, nhất là loại do Trung Quốc sản xuất.

Nên có lộ trình hợp lý

Ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất nhiều hộ gia đình đang sử dụng bóng đèn sợi đốt để chiếu sáng. Việc cấm sản xuất, lưu thông loại bóng đèn này sẽ gây nên những khó khăn nhất định.

Ông Đào Hồng Thái,  Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội, cho biết việc cấm sản xuất và sử dụng bóng đèn sợi đốt là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện việc này cần phải có lộ trình phù hợp. Các cơ quan chức năng phải tính toán đến lợi ích hài hòa đối với nhiều bên. Các doanh nghiệp cần lộ trình để thay đổi công nghệ, đầu tư chi phí, nhân lực… Đối với người dân khu vực nông thôn, nên nghiên cứu cơ chế hỗ trợ chi phí để đổi từ bóng đèn sợi đốt sang các sản phẩm khác tiết kiệm điện. Đó là điều mà ngành điện cần nghiên cứu kỹ trước khi triển khai đại trà.

Có thể dùng đèn compact cho cây thanh long

Nhằm tìm giải pháp giúp tiết kiệm điện năng và sử dụng các loại đèn khác thay thế đèn sợi đốt trong sản xuất nông nghiệp, đầu tháng 10-2012, Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long thuộc Sở NN-PTNT Bình Thuận đã khảo nghiệm hiệu quả sử dụng bóng compact chống ẩm Điện Quang 20 W thay thế đèn sợi đốt 60 W để xử lý cho cây thanh long ra hoa trái vụ.
 
Khảo nghiệm cho thấy bóng compact tiết kiệm được 2/3 lượng điện năng tiêu thụ, giảm tỉ lệ đèn hư hỏng khi gặp mưa gió từ 7,8% xuống 0,5%, số lượng thanh long ra hoa và tỉ lệ số trái chín/trụ đạt ngưỡng tối đa. Đặc biệt, khi sử dụng bóng compact, nụ chỉ tập trung ở những cành già, cành khỏe mạnh; còn sử dụng đèn sợi đốt thì nụ ra ở cả những cành non, phải tốn công tỉa bỏ, làm mất năng suất cho đợt ra nụ sau đó.
 
Người Lao động