Tự hào ngành điện Việt Nam

Sống cùng bão dông, nắng nóng

Thứ sáu, 24/5/2019 | 09:06 GMT+7
Đêm 29-4, trời đổ mưa lớn. Dầm mình trong mưa nhiều giờ liền, cơ thể đã ngấm lạnh, mắt nhòe đi vì nước mưa tới tấp tạt vào mặt, anh Nam, anh Chung, anh Tuấn Anh… vẫn chưa thể ngơi tay. 

Hơn 40 người trong đội đã làm việc liên tục suốt hơn 10 giờ đồng hồ. Trọng trách bảo đảm nguồn điện, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 đặt lên vai họ.
 
18h chiều 28-4, ngay khi Tổ giám sát báo gấp về sự cố người điều khiển xe cẩu trọng tải 20 tấn khi thi công công trình chung cư tại Tây Mỗ đã không chú ý biển cảnh báo, đưa ngọn cẩu va vào đường dây cao thế, toàn Đội đường dây thuộc Công ty lưới điện cao thế thành phố Hà Nội lập tức lên đường.
 
Đoạn dây bị tướp nếu không nhanh chóng được thay bằng dây mới sẽ dẫn đến mất điện. Đây là điều không được phép xảy ra, đặc biệt là để phục vụ người dân sinh hoạt, vui chơi, giải trí dịp nghỉ lễ.
 
Mặc mưa lớn, họ làm miệt mài xuyên đêm. Khi ánh sáng ngày mới le lói, mưa vẫn còn nặng hạt, việc sửa chữa mới hoàn thành. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm nhưng tâm thế lại đã sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới.
 
“Nhiều đêm, mưa bão sấm chớp, sét đánh vào đường dây hay các tấm bạt của nhà dân bay lên đường dây là anh em phải kịp thời xử lý. Mọi người luôn sẵn sàng lên đường 24/24h, bất kể đêm hôm hay điều kiện thời tiết khắc nghiệt đến đâu”, anh Nguyễn Thế Nam, Tổ vận hành 3 chia sẻ.
 
Nếu như việc xử lý các sự cố đột xuất đòi hỏi áp lực về tiến độ khẩn trương thì công việc định kỳ gồm vận hành quản lý đường dây, kiểm tra kỹ thuật trên lưới lại cần ở họ tính bền bỉ, dẻo dai và kiên trì. Đi bộ bám dọc theo đường dây cao thế 110kV hiện đã phủ rộng khắp thành phố, từ đồng bằng đến vùng bán sơn địa và ra cả vùng giáp các tỉnh, thành lân cận, đôi chân người thợ đã quen với việc lội ruộng, leo đồi không biết mệt mỏi.
 
“Mỗi đường dây cấp điện cho 1/4 thành phố, nếu gặp sự cố nhẹ thì gây mất điện cho cả một quận hoặc một huyện, còn nặng hơn thì liên đới đến cả 2 quận” – anh Nam lý giải về tầm quan trọng của lưới điện cao thế.
 
“Không chỉ những ngày mưa, vào những ngày nắng nóng, phụ tải đạt đỉnh, toàn bộ các anh em trong đội phải ra tuyến để kịp thời xử lý sự cố hoặc kiểm tra độ võng của dây để Trung tâm Điều độ san tải, cân đối, bảo đảm vận hành an toàn cho cả hệ thống”, anh Nam kể thêm.
 
Trung tâm Điều độ hệ thống điện thành phố Hà Nội là tên đầy đủ của đơn vị mà anh Nam vừa nhắc tới. Nơi đây, trong những đêm mưa lớn kèm dông lốc hay những đợt nắng nóng đỉnh điểm, những điều độ viên vẫn thường có những ca làm việc kéo dài cả chục giờ đồng hồ mà quên mất mình còn chưa ăn bữa tối.
 
“Cơn bão với những trận dông lốc thường bắt đầu từ 14-15h chiều và kéo dài cho đến hết đêm. Chúng tôi cũng cứ thế mà làm việc xuyên đêm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng liên quan để khắc phục sự cố cho đến tận sáng hôm sau. Anh em chỉ kịp ăn tạm thứ gì đó trước khi bắt đầu ca làm việc mới”, anh Lê Quang Huy, Phó Phòng điều độ vận hành nói về công việc của mình.
 
Áp lực công việc căng thẳng với những quyết định mang tính “cân não” là thế, nhưng cách nói chuyện nhỏ nhẹ, trầm tĩnh của anh khiến người đối diện khó có thể nhận ra đây là một điều độ viên xuất sắc đã giành giải nhất cá nhân trong Hội thi điều độ viên giỏi cấp Tập đoàn năm 2017.
 
Anh tâm sự, giải thưởng đem lại chút tự hào cho bản thân, song là phần thưởng lớn, khẳng định sự phấn đấu không mệt mỏi trong suốt chặng đường 13 năm gắn bó của anh với việc điều độ.
 
Anh Nam, anh Chung, anh Huy, anh Tuấn Anh chỉ là 4 trong số hàng nghìn người thợ, kỹ sư của tập thể EVN Hà Nội. Nhưng tinh thần làm việc, trái tim yêu nghề của các anh lại là mẫu số chung của cả tập thể cán bộ, nhân viên. Khí chất đáng quý ấy bắt nguồn từ sự trân trọng lịch sử vẻ vang của ngành, thấm nhuần lời dạy của Bác: Khi thực hiện bất kỳ nhiệm vụ gì cũng phải trả lời câu hỏi “Vì ai mà làm? Đối với ai phụ trách?”...
Theo: Hà Nội mới

Bình luận của bạn

Captcha image