Công nhân Truyền tải Điện Tây Bắc (Công ty Truyền tải điện 1) bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên hệ thống chống sét tuyến đường dây 220kV Việt Trì - Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
EVNNPT cho biết, các đường dây 220kV và 500kV đi qua vùng đồi núi cao, từng rậm, vượt thung lũng, khu vực có nhiều mỏ than, quặng, vùng có điện trở suất của đất lớn như: Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh… thường xuyên xảy ra sự cố do sét. Theo thống kê, năm 2011, có 145 sự cố đường dây thì có 100 sự cố do sét, chiếm tỉ lệ 69%; năm 2012, có 119 sự cố do sét/174 sự cố, chiếm 68%; năm 2013, 77 sự cố do sét/149 sự cố, chiếm 52%; năm 2014, 127 sự cố do sét/167 sự cố, chiếm 77%; năm 2015, 72 sự cố do sét/168 sự cố, chiếm 43% và 6 tháng đầu năm 2016 có 58 sự cố do sét/84 sự cố, chiếm 69% . Trong đó, phần lớn sự cố do sét xảy ra trên địa bàn do Công ty Truyền tải điện 1 quản lý (từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra Bắc): Năm 2011 chiếm 71%; năm 2012 chiếm 67%; năm 2013 chiếm 69%; năm 2014 chiếm 61%; năm 2014 chiếm 69% và 6 tháng đầu năm 2016 là 72%. Các sự cố có nguyên nhân do sét thường tập trung từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm (cao nhất vào tháng 5 và 6).
Trên thực tế cho thấy, sự cố xảy ra nhiều đối với các đường dây mới đưa vào vận hành và giảm dần theo thời gian vận hành. Nguyên nhân là do, các dữ liệu về giông sét theo tiêu chuẩn TCVN 4088-1985, phục vụ thiết kế bảo vệ chống sét đường dây đang sử dụng không còn phù hợp; số liệu về mưa giông, giông sét đang được các đơn vị tư vấn thiết kế cập nhật trên cơ sở số liệu của các cơ quan khí tượng thủy văn địa phương không chuẩn xác về cường độ, mật độ sét và dạng sét (từ mây đến mây và từ mây xuống đất) dẫn đến tính toán xác suất cắt không chuẩn xác.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Hiện nay, một số đơn vị tư vấn thiết kế điện có tham khảo thêm dữ liệu giông sét theo QCVN số 02:2009/BXD ngày 14-8-2009 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dung trong xây dựng. Tuy nhiên, dữ liệu này chỉ có mật độ sét, chưa đáp ứng yêu cầu về cường độ sét, dạng sét.
Theo EVNNPT, thiếu dữ liệu về sét đã dẫn đến các tính toán thiết kế bảo vệ chống sét cho đường dây chưa đạt yêu cầu, việc phân tích nguyên nhân sự cố gặp khó khăn do không xác định được bản chất sét đánh vào đỉnh cột, dây chóng sét hay trực tiếp vào dây dẫn nên giải pháp thực hiện có thể chưa phù hợp và chưa hiệu quả.
Trước tình trạng trên, EVNNP đã chỉ đạo quyết liệt đến các Công ty Truyền tải thực hiện phân tích, đánh giá nguyên nhân do sét gây ra phóng điện để từ đó có giải pháp giảm thiểu sự cố lưới điện truyền tải hiệu quả. Đồng thời, quy định thiết kế hạng mục hệ thống nối đất chân cột đường dây nhằm thống nhất quy cách thiết kế hệ thống nối đất chân cột hiệu quả cho đường dây truyền tải điện trên không. Từ năm 2012, EVNNPT đã đưa công tác sửa chữa tiếp địa đường dây vào kế hoạch sửa chữa lớn đối với trường hợp tiếp địa bị hư hỏng hàng loạt, tiếp địa không đảm bảo hiệu quả thoát sét; từ cuối năm 2014, EVNNPT đã chỉ đạo các Công ty Truyền tải điện kiểm tra toàn tuyến do đơn vị quản lý vận hành đảm bảo tiếp địa phải đủ 3 tiêu chí. Đồng thời, yêu cầu các Công ty Truyền tải thực hiện đo kiểm tra điện trở tiếp địa cột vào mùa khô, trước mùa giông sét để kịp thời có giải pháp xử lý nhằm hạn chế thấp nhất sự cố. EVNNPT sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp bảo vệ chống sét của một số nước trên thế giới để xem xét áp dụng phù hợp với lưới điện truyền tải của Việt Nam.
Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện với 2 cấp điện áp 220kV và 500kV. Tính đến 30-6-2016, EVNNPT đang quản lý vận hành 350 đường dây với tổng chiều dài 23.150km, trong đó, 59 đường dây 500kV có tổng chiều dài 7.414km và 298 đường dây 220kV có tổng chiều dài 15.741km. Các đường dây này trải dài từ Bắc vào Nam, đi qua nhiều địa hình từ núi cao đến đầm lầy. |