Sử dụng công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa: Minh bạch hóa kinh doanh điện năng

Thứ năm, 17/8/2017 | 10:47 GMT+7
Việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử với chức năng đọc chỉ số từ xa là mục tiêu của Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) nhằm tạo điều kiện cho khách hàng kiểm tra giám sát quá trình sử dụng điện.
Điện lực Thăng Bình triển khai lắp đặt công tơ điện tử đo xa cho khách hàng.
 
Công tơ điện tử đo xa
 
Từ năm 2011, PC Quảng Nam đã tiến hành thí điểm lắp đặt công tơ điện tử (RF Spider) thay công tơ cơ trước đây ở một số khu vực nội thị trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành, sản xuất kinh doanh của PC Quảng Nam để từng bước hiện đại hóa hệ thống đo đếm phục vụ kinh doanh, với mục tiêu mang lại sự thuận lợi nhất cho khách hàng sử dụng điện. Theo ông Lưu Đức Lợi - Phó Giám đốc PC Quảng Nam, công tơ điện tử là hệ thống thu thập chỉ số công tơ từ xa hoàn toàn tự động, ứng dụng công nghệ không dây theo kiểu mắt lưới (RF-Mesh), sử dụng sóng vô tuyến (RF). Mạng lưới thông tin được hình thành tự động bởi các công tơ có tích hợp công nghệ RF-Mesh phát sóng RF nhằm giúp cho nhân viên ngành điện ghi chỉ số không cần phải đến hiện trường mà vẫn có thể theo dõi số liệu hàng giờ trên máy tính hoặc các thiết bị di động có kết nối internet.
 
Sau gần 6 năm triển khai lắp đặt công tơ điện tử trong quản lý vận hành lưới điện đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực như: tự động đọc chỉ số công tơ bất kỳ thời điểm nào, tính tổn thất điện năng ở trạm biến áp theo ngày, tự động ghép số liệu vào hệ thống CMIS để tính hóa đơn... Ngoài ra, công nghệ này còn tự động đưa ra biểu đồ sản lượng sử dụng điện theo ngày của khách hàng, tự động đưa ra cảnh báo khi sản lượng tăng đột biến trong ngày hoặc chỉ số bất thường. Đến nay, Quảng Nam đã có gần 50% khách hàng sử dụng điện được lắp đặt công tơ điện tử và lắp đặt hệ thống điểm đo xa ở các trạm biến áp với hơn 2.000 điểm cho các khách hàng sử dụng điện hơn 2.000 kWh/tháng.
 
Việc ứng dụng hệ thống công tơ điện tử góp phần giúp PC Quảng Nam tăng cường giám sát, theo dõi, kiểm tra hoạt động của hệ thống đo đếm điện từ xa; chốt các chỉ số công tơ để tính hóa đơn. Nhờ vậy sẽ kiểm soát được tổn thất, phát hiện kịp thời sai sót, hư hỏng; giảm thời gian cho việc chốt chỉ số công tơ; ngăn ngừa hành vi lấy cắp điện. “Hiệu quả mang lại của việc sử dụng công tơ điện tử vào công tác kinh doanh bán điện cho khách hàng là tự động hóa hệ thống đo đếm điện năng, thay cho phương pháp theo dõi và quản lý vận hành thủ công truyền thống có năng suất lao động thấp, giúp cho ngành điện nâng cao năng suất lao động, tăng cường chất lượng quản lý, giám sát, vận hành hệ thống đo đếm...” - ông Lợi cho biết.
 
Nhiều tiện ích
 
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, thông qua lắp đặt công tơ điện tử và lắp đặt hệ thống điểm đo xa tại các trạm biến áp đã giúp nhân viên ngành điện không phải trực tiếp đến tận hộ dân để ghi số điện ở từng công tơ. Bên cạnh đó, việc ghi chỉ số sai do nhầm lẫn, cập nhật thiếu chính xác cũng giảm hẳn, không còn tình trạng nhân viên ghi ước độ, tạm tính do khách hàng đi vắng. Nhờ tích cực lắp đặt công tơ điện tử, PC Quảng Nam cũng đã sắp xếp, giảm được gần 60% lao động làm công tác ghi và nhập chỉ số. Ngoài ra, còn giúp cho ngành điện nâng cao độ tin cậy về cung cấp điện, thường xuyên theo dõi, rà soát và phát hiện kịp thời một số trường hợp công tơ mất tín hiệu điện áp, công tơ hư hỏng...
 
Tiện ích của công tơ điện tử và lắp đặt hệ thống điểm đo xa  không chỉ mang lại cho ngành điện mà cho cả khách hàng. Đối với kiểm tra sản lượng điện tiêu thụ trước đây, khách hàng gần như bị động, chưa kiểm soát được sản lượng điện đã tiêu thụ của mình, thì nay nhờ hệ thống đo đếm từ xa khách hàng dễ dàng giám sát và quản lý được số liệu công tơ mình đang sử dụng theo từng thời điểm trong ngày. Điều này giúp việc mua bán điện được minh bạch hóa, khách hàng có điều kiện theo dõi sản lượng điện mình sử dụng theo từng ngày. Đặc biệt, kể từ khi PC Quảng Nam tiến hành đầu tư lắp đặt hệ thống điểm đo xa ở các trạm biến áp của các khách hàng là doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện năng lớn dễ dàng theo dõi được chất lượng điện năng, mức độ tiêu thụ điện của mình thông qua phần mềm thu thập số liệu từ xa (MDMS) trên internet, từ đó chủ động điều hòa phụ tải, góp phần tích cực vào việc điều hòa biểu đồ phụ tải chung của toàn hệ thống điện bằng cách chuyển công suất sử dụng từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm. Với chính sách giá điện của Nhà nước hiện nay, nếu sử dụng điện hợp lý, khách hàng có thể tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất cho doanh nghiệp (giá điện giờ thấp điểm thấp hơn từ 35 - 37% so với giá giờ bình thường và thấp hơn 64 - 67% so với giá giờ cao điểm). Ông Trần Trúc (chủ khách sạn Phước Tân, Hội An) cho biết: “Từ khi khách sạn được ngành điện lắp đặt thêm hệ thống đo đếm từ xa đã giúp cho đơn vị có điều kiện giám sát, theo dõi sản lượng điện tiêu thụ hằng giờ, hằng ngày, có kế hoạch điều chỉnh sử dụng điện giờ cao điểm, thấp điểm một cách hợp lý và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
 
Từ những lợi ích thiết thực đó, thời gian tới, PC Quảng Nam có kế hoạch lắp đặt toàn bộ công tơ điện tử đối với tất cả khách hàng sử dụng điện năng trên địa bàn, thay thế dần các công tơ hiện tại, đảm bảo yêu cầu sử dụng điện năng tiết kiệm, hiệu quả. Mục tiêu của PC Quảng Nam đặt ra đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ đạt tỷ lệ 80% khách hàng sử dụng điện được lắp đặt công tơ điện tử đo xa và lắp đặt hệ thống quản lý điểm đo xa ở các trạm biến áp. “Việc triển khai lắp đặt công tơ điện tử là xu thế tất yếu, góp phần nâng cao năng suất lao động và dịch vụ khách hàng. Đây cũng là mục tiêu của PC Quảng Nam là từng bước xây dựng, hoàn thiện lộ trình hiện đại hóa lưới điện thông minh và ứng dụng công nghệ vào công tác sản xuất, kinh doanh điện” - ông Lợi khẳng định.
Theo: Báo ĐT Quảng Nam