Ngành điện khuyến cáo: Nên chú ý kiểm tra các thiết bị dùng điện, công tắc, cầu dao... trước khi ra khỏi nhà.
Trong số các nguyên nhân gây tai nạn điện trong sinh hoạt chủ yếu là do người sử dụng điện quá bất cẩn, chủ quan.
Đối với những vụ tai nạn trong sản xuất chủ yếu do người lao động không tuân thủ nghiêm túc các quy trình đóng cắt điện; chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật an toàn; thiếu hoặc không sử dụng đúng các dụng cụ bảo hộ lao động, như: ủng, găng tay cách điện, thảm cao su, giá cách điện… Ngoài các nguyên nhân trên thì người lao động do yếu kém trong quá trình tổ chức thi công và thiết kế. Ví dụ như trong quá trình thi công hàn, dây điện được trải ngay trên mặt sàn do vị trí của máy hàn và thiết bị hàn không cố định. Kim loại bị chảy do nhiệt độ cao dưới tác động của dòng điện hoặc hơi cháy làm bắn văng ra xỉ hàn có thể gây cháy dây điện dẫn đến tai nạn. Bố trí không đầy đủ các vật che chắn, rào lưới ngăn ngừa việc tiếp xúc bất ngờ với bộ phận dẫn điện, dây dẫn điện của các trang thiết bị. Khi thiết kế không tính hết nhu cầu sử dụng thiết bị điện dẫn đến quá tải, chập cháy. Người thiết kế chỉ lưu ý đến phần tiếp đất, chống sét bằng thu lôi chứ không lưu ý đến hệ thống nối đất an toàn cho các thiết bị điện sử dụng trong nhà. Khi con người tiếp xúc với mạng điện, sẽ có dòng điện chạy qua người và dòng điện sẽ tác dụng vào cơ thể người. Dòng điện đi qua cơ thể con người gây nên phản ứng sinh lý phức tạp, như: hủy hoại cơ quan thần kinh điều khiển các giác quan bên trong của người, làm tê liệt cơ bắp; hủy hoại cơ quan hô hấp, sưng màng phổi; hủy hoại cơ quan tuần hoàn máu... có thể làm chết người.
Theo quy định an toàn điện thì chỉ những người có chuyên môn về điện và đã qua huấn luyện an toàn điện mới được bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị điện; phải ngắt thiết bị ra khỏi nguồn điện và nối đất thiết bị trước khi bảo dưỡng, sửa chữa; khi đóng, cắt thiết bị điện cần có “phiếu thao tác, quy trình làm việc” và phải có 2 người tham gia để tránh nhầm lẫn. Khi bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện ít nhất phải có 2 người tham gia, thực hiện các bước cô lập điện, treo biển cảnh báo cấm đóng điện tại cầu dao nguồn trong suốt quá trình làm việc, đặt các thiết bị, dụng cụ điện trên mặt bằng khô ráo, sử dụng “quy trình làm việc” và tuân theo “giấy phép làm việc điện”, sau khi kết thúc công việc phải nghiệm thu, trả giấy phép và thông báo để người vận hành đưa thiết bị vào hoạt động; không tự tiện đi vào vùng nguy hiểm của thiết bị điện hoặc đường dây dẫn điện và không tự ý đấu nối thay đổi hệ thống điện…
Để phòng ngừa tai nạn điện trong gia đình thì khi không sử dụng các máy móc, thiết bị có sử dụng điện nên rút phích cắm điện. Chú ý kiểm tra các thiết bị dùng điện, công tắc, cầu dao... trước khi ra khỏi nhà. Dụng cụ sử dụng điện phải được giữ cách xa nguồn nước. Không để bất kỳ đồ đạc chạy bằng điện nào gần chậu rửa, chậu nước, đường ống nước, không chạm vào chúng khi tay bạn chưa khô. Không đóng cắt cầu dao, công tắc điện, phích cắm khi còn tay ướt hoặc đang đi chân trần trên nền ẩm ướt, rất dễ bị điện giật. Nối đất vỏ kim loại các thiết bị dùng điện trong nhà, như: tủ lạnh, máy giặt, bếp điện... để đảm bảo an toàn. Thường xuyên kiểm tra các hệ thống dây điện xem chúng có bị trầy xước hay đứt gãy không. Nếu phích cắm không thể ăn khớp với ổ cắm thì nên sử dụng một phích nối phù hợp. Nên đặt cầu dao công tắc, ổ cắm điện ở vị trí cao hơn 1,4m để trẻ em không sờ tới được. Không dựng bảng hiệu, biển quảng cáo... gần đường dây điện hoặc dựng cao quá có thể chạm vào đường dây khi bị đổ ngã. Nên cắt áp-tô-mát, cầu dao điện và treo bản báo “Cấm đóng điện có người đang làm việc” tại cầu dao, khi cần sửa chữa hoặc mắc điện trong nhà.