Quản lý năng lượng

Sử dụng điện hiệu quả: Giải pháp nào?

Thứ ba, 3/12/2019 | 09:50 GMT+7
Sử dụng điện như thế nào để hiệu quả và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia? Đó là nội dung phóng viên trang tin ngành điện ICON trao đổi với ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Ông Nguyễn Quốc Dũng- Trưởng Ban Kinh doanh EVN.
 
PV: Xin ông cho biết những kết quả cơ bản của công tác tiết kiệm điện năm 2019?
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Trong năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
 
Phối hợp với các cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương thực hiện các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện có hiệu quả như: “Giờ trái đất”, “Gia đình tiết kiệm điện”, “Tiết kiệm trong học đường”, “Tuyến phố tiết kiệm điện”, “Thay đèn sợi đốt/đèn compact bằng đèn LED”; “Tư vấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả”; thực hiện Chỉ thị 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện. EVN cũng chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc Tập đoàn nghiêm túc áp dụng các giải pháp để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tiên phong triển khai lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái tại trụ sở các đơn vị. Xây dựng cộng cụ theo dõi, giám sát mức độ tiêu thụ điện của từng đơn vị thuộc EVN (kWh/tháng).  
 
Tập đoàn cũng ban hành kịp thời các quy trình, thủ tục để hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng lắp đặt hệ thống Điện năng lượng mặt trời áp mái (ĐMTAM) nối lưới (theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), tới tháng 10/2019 các TCTĐL đã triển khai mua sắm và lắp đặt công tơ 2 chiều, đấu nối vào lưới điện phân phối cho 16.741 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTAM nối lưới, với tổng công suất 280,87 MWp (cập nhật thêm số liệu tới tháng 11/2019 nếu cần). 
 
Đặc biệt năm nay Tập đoàn triển khai mạnh chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR) theo Thông tư 23/2017/TT-BCT, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động các khách hàng (sản xuất công nghiệp, khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm) tham gia thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại. Kết quả, đã ký kết thỏa thuận được 3.025 khách hàng (có mức tiêu thụ điện năng từ 1 triệu kWh/năm trở lên) tham gia DR phi thương mại, tiềm năng công suất tiết giảm khoảng 1.500 MW. Đã thực hiện 10 sự kiện DR (tới tháng 11/2019) với công suất cực đại tiết giảm được 513,9MW, tiết kiệm được: 6.373.361 kWh.   
 
PV: Vậy những giải pháp nào cho hiệu quả thiết thực - từ những kết quả mà ông vừa cho biết, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Trong thời gian qua, chúng tôi đã hiện nhiều giải pháp cụ thể để mang lại hiệu quả thiết thực, gồm: chủ động tổ chức, triển khai thực hiện từ Tập đoàn xuống tận đơn vị cơ sở. Chủ động xây dựng kế hoạch hành động, ban hành các quy trình tạm thời (ví dụ: quy trình thực hiện DR phi thương mại), trong khi chờ Bộ Ngành ban hành Quy trình chính thức.  Chủ trì tổ chức các Hội thảo, hội nghị để tuyên truyền, cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các chương trình hiệu quả năng lượng (ví dụ: hội nghị HAPUA về kinh doanh và dịch vụ khách hàng, DSM các nước khu vực Đông Nam Á; Hội nghị quốc tế quảng bá phát triển điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) tại Việt Nam, Hội nghị quảng bá lắp đặt ĐTMAM, triển khai DR tại các tỉnh, thành phố, v.v...). 
 
Giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và xây dựng công cụ giám sát online về mức độ tiêu thụ điện/tháng/năm của các trụ sở, đơn vị thuộc EVN và các khách hàng hành chính sự nghiệp và khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (theo quyết định ban hành hàng năm của Thủ tướng Chính phủ). Có khen thưởng và phạt đối với những đơn vị không thực hiện tốt. 
 
Chủ động phát huy thế mạnh của các đơn vị trong ngành (ví dụ: EMEC-CPC tự nghiên cứu và xây dựng phần mềm quản trị chương trình điều chỉnh phụ tải điện – DRSM), đã được nhân rộng và áp dụng tại các Tổng công ty điện lực. Phần mềm giúp EVN/đơn vị Điện lực và khách hàng thực hiện tốt các chương trình DR. 
 
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương, Cục Điện lực và NLTT, Cục Điều tiết Điện lực), UBND tỉnh, thành phố và các sở ban ngành, cùng với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền các hoạt động, chương trình sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. 
 
Hợp tác với các đối tác, tổ chức nước ngoài nghiên cứu, học tập các giải pháp, cách làm hiệu quả các chương trình “quản lý phía nhu cầu”. 
 
PV: Thưa ông Nguyễn Quốc Dũng, là đơn vị sản xuất, kinh doanh và vận hành hệ thống điện quốc gia, xin được hỏi ông: Tại sao điều chỉnh phụ tải lại được coi là giải pháp cấp thiết cho ngành năng lượng hiện nay?
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Thứ nhất, chi phí để giảm 01 MW công suất phụ tải điện vào giờ cao điểm bằng việc điều chỉnh nhu cầu sử dụng của khách hàng sẽ rẻ hơn chi phí để cung cấp thêm 01 MW công suất từ hệ thống điện (phải xây dựng thêm nhà máy điện mới cùng hệ thống cơ sở hạ tầng, lưới điện truyền tải và phân phối). Theo cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa kỳ, chi phí để thực hiện tiết kiệm 1 kWh sẽ rẻ hơn 5 lần so với chi phí sản xuất ra 1 kWh. 
 
Thứ hai, đây là giải pháp hữu hiệu để quản lý và kiểm soát phía nhu cầu phụ tải điện một cách chủ động hơn để cân bằng được cung cầu, nâng cao độ tin cậy, chất lượng cung cấp điện, mang lại hiệu quả trước mắt và lâu dài cho hệ thống điện. 
 
PV: Trong quá trình triển khai chương trình này EVN có gặp khó khăn gì không? 
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Thứ nhất, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích khách hàng tham gia thực hiện DR. Theo quy định hiện hành, EVN chỉ triển khai chương trình DR phi thương mại, do vậy EVN/TCTĐL/CTĐL chỉ thực hiện được các nội dung như: tuyên truyền vận động khách hàng tham gia thực hiện DR, đưa khách hàng vào danh sách ưu tiên cấp điện, nâng cao chất lượng dịch vụ; tư vấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Các hỗ trợ khách như: miễn phí bảo trì, bảo dưỡng máy biến áp; vệ sinh đường dây và TBA khách hàng; hỗ trợ tư vấn kiểm toán năng lượng, v.v... chưa thực hiện được do cần có cơ chế sử dụng nguồn và hoạch toán chi phí cho EVN.
 
Chính phủ đã có chủ trương nhưng chưa ban hành được các cơ chế về biểu giá điện và hỗ trợ tài chính để khuyến khích khách hàng tham gia DR. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới: không thực hiện DR phi thương mại, thay vào đó là DR thương mại, được thực hiện thông qua các cơ chế về biểu giá điện (theo thời gian, cao điểm, thấp điểm, mùa, cao điểm tới hạn...), cơ chế tài chính (thanh toán trực tiếp cho khách hàng theo kW và kWh tiết giảm), điều chỉnh phụ tải điện trực tiếp (miễn phí thiết bị điều khiển thông minh) để khuyến khích khách hàng tham gia DR một cách tự nguyện. 
 
Thứ hai, công tác tuyên truyền quảng bá các quy định pháp luật và các lợi ích khi khách hàng tham gia các sự kiện DR. EVN chỉ thực hiện tuyên truyền, quảng bá chương trình DR phi thương mại (do chưa có cơ chế thương mại), nên kém phần hấp dẫn và khuyến khích khách hàng tham gia. Chương trình DR là tự nguyện, không bắt buộc khách hàng phải tham gia, do vậy công tác thuyết phục khách hàng rất khó khăn. Hầu hết khách hàng đồng ý tham gia DR do nể nang và quan hệ tốt với CTĐL từ trước tới nay, chưa có nhiều khách hàng tham gia một cách tự nguyện. Các cơ quan truyền thông, báo chí chưa vào cuộc để phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước các cấp tăng cường tuyên truyền về chương trình DR.  
 
PV: Thưa ông Nguyễn Quốc Dũng, có thể nói truyền thông, thay đổi nhận thức cộng đồng là vô cùng quan trọng. Đối với doanh nghiệp, thay đổi thói quen, giờ giấc làm việc sẽ ảnh hưởng từ quy trình sản xuất đến tâm lý lao động lao động. Tuy nhiên, nếu việc thay đổi đó đem lại lợi ích lâu dài, tổng thể cho cả doanh nghiệp, nhà nước, nhà cung ứng điện và người lao động thì đó là việc cần làm, cần phải tiếp tục truyền thông và nhân rộng. Vậy, thời gian tới, EVN quan tâm, triển khai chương trình các chương trình hiệu quả năng lượng như thế nào để có thể đạt được kết quả tốt nhất? 
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các chương trình, chủ trương của Chính phủ về sử dụng NLTK&HQ, đặc biệt là 2 chương trình: (1) Chương trình quốc gia về quản lý phía nhu cầu điện (DSM) giai đoạn 2018 – 2030 và (2) Chương trình quốc gia về Sử dụng NLTK&HQ, giai đoạn 2019 – 2030. Triển khai các chương trình điều chỉnh phụ tải (có kế hoạch và khẩn cấp) với các cơ chế khuyến khích của Chính phủ. Đồng thời tuyên truyền, quản bá, khuyến khích, hỗ trợ khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái; Triển khai cung cấp các dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình Công ty dịch vụ năng lượng; Xây dựng các kênh/cổng/app/tool cung cấp các thông tin, tư vấn về sử dụng NLTK&HQ tới đông đảo khách hàng sử dụng điện; Xây dựng các ứng dụng trực tuyến (online) để theo dõi mức tiêu thụ năng lượng (điện) của khách hàng. Song song đó, chủ động thông tin cho khách hàng và các cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi và giám sát; Thí điểm các giải pháp, mô hình tiết kiệm điện tiên tiến, làm cơ sở để nhân rộng. Mặt khác nghiên cứu, đề xuất Bộ Công Thương, Chính phủ các cơ chế, chính sách khuyến khích khách hàng áp dụng các giải pháp sử dụng NLTK&HQ; Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước để nghiên cứu áp dụng các giải pháp, chương trình hiệu quả năng lượng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. 
Nguyên Long/Icon.com.vn