Quản lý năng lượng

Sử dụng điện tại các doanh nghiệp:Lãng phí do non tải

Thứ tư, 9/7/2014 | 15:06 GMT+7
Những năm qua, nền kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoạt động cầm chừng. Một số doanh nghiệp chỉ hoạt động khoảng 30 đến 40% công suất máy móc, dẫn đến việc lãng phí năng lượng, gây tổn thất điện năng khá lớn. Do vậy, ngành Điện đang cần doanh nghiệp chung tay chống lãng phí điện.

 
Các doanh nghiệp cần đầu tư dây chuyền sản xuất và có kế hoạch tổ chức sản xuất hợp lý để tiết kiệm năng lượng.

Mới đây, Sở Công thương phối hợp với Công ty Điện lực Phú Yên kiểm tra việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo các nội dung như xây dựng giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện; lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao, bảo vệ môi trường và việc thực hiện quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất để chống tổn thất điện năng.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy một số doanh nghiệp còn sử dụng các dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng; hiệu quả sản xuất thấp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mới đầu tư dây chuyền sản xuất đã chú ý lắp ráp máy móc mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu tối đa. Công tác duy tu, bảo dưỡng máy móc, thiết bị cũng được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc nhà máy chế biến thủy sản, thuộc DNTN Hồng Ngọc (Khu công nghiệp Hòa Hiệp- Phú Yên) cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư 3 triệu USD để trang bị hệ thống máy móc mới, hiện đại từ Nhật Bản, Đức, đảm bảo các thông số vận hành, tiết kiệm nhiên liệu, hiệu suất cao. Tất cả hệ thống chiếu sáng, thiết bị điện trong các phân xưởng và văn phòng làm việc… đều dùng thiết bị tiết kiệm năng lượng. Nhà máy cũng áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất như chạy máy cấp đông xen kẽ để hạn chế tiêu thụ điện; hệ thống điện được lắp đặt theo từng khu vực nhỏ; thường xuyên được kiểm tra việc tắt các thiết bị điện sau khi hết giờ làm, kết thúc ca sản xuất…

Một vấn đề nổi lên là một số doanh nghiệp đang sử dụng công suất quá non tải so với công suất đăng ký, gây lãng phí đầu tư và tổn thất điện năng khá lớn. Điển hình như nhà máy chế biến thủy sản của Công ty cổ phần Bá Hải (Khu công nghiệp An Phú), các thiết bị, dây chuyền sản xuất đều được đầu tư theo công nghệ hiện đại, đảm bảo các thông số vận hành, tiết kiệm điện, ít hao tổn. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp này mới chỉ dùng dòng điện 44A, quá non tải so với dòng điện định mức là 367A. Trong 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp chỉ sử dụng khoảng 30% sản lượng điện đã đăng ký theo hợp đồng mua bán điện. Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải chia sẻ: Đặc thù của ngành chế biến thủy sản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào nhưng hiện nguồn nguyên liệu không đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất. Thêm vào đó, ngành chế biến thủy sản xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn nên doanh nghiệp chưa thể chạy hết công suất các máy móc. Theo dự báo, thời gian tới, nguồn nguyên liệu sẽ được đảm bảo nên nhà máy có thể chủ động hơn cho việc sản xuất; hy vọng doanh nghiệp sẽ sử dụng hết công suất đăng ký theo hợp đồng mua bán điện.

Ông Nguyễn Khoa Trình, Phó giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết: Hiện nay việc đầu tư, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang được các doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp đăng ký công suất tiêu thụ điện lớn nhưng sử dụng non tải khá phổ biến, gây hao tổn điện năng không nhỏ. Để đầu tư một đường dây, các máy biến áp cho các doanh nghiệp có công suất thiết kế lớn, ngành Điện phải bỏ ra từ 300 đến 500 triệu đồng để đảm bảo công suất thiết kế của nhà máy. Tuy vậy chỉ thu vào tiền lẻ vì doanh nghiệp sử dụng công suất rất thấp.

Để giảm nguồn năng lượng tổn hao, ngành Điện đưa ra giải pháp thỏa thuận với các khách hàng sử dụng điện hoán đổi một số trạm biến áp quá tải với các trạm biến áp non tải phù hợp với nhu cầu sử dụng điện thực tế của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại, có khả năng tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Riêng với các doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu có thể lắp thêm tụ bù để giảm từ 20 đến 30% chi phí tiêu thụ điện năng.
 
Theo: Báo Phú Yên