Quản lý năng lượng

Việt Nam hợp tác về công nghệ xanh với Thụy Điển

Thứ năm, 19/6/2014 | 16:08 GMT+7
Biến rác thải thành năng lượng tái tạo, thậm chí cuộc sống của người dân phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu được tái chế từ rác thải thông qua áp dụng những công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường. Đó là cách mà Thụy Điển đang áp dụng thành công trong quá trình xử lý rác thải sinh hoạt.


Ảnh: Tuổi trẻ

Nếu như tại nhiều quốc gia, rác thải đang là nỗi kinh hoàng, người ta không muốn nhìn thấy sự hiện diện của chúng thì tại Thụy Điển lại đang xảy ra tình trạng thiếu rác, khan hiếm rác thậm chí cuộc sống của người dân còn phụ thuộc rất nhiều vào rác. Chỉ với 4% chất thải quốc gia được chôn lấp, có thể nói Thụy Điển là đất nước thực hiện chương trình quản lí và tái chế rác thải tốt nhất thế giới; theo tính toán của nhiều chuyên gia, mỗi năm Thụy Điển sẽ thiếu khoảng 1,6 triệu tấn rác thải.

Lý giải cho việc khan hiếm và phải nhập khẩu rác thải, bà Catarina Ostlund, cố vấn cao cấp, Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển cho biết, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ rác thải bị chôn xuống lòng đất ở Thụy Điển thấp như vậy là do Nhà nước đã “biến” chúng thành những nguồn năng lượng phục vụ cho đời sống người dân.

Là một đất nước lạnh giá, nên biện pháp tái chế rác ưa thích của người Thụy Điển là đốt, đốt để sản xuất nhiệt điện, đốt để cấp nhiệt cho hệ thống sưởi ấm. Hơn 25% trong tổng số 1 triệu hộ gia đình ở Thụy Điển sử dụng điện từ các nhà máy nhiệt điện đốt rác. Chính vì vậy hàng năm, hơn ba chục lò thiêu hủy đặt trên lãnh thổ Thụy Điển tiêu thụ tới 5,5 triệu tấn rác, chất thải, trong đó 20% - tương đương khoảng 1 triệu tấn phải nhập khẩu, chủ yếu từ Na Uy và Anh Quốc, hoặc từ Ý.

Thấu hiểu được sự lãng phí một nguồn tài nguyên giá rẻ và nắm bắt được cơ hội hợp tác để học tập những kinh nghiệm quý báu từ nước bạn, trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, xúc tiến quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ xanh với Thụy Điển.

Điển hình trong một chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển, ông Olle Engstrom - Điều phối viên về Tái chế chất thải của thành phố Boras (Thụy Điển), cho rằng mô hình về phát triển đô thị xanh của Boras có khả năng áp dụng cho TP.HCM là khá cao do có nhiều tương đồng. Hiện Boras có hệ thống xử lý chất thải tối ưu: rác từ các hộ gia đình được thu gom và chuyển thành khí sinh học phục vụ các phương tiện giao thông, hệ thống sưởi ấm hoặc làm mát và điện sinh hoạt, giúp môi trường có chất lượng tốt hơn. Giải pháp Thụy Điển "một hệ thống" gồm các biện pháp: giảm phát thải (trách nhiệm của nhà sản xuất), tái sử dụng rác (từ hộ gia đình), tái chế rác (có cơ chế khuyến khích) và rác còn lại chuyển thành năng lượng, cũng là mô hình hay để các đô thị Việt Nam học tập.

Mới đây, Trung tâm Hợp tác Công nghệ Môi trường Việt Nam - Thụy Điển đã phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam và Viện Chính sách, Chiến lược Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo “Con đường đến với công nghệ xanh của Thụy Điển". Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Thụy Điển giới thiệu công nghệ xử lý chất thải thông minh, bằng công nghệ phi lò đốt và các công nghệ xử lý nước dùng trong sinh hoạt tiết kiệm điện năng hoặc phi điện năng, các công nghệ môi trường tiên tiến và thân thiện với môi trường, hỗ trợ sự tham gia của khối các doanh nghiệp tư nhân vào phát triển kinh tế theo hướng kinh tế xanh, đồng thời góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Việt Nam.

Trong khuôn khổ của hội thảo, Thụy Điển còn mang đến các công nghệ xử lý chất thải trong bệnh viện, khu đô thị, chất thải tổng hợp và các công nghệ xử lý nước sạch. Trong đó, công nghệ xử lý chất thải phi lò đốt tại bệnh viện nhận được rất nhiều sự quan tâm. Đây là công nghệ được áp dụng tại hơn 70% bệnh viện tại Thụy Điển. Các chất thải y tế sẽ được đưa vào xử lý trong lò điện, sau đó được tán nhỏ và ép thành các viên chất rắn. Những viên chất rắn này lại được tiếp tục sử dụng để sản xuất nhiệt điện hoặc xi măng. Với công nghệ này, mỗi kg chất thải bệnh viện chỉ mất chưa đến 7 ngàn đồng chi phí xử lý; trong khi đó chi phí hiện tại ở Việt Nam là khoảng 20 ngàn đồng. Nếu được áp dụng tại các bệnh viện Việt Nam, ngoài việc tiết kiệm đáng kể chi phí nguyên liệu, còn giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường và sự bùng phát của các dịch bệnh.
 
Theo: Tuổi trẻ