Quản lý năng lượng

Sử dụng năng lượng hiệu quả trong 3.491 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm: “Lợi ích 3 trong 1”

Thứ năm, 3/10/2024 | 16:44 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành danh sách 3.491 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2023 trên toàn quốc. 

Ảnh minh họa.

Theo quy định, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm được quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trên thực tế, việc sử dụng năng lượng hiệu quả đem lại rất nhiều lợi ích cho đất nước cũng như cho chính các cơ sở sử dụng năng lượng và người tiêu dùng. 

Theo Quyết định số 101/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/09/2024, trên cả nước năm 2023 có 3.491 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, bao gồm 2.864 cơ sở công nghiệp, 18 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 70 đơn vị vận tải và 539 công trình xây dựng. Đây là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ tiêu dùng có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên. 

Ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (đối với lĩnh vực hoạt động có liên quan), cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm còn phải thực hiện nhiều nghĩa vụ khác, như: Xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm và 05 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với kế hoạch sản xuất, kinh doanh; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chỉ định người quản lý năng lượng; Ba năm một lần thực hiện việc kiểm toán năng lượng bắt buộc; Áp dụng mô hình quản lý năng lượng theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp đang chiếm tới hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp có thể đạt từ 20 - 30%. Thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn trong các công trình xây dựng đưa vào sử dụng hàng năm là trên 40%, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng ước tính từ 30 - 35%. Theo chuyên gia năng lượng - PGS.TS Phạm Hoàng Lương, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội thì cần đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng trong các khu vực này.

"Hiện nay nhu cầu năng lượng - chúng ta nói là công nghiệp ngày càng tăng nhưng tôi nghĩ đến lúc nào đó sẽ bão hòa, nhưng mà nhu cầu năng lượng trong các khu gia dụng, trong các tòa nhà luôn luôn sẽ tăng, cho nên việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà của chúng ta cũng cần phải được quan tâm".

Ông Mạch Đình Khoa - Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam cho rằng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các ngành, lĩnh vực hoàn toàn có thể đạt được nếu Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sớm được sửa đổi với các quy định chặt chẽ hơn.

"Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được và thậm chí có thể đạt được một cách nhanh chóng hơn bằng những công nghệ của ta hiện có. Trên thị trường ngày càng có rất nhiều công nghệ để giúp doanh nghiệp có thể làm được, nhưng vấn đề ở đây là rất nhiều doanh nghiệp hiện giờ đang ở giai đoạn lưng chừng - họ không biết chọn công nghệ nào, hoặc là vấn đề về tài chính, hoặc là vấn đề về liên quan đến yếu tố con người. Doanh nghiệp đang cần một đơn vị tư vấn một cách độc lập và đường dài chứ không phải ngắn hạn. Hiện tại thì nếu doanh nghiệp có một chiến lược rõ ràng và chọn một đơn vị tư vấn độc lập và tin cậy thì hoàn toàn có thể thực hiện được".

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp chính các doanh nghiệp sản xuất giảm chi phí năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá, nhất là hàng xuất khẩu khi Việt Nam đã tham gia sâu vào hội nhập quốc tế. Ông Nguyễn Thanh Hà - chuyên gia năng lượng - Công ty Cổ phần RCEE-NIRAS cho rằng, Việt Nam cũng đã có những cam kết rất mạnh mẽ về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là lĩnh vực về bảo vệ môi trường, cam kết phát thải ròng bằng 0 và đang đứng trước những thách thức về việc phát triển rất là nhanh và mạnh. Chúng ta có nhu cầu xanh hóa không chỉ trong lĩnh vực về năng lượng mà kể cả các doanh nghiệp của chúng ta cũng gặp phải thách thức về việc ngày càng phải xanh hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường hơn d trách nhiệm xã hội của bản thân doanh nghiệp, bản thân các đối tác và khách hàng của chúng ta cũng đang đặt ra những thách thức yêu cầu trong việc mà chúng ta tham gia vào hội nhập quốc tế".

Như vậy là cả nước hiện có 3.491 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 tấn dầu quy đổi -TOE), tương đương với khoảng 6 triệu kWh điện/năm trở lên. Các cơ sở này có mức tiêu thụ điện bình quân trên 80 tỷ kWh/năm. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% lượng điện năng tiêu thụ/năm theo yêu cầu tại Chỉ thị  số  20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, thì hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được trên 1,6 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện được trên 3.200 tỷ đồng). 

Nhưng cái được lớn hơn của việc tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung chính là góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Nguyên Long