Nói chung, cảm nhận của mỗi người về ngành hạt nhân làm ăn ra sao trong mấy năm đầu của thế kỷ 21 tùy thuộc vị trí của họ trong ngành công nghiệp này.
Nếu bạn khởi đầu thế kỷ này ở vị trí người vận hành nhà máy hạt nhân thì với bạn sự việc đang tiến triển tốt đẹp về nhiều mặt. Tính năng của nhà máy đã cải thiện đến mức đáng kinh ngạc và bây giờ chắc chắn phải tốt đến mức không ai có thể kỳ vọng hơn một cách hợp lý. Việc nâng cấp và nâng cao công suất nhà máy tiếp tục làm tăng giá trị và tính cạnh tranh về kinh tế của các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời cũng góp phần đáng kể cho nguồn cung cấp điện của chúng ta hiện nay. Công tác kéo dài tuổi thọ đang tiến hành hiện nay không chỉ góp phần vào giá trị đầu tư cho những nhà máy hiện có mà còn giúp đảm bảo nguồn cung cấp điện rẻ và an toàn trong tương lai. Các cơ quan điều tiết đã góp phần vào các thành công trên bằng việc xây dựng các qui trình xét duyệt phù hợp, nhưng vẫn đòi hỏi khắt khe và thực hiện các qui trình này một cách kịp thời hợp lý.
Nếu bạn là nhà chế tạo lò phản ứng hay nhà cung cấp thiết bị lớn khác thì tình hình ở Mỹ không tốt đến như vậy. Mặc dù đã bỏ ra nhiều công sức thiết kế lại các nhà máy nhằm nâng cao cả độ an toàn và tính kinh tế và để có được một số mẫu thiết kế mới được cấp phép xây dựng nhà máy đã được chuẩn hóa, nhưng các nhà sản xuất vẫn chẳng kiếm được đơn đặt hàng nào cả. Để đủ sức tồn tại, họ đã phải bán hạ giá và sáp nhập với các công ty nước ngoài, mà nguyên nhân là do thị trường trong nước tệ hại. Mặc dù có nhiều cải tiến trong qui trình cấp phép các nhà máy điện hạt nhân, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai chịu dấn bước để đặt bút ký vào đơn đặt hàng và thực hiện đầy đủ qui trình đó. Thậm chí những lời hứa hẹn sẽ được chính phủ bảo lãnh nhằm mời kéo ai đó tiến lên hàng đầu cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả. (Để có thêm thông tin, xin dẫn một câu trong nhật ký của Ronald Reagan đề ngày 26/3/1984 trích từ cuốn sách xuất bản gần đây có tựa đề The Reagan Diaries: “Chúng ta cần loại bỏ những qui định quá mức để cắt giảm thời gian xây dựng lò phản ứng hạt nhân, từ 12 đến 14 năm như hiện nay, xuống còn 7 năm như vẫn thực hiện ở các quốc gia khác.” Như vậy là cách đây đã gần một phần tư thế kỷ).
Nếu bạn là người trong nghề kinh doanh nhiên liệu hạt nhân, thì những năm gần đây đúng là cuộc hành trình trên đường nhào lộn trên không, có thể khiến bất cứ khu vui chơi giải trí ngoài trời nào cũng phải ghen tị. Có lúc thị trường tồi tệ đến mức phần lớn các hoạt động kinh doanh urani tại Mỹ đều phải đóng cửa. Thời giải trừ vũ khí hạt nhân, vật liệu tái chế từ vũ khí đã làm giảm nhu cầu trong mọi khâu của ngành kinh doanh này: urani ôxit, biến đổi, làm giàu. Rồi, vào năm ngoái, khi hàng hóa trong kho đã cạn và nhu cầu trên thế giới tăng, giá cả lại tăng vọt, thậm chí còn vượt quá cả giá vào những năm đầu cơ hồi giữa thập niên 70 thế kỷ trước. Mà xem ra hành trình cuồng loạn này còn lâu mới kết thúc.
Nều rác thải hạt nhân là mối quan tâm của bạn, thì thế kỷ này cho đến bây giờ chưa đem lại được gì ngoài sự thất vọng hoàn toàn. Mặc dù có những đột phá rõ rệt về công nghệ trong quá trình tái chế nhiên liệu hạt nhân mà không dẫn đến phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng các chính trị gia vẫn không chịu thay đổi cái chính sách ngu xuẩn của chính quyền Carter kéo dài 30 năm, coi nhiên liệu đã qua sử dụng là rác thải. Rồi nữa, mặc dầu mất rất nhiều năm và tốn nhiều tỷ USD cho việc phân tích và thiết kế khu cất giữ an toàn “rác thải” nhiên liệu đã qua sử dụng, tại Yucca Mountain, nhưng các chính khách bang Nevada vẫn tiếp tục sử dụng mọi mánh khóe thủ đoạn pháp lý và chính trị có trong tay để ngáng trở, không cho nó hoạt động. Thật đau lòng khi nhớ lại rằng theo kế hoạch ban đầu, công trình này đã phải đi vào hoạt động từ thế kỷ trước.
Nếu công việc của bạn liên quan đến tiêu chuẩn bức xạ, có lẽ bạn cũng thất vọng như là những người trong ngành rác thải hạt nhân. Trước tiên, Cơ quan Bảo vệ Môi trường quá hăng hái đã phớt lờ văn bản pháp qui về quản lý rác thải hạt nhân và áp đặt những qui định khắt khe đến mức kỳ cục về phơi nhiễm phóng xạ công cộng tại khu Yucca Mountain. Sau đó, một vị thẩm phán cũng đồng thời là nhà hoạt động môi trường đã phớt lờ lịch biểu được xác định theo pháp luật về sự phơi nhiễm đó. Tiếp đó, ủy ban tư vấn của Viện hàn lâm khoa học nhà nước tiếp tục giữ quan điểm bảo thủ cực đoan về các tiêu chuẩn phơi nhiễm phóng xạ, khẳng định lại việc sử dụng mô hình tuyến tính không có mức ngưỡng và lờ đi bằng chứng ngày càng nhiều về tác động trái ngược giữa phơi nhiễm ở liều lượng cực thấp và liều lượng đủ cao (hormesis).
Điểm cốt yếu là các kỹ sư và chuyên gia công nghệ đã làm được một công việc hết sức to lớn. Nhưng những thành công của họ đã phần nào bị triệt tiêu bởi những quan điểm chính trị và nhận thức sai lầm của công chúng. Âu đó cũng là một phần cái giá phải trả để được sống trong một nền dân chủ đại nghị.
Tuy nhiên tôi vẫn lạc quan về tương lai lâu dài của năng lượng hạt nhân ở Mỹ. Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill đã tỏ ra hết sức thâm thúy khi nói rằng ông có thể luôn luôn tin tưởng rằng người Mỹ sẽ làm được điều đúng - sau khi họ đã thử tất cả mọi phương án có thể.