Sự kiện

Điện về Phú Quốc

Thứ hai, 14/4/2014 | 09:33 GMT+7
Đến Phú Quốc hoang sơ và tươi đẹp những ngày này, đi đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí hồ hởi của người dân, doanh nghiệp bởi với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Điện lưới quốc gia đã về Đảo Ngọc thiêng liêng của Tổ quốc, thỏa ước mong ngàn đời của nhân dân. Cuộc sống của người dân nơi đây sẽ được cải thiện nhiều, dịch vụ, du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ, là tiền đề đưa Phú Quốc trong tương lai "cất cánh".


Công nhân Công ty Điện lực Kiên Giang (Tổng công ty Điện lực miền Nam) lắp đặt đồng hồ đo điện, cấp điện cho các hộ dân xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Hà

Thực ra, từ lâu, người dân Phú Quốc đã có điện nhưng là điện phát bằng đi-ê-den, máy phát điện nhỏ. Giá điện ở Phú Quốc cũng thuộc hàng "siêu đắt", rẻ nhất cũng hơn 2.695 đồng/kW giờ, kỷ lục nhất lên tới... 25 nghìn đồng/kW giờ, Giá này gấp hơn 16 lần so với giá bán lẻ điện bình quân ở đất liền. Ấy vậy mà năm 2013, ngành điện vẫn phải bù lỗ khoảng 200 tỷ đồng cho huyện đảo. Có ở Phú Quốc mới thấy điện quý đến nhường nào. Đây cũng là nơi mà ngành điện "nhàn" nhất khi chẳng phải tốn công tuyên truyền tiết kiệm điện. Thế mà nhà nào cũng phải trả ít nhất từ một triệu đến vài triệu đồng một tháng. Dự án cấp điện cho đảo Phú Quốc có tổng mức đầu tư hơn 2.336 tỷ đồng do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) làm chủ đầu tư. Riêng tuyến cáp ngầm dưới biển 110 kV mạch kép dài hơn 57,33 km, chính thức đóng điện ngày 6-2 vừa qua, đúng dịp Tết Nguyên đán nên niềm vui như được nhân đôi, người dân đón một cái Tết "kép". Số lượng hàng điện máy tiêu thụ tại Phú Quốc, nhất là điều hòa, tủ lạnh... tăng vọt, có trung tâm điện máy bán hàng trăm chiếc chỉ trong vài ngày - con số mà các cửa hàng trong đất liền nằm mơ cũng không nghĩ tới.

Chị Lê Thị Đào ở tổ 4, ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu hồ hởi cho chúng tôi biết, trước khi có điện lưới, gia đình chị phải dùng điện với giá 25 nghìn đồng/kW giờ. Cả nhà chỉ dùng đèn thắp sáng và quạt máy mà mỗi tháng cũng phải trả từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng tiền điện. Cũng giống như nhiều người dân Phú Quốc làm ngay khi có điện lưới, chị mua chiếc tủ lạnh khá to để vừa phục vụ sinh hoạt và bán hàng tạp hóa, nhờ thế, việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn nhiều. Anh Phạm Văn Việt cũng ở tổ 4, ấp Gành Dầu vui mừng cho biết, nếu như trước đây, mỗi tháng anh phải trả 1,5 triệu đồng tiền điện thì nay con số này chắc chỉ khoảng 300 nghìn đồng. Đến cơ sở sản xuất nước mắm Thành Khoa (còn gọi là nhà thùng) ở ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, chúng tôi được chị Nguyễn Kim Chi, chủ cơ sở cho biết: Cơ ngơi của chị có 157 thùng, mỗi tháng sản xuất khoảng 120 nghìn lít nước mắm nguyên chất. Lượng điện tiêu thụ lên tới 500 kW/tháng, chủ yếu dùng điện thắp sáng và các máy bơm mà mỗi tháng cũng phải trả sáu triệu đồng. Đó là cơ sở sản xuất chị còn may mắn được hưởng giá điện 2.695 đồng/kW giờ cho 50 kW giờ đầu tiên. Ngoài ra, cơ sở phải trang bị hai máy phát điện, mỗi tháng cũng tốn năm triệu đồng tiền dầu. Vợ chồng chị Chi mừng lắm vì có điện lưới sẽ giảm được một phần chi phí sản xuất, nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng điện năng ổn định, không "phập phù" như trước, góp phần ổn định sản xuất.

Phó Giám đốc Cửu Long - Phú Quốc Resort Trần Thanh Sơn bày tỏ, các doanh nghiệp làm du lịch ở Phú Quốc đặc biệt vui mừng khi có điện lưới quốc gia. Đón đầu điện lưới quốc gia, Khu nghỉ dưỡng Cửu Long -Phú Quốc đã khởi công mở rộng thêm phòng, xây thêm khu vui chơi giải trí cho khách, mua thêm nhiều điều hòa công suất lớn, bình nước nóng, ti-vi màn hình phẳng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của khách. Trước đây, cơ sở của anh phải chi phí mỗi tháng ít nhất 400 triệu đồng cả tiền điện và tiền dầu phát điện. Nay có điện lưới, tiền điện hằng tháng ước tính sẽ giảm được 40%, chất lượng điện cũng ổn định hơn nhiều. Đi dọc các tuyến đường chính trên đảo, chúng tôi chứng kiến không khí xây dựng sôi động của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang khẩn trương hoàn thiện. Hiện có hai chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao đang gấp rút triển khai và dự kiến cuối năm 2014, đầu năm 2015 đưa vào hoạt động là dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc do Tập đoàn Vingroup đầu tư ở Bãi Dài, quy mô 500-600 phòng và dự án khách sạn 5 sao Salinda quy mô 120 phòng tại xã Dương Tơ do Công ty TNHH An Cường đầu tư. Ngoài ra, một số nhà đầu tư khác cũng đang tập trung triển khai xây dựng các khu resort, khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao...

Năm 2013, sản lượng điện thương phẩm ở Phú Quốc đạt 57,38 triệu kW giờ, trong đó, tỷ trọng điện cho quản lý - tiêu dùng chiếm lớn nhất 64,63%, dịch vụ - Khách sạn chiếm 22,48%... Đến hết năm 2013, có 21.216 trên tổng số 24.261 hộ (tám trong tổng số mười xã) dân trên đảo có điện, đạt 87,45%. Ngay trong ngày 28 Tết âm lịch vừa qua, trước khi điện lưới quốc gia đóng điện, Điện lực Phú Quốc đã đóng điện lưới đến xã Gành Dầu và lắp đặt khoảng 300 đồng hồ đo điện (ĐHĐĐ) để cấp điện cho khoảng 800 hộ dân. Ngày 2-2, Công ty Điện lực Kiên Giang đã tiến hành chốt chỉ số của toàn bộ ĐHĐĐ đang vận hành trên lưới dưới sự chứng kiến của khách hàng và lãnh đạo huyện Phú Quốc. Kể từ ngày này, giá bán điện trên đảo Phú Quốc được áp dụng theo đúng Thông tư 19/2013/TT-BCT ngày 31-7-2013 của Bộ Công thương. Như vậy, giá bán điện tại Phú Quốc sẽ giảm từ mức bình quân 5.060 đồng/kW giờ về bằng với giá điện bình quân của đất liền.

Có điện lưới quốc gia nhưng không có nghĩa 100% số hộ dân được sử dụng điện ngay, bởi đặc thù địa hình của đảo trải dài. Việc đầu tư các trạm biến áp phân phối, làm mới hoặc cải tạo hệ thống đường dây đòi hỏi mất thời gian và tốn kém bởi hệ thống đường dây lâu nay hầu hết do người dân tự lắp đặt, chất lượng mỗi nơi một kiểu, lâu ngày đã xuống cấp; nhiều hộ gia đình lại thường dùng chung một ĐHĐĐ.Như ở xã Gành Dầu, thường xuyên xảy ra tình trạng điện chập chờn, nhất là vào giờ cao điểm từ 18 đến 21 giờ. Nguyên nhân là đường dây cũ, ở đây lại có các trạm BTS của một số mạng điện thoại di động đều chưa có ĐHĐĐ riêng nên các doanh nghiệp này sử dụng thông qua các hộ dân dẫn đến tình trạng quá tải...

Chính vì vậy, ngay từ sau Tết Nguyên đán, Điện lực Phú Quốc đang tập trung cao độ lắp đặt các máy biến áp cho các phụ tải sản xuất, kinh doanh, ĐHĐĐ cho các hộ ở các thị trấn Dương Đông, An Thới và khu vực của dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer. Đơn vị cũng đang phối hợp địa phương phát quang để chuẩn bị đóng điện các tuyến đường dây phân phối cấp điện cho các hộ dân ở Bãi Thơm. Các cán bộ của EVNSPC đi cùng chúng tôi cho biết, năng lực mang tải của tuyến cáp ngầm 110 kV cấp điện cho Phú Quốc lên tới 131 MVA, đáp ứng đủ nhu cầu cho đảo ít nhất đến năm 2020.
 
Theo: Nhân dân Online