Các nhà máy thủy điện ngoài nhiệm vụ phát điện còn có nhiệm vụ quan trọng là điều tiết cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du các hồ chứa. Ảnh: Ngọc Hà
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, từ tháng 12/2013 đến hết tháng 6/2014, Sở đăng ký nhu cầu dùng nước từ hai nhà máy thủy điện là Hàm Thuận và Đa Mi với tổng khối lượng gần 644,8 triệu m3 nước, thời gian tối thiểu chạy máy từ 14-16 giờ/ngày. Trên địa bàn hiện có hai huyện Tánh Linh và Đức Linh nguồn nước tưới hoàn toàn phụ thuộc vào chạy máy của hai nhà máy thủy điện này với tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay là 16.720 ha.
Ngoài ra, còn có Thủy điện Đại Ninh cung cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh trên địa bàn hai huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc với diện tích gieo trồng là 21.691 ha; trong đó có 16.470 ha lúa và cây màu, còn lại là thanh long. Bên cạnh nguồn nước hồ Cà Giây, hồ Sông Quao chỉ đảm bảo tưới cho khoảng 8.000 ha thì lượng nước tưới cho diện tích còn lại và tổng lượng nước phục vụ sinh hoạt trong các tháng mùa khô năm nay là 1,4 triệu m3, theo ông Hưng phải sử dụng từ nguồn nước chạy máy Thủy điện Đại Ninh với thời gian chạy máy tối thiểu từ 10-13 giờ/ngày, trong thời gian từ tháng 12/2013 đến tháng 6/2014.
Đối với Ninh Thuận, ông Trần Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt ở hạ du của tỉnh này phần lớn dựa vào nguồn nước chạy máy của Thủy điện Đa Nhim từ hệ thống thủy lợi Sông Pha và Nha Trinh-Lâm Cấm. Trong khi đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng nước tích tại các hồ chứa và lưu vực Sông Cái thời điểm mùa khô thường thấp, không đủ điều tiết cho sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nước cho sinh hoạt dân sinh, nước uống cho gia súc gia cầm và nước tưới cho cây trồng, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị Công ty CP Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi cân đối giữ lưu lượng chạy máy ổn định xả nước cho vùng hạ du trong các tháng mùa khô từ tháng 2-5/2014, với lưu lượng từ 12-18 m3/s.
Năm nay, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 15.148 ha/vụ trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Trong đó, hệ thống thủy nông Đồng Cam 14.404 ha và hệ thống sử dụng nước sau Thủy điện Sông Hinh 744 ha. Ông Vương Tấn An, Phó Giám đốc Công ty cho biết, thời gian cấp nước cho vụ Đông Xuân từ tháng 12/2013- 15/4/2014 và vụ Hè Thu, từ 15/4-15/9/2014. Trong thời gian này, Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ đảm bảo lưu lượng đưa về đầu mối đập Đồng Cam ổn định trên 35m3/s, đồng thời Nhà máy thủy điện Sông Hinh phải vận hành phát điện thường xuyên để đảm bảo cấp nước tưới cho 744 ha của hệ thống sử dụng nước sau Thủy điện Sông Hinh.
Trên cơ sở nhu cầu cấp nước tại các địa phương, các Công ty Thủy điện đã làm việc với UBND các địa phương, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Công ty khai thác công trình thủy lợi để thống nhất điều tiết chạy máy vừa phát điện, vừa cấp nước trong mùa khô năm nay. Ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi cho hay, sau khi thống nhất ý kiến đề xuất của địa phương và Công ty, kế hoạch cấp nước phục vụ cho hai huyện Tánh Linh và Đức Linh (Bình Thuận) trong thời gian từ 1/12/2013 đến 31/5/2014 với lưu lượng chạy máy trung bình từ 20-40 m3/s.
Về phía tỉnh Ninh Thuận, căn cứ theo biên bản làm việc giữa các bên đã thống nhất kế hoạch cấp nước từ 1/1-31/5/2014 với lưu lượng chạy máy trung bình ngày tối thiểu từ 13-18m3/s.
Tại Biên bản làm việc về cung cấp nước sản xuất nông nghiệp khu vực hạ du Thủy điện Đại Ninh, Chi cục thủy lợi tỉnh Bình Thuận, Công ty Thủy điện Đại Ninh và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận thống nhất đến tháng 6 năm nay, Thủy điện Đại Ninh sẽ chạy máy với lưu lượng bình quân từ 11-17 m3/s, thời gian chạy là 12 giờ/ngày. Riêng các ngày lễ và thứ bảy, chủ nhật sẽ đảm bảo cấp nước cho hạ du tối thiểu bằng 50% so với ngày bình thường. Ông Đặng Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đại Ninh cho biết, căn cứ theo biên bản này, phía Công ty đã kiến nghị với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận có kế hoạch tích nước vào các hồ chứa, ao, bàu, kênh trục lớn, mặt ruộng để trữ nước. Trong quá trình sử dụng nước, nếu có nhu cầu tăng, giảm kịp thời thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi Bình Thuận và Công ty biết để điều chỉnh kế hoạch chạy máy cho phù hợp nhằm tiết kiệm nguồn nước.
Hồ chứa thủy điện Buôn Kuốp và Srêpôk 3 là hồ điều tiết ngày nên thực tế khai thác các hồ chứa thủy điện nay trong những năm qua cho thấy tổng lượng nước xả ra hạ du hàng ngày cũng gần cân bằng với tổng lượng nước chảy về hồ hàng ngày. Vì vậy, “hồ chứa Buôn Kuốp và Srêpôk 3 trong các tháng mùa kiệt chủ yếu phụ thuộc vào việc điều tiết của hồ chứa Buôn Tua Srah là hồ đầu nguồn của sông Srêpôk”, ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp nói. Do đó, trong kế hoạch cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt năm 2014, các nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 sẽ chạy máy với lưu lượng tối thiểu về hạ du từ 80-140 m3/s và thời gian xả nước trong ngày từ 12-14 giờ.
Để đảm bảo nước phục vụ sản xuất cho hạ du huyện Sơn Hòa (Phú Yên), Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả nước cho sản xuất làm 2 đợt trong ngày, mỗi đợt chạy máy từ 5-7 giờ; đồng thời phối hợp với Nhà máy thủy điện Sông Hinh đảm bảo cấp đủ nước thường xuyên và liên tục cho đầu mối đập Đồng Cam với lưu lượng tối thiểu là 35-40 m3/s theo kế hoạch dùng nước đã được đăng ký. Riêng đối với các công trình sử dụng nước phía lòng hồ thủy điện, nếu không đủ nước sẽ bơm mực nước chết để chống hạn.
“Khi các Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh xả nước, các huyện Sơn Hòa và Sông Hinh phải chỉ đạo các trạm bơm hoạt động đồng thời với công suất tối đa để tiết kiệm nước xả của các hồ thủy điện theo đúng lịch tưới của địa phương, đồng thời tổ chức nạo vét kênh dẫn vào trạm bơm đúng thiết kế”, ông Lê Chí Trọng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết.
Cũng theo ông Trọng, các trạm bơm phải bố trí thời gian bảo dưỡng máy vào thời gian không sử dụng nước giữa thời gian trung tuần tháng 9/2014, đầu tháng 10/2014 khi kết thúc vụ Hè Thu nhằm đảm bảo nước cho hạ lưu./.