Thứ nhất, dù thời gian qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có những giải pháp và kiến nghị phát triển thị trường, song hầu hết chỉ dừng lại ở mức đề xuất. Việc chậm triển khai đã tác động không thuận lợi đến thị trường và nhà đầu tư. Sự phối hợp giữa các ngành tài chính - ngân hàng để hỗ trợ cho TTCK chưa được như mong đợi. Công tác phát hành, tăng vốn và niêm yết của DN chưa có tiêu chuẩn nghiêm ngặt, việc thanh tra, giám sát... còn hạn chế.
Thứ hai, việc cho phép ra đời quá nhiều CTCK, công ty quản lý quỹ trong lúc TTCK Việt Nam còn nhỏ bé, đã dẫn đến tình trạng nhiều công ty lôi kéo khách hàng, vi phạm nguyên tắc nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.
Thứ ba, TTCK là một ngành hết sức nhạy cảm và là thị trường của niềm tin. Song thời gian qua, nhiều luồng thông tin một chiều làm cho tâm lý của các nhà đầu tư bị hoang mang, dao động..., làm thị trường thêm khó khăn.
Từ những thực tế đó, cần gấp rút thực hiện những giải pháp tái cấu trúc và cải tiến cơ chế hoạt động của TTCK Việt Nam, nhằm khôi phục lại lòng tin người đầu tư.
Mô hình thị trường
Trước hết, nên sáp nhập 2 Sở GDCK hiện nay thành 1 Sở GDCK đủ mạnh để cạnh tranh thu hút vốn với TTCK trong khu vực. Tiếp đó, cần cổ phần hóa Sở GDCK càng sớm càng tốt. Thời kỳ đầu, Nhà nước có thể nắm cổ phần chi phối, sau đó giảm dần, để đưa về nguyên tắc tự quản.
Sở GDCK ưu tiên bán cổ phần cho các CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Từ đó, hình thành một hệ thống quan hệ nội tại trong hệ thống thị trường tài chính, nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của các định chế tài chính với TTCK.
Cơ chế, chính sách
Thứ nhất, đối với nghiệp vụ phát hành và niêm yết: TTCK Việt Nam đã qua thời kỳ coi "tạo hàng" là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, đã đến lúc cần nâng điều kiện niêm yết và điều kiện phát hành chứng khoán theo hướng, để được phát hành chứng khoán ra công chúng, công ty phải có 3 năm liên tục gần nhất có lợi nhuận (hiện là 1 năm), tỷ suất lợi nhuận phải đạt một tỷ lệ phần trăm nào đó (ví dụ 10%) trên vốn điều lệ (hiện chưa có điều kiện này); phương án phát hành phải trên cơ sở một dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế...
Thứ hai, việc công khai, minh bạch hoạt động là tiêu chí cho mối quan hệ giữa công ty đại chúng với công chúng đầu tư. UBCK, Sở GDCK là cơ quan trung gian quản lý, giám sát để thông tin hai chiều đó hoạt động tốt nhất. Vì vậy, nội dung, kỳ hạn và phương thức công bố thông tin phải được chuẩn hóa. Công ty đại chúng phải thiết lập website theo mẫu thống nhất, do UBCK ấn hành. Tất cả thông tin của công ty phải được công bố qua website đó.
Thứ ba, trong cơ chế tổ chức và hoạt động của TTCK tập trung, CTCK là nhân tố chính yếu quyết định sự thành bại của thị trường. Để ngăn chặn sự xung khắc quyền lợi giữa nghiệp vụ tự doanh với nghiệp vụ môi giới, CTCK nên chia làm hai loại: công ty môi giới chứng khoán (không có nghiệp vụ tự doanh và bảo lãnh phát hành) và công ty kinh doanh chứng khoán (không có nghiệp vụ môi giới). Việc cơ cấu lại hệ thống CTCK theo giải pháp này sẽ đơn giản, hiệu quả hơn so với giải pháp giải thể, sáp nhập.
Thứ ba, DN niêm yết phải chịu trách nhiệm trước hết về các giao dịch nội gián. Khi mà công ty đại chúng còn sử dụng thông tin như là "món quà" cho một hoặc một nhóm nhỏ người đầu tư thì rất khó hạn chế giao dịch nội gián. Tuy nhiên, công ty niêm yết không chịu trách nhiệm về giá chứng khoán trên thị trường, vì giá cổ phiếu bị tác động bởi nhiều yếu tố. UBCK buộc DN phải giải trình lý do giá chứng khoán tăng, giảm liên tục 5 - 10 phiên là phi lý. Lẽ ra, đó là câu hỏi tổ chức niêm yết dành cho Sở GDCK, UBCK.
Thứ tư, lâu nay, ngân hàng chỉ định thanh toán là BIDV được hưởng nhiều lợi ích từ nghiệp vụ này, vì một nguồn vốn khổng lồ của TTCK được luân chuyển tại đây. Phải có chính sách điều tiết thu nhập từ nguồn lợi này. Do đó, nên giao nghiệp vụ ngân hàng chỉ định thanh toán về cho NHNN. Đây là một phương án tối ưu mà nhiều nước đã làm, vì NHNN là trung tâm thanh toán của nền kinh tế.
Vị thế của UBCK
Nhiệm vụ trọng tâm của UBCK hiện là quản lý, giám sát và xử lý, để tạo lập và duy trì một thị trường công bằng, minh bạch và phát triển. Về tính chất quản lý, trong chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và UBCK cho thấy, nhiều điều không phù hợp với nhau.
Phạm vi và đối tượng quản lý của UBCK đang ngày càng rộng hơn: hàng ngàn công ty đại chúng, hàng trăm CTCK, quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ đầu tư, hàng triệu tài khoản của người đầu tư. Những vấn đề của UBCK là vấn đề của thị trường, đòi hỏi phải giải quyết nhanh. Trong khi đó, theo quy chế làm việc của Bộ Tài chính, UBCK đang như là một vụ chức năng với vai trò quản lý rất hạn chế, chủ yếu là đơn vị tham mưu.
Trong thời gian qua, việc chưa có những giải pháp kịp thời ứng phó với tình hình thị trường, cơ chế chính sách, không theo kịp thực tế... có một phần nguyên do từ cơ chế này. Do đó, đã đến lúc tách UBCK ra thành một cơ quan độc lập, có quyền quyết định các vấn đề của thị trường, có quyền ban hành văn bản hướng dẫn Luật cũng như việc thực hiện cổ phần hóa các DNNN.