Diễn đàn năng lượng

Tái cấu trúc để “vực dậy” thị trường chứng khoán

Thứ hai, 19/12/2011 | 17:40 GMT+7
Thời gian qua thị trường chứng khoán liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm và suy giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chứng khoán bị thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Để "vực dậy” và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK), Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho rằng, tái cấu trúc kênh chứng khoán là việc làm bức thiết hiện nay.
 

Lao đao vì suy giảm mạnh

Theo các chuyên gia, TTCK Việt Nam đã trải qua thời điểm cực kỳ khó khăn, ngày 15-12, chỉ số VN-Index chỉ còn 364.48 điểm, giảm 25% so với đầu năm 2011. Trên TTCK, hàng loạt cổ phiếu trở nên rẻ rúng, khoảng 67% doanh nghiệp niêm yết có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách, 38% công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), 55% công ty niêm yết trên giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có thị giá dưới mệnh giá. Theo tính toán, trong năm 2011 có 68% công ty chứng khoán thua lỗ, hoạt động bị thu hẹp, mất thanh khoản.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UB Chứng khoán nhà nước nhận định, đối với doanh nghiệp, năm 2011 là một năm quá khó khăn, huy động vốn qua thị trường chật vật. Chi phí vốn khoảng 18-25% thì rất khó để doanh nghiệp sản xuất tồn tại, chưa tính đến chi phí lao động sống cũng như các chi phí khác. Tỷ suất sinh lời của doanh nghiệp khó có thể đạt 30-35%. Ngoài ra, dòng vốn tín dụng từ ngân hàng bị co cụm lại. Hàng loạt doanh nghiệp phải tiếp cận tín dụng đen vì không thể nào chạm tay vào tín dụng trắng (tín dụng ngân hàng). Điểm sáng hiếm hoi trong 2011 giúp doanh nghiệp chứng khoán cầm cự là huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ. Trong 3 quý mà huy động được hơn 70.000 tỷ đồng là con số khá cao. Nếu tính cả phần bảo lãnh, đấu thầu và cả khu vực doanh nghiệp thì lượng trái phiếu Chính phủ này là rất lớn. Mặc dù, TTCK được trái phiếu Chính phủ "nâng đỡ” song vẫn tồn tại những bất ổn của hệ thống tài chính. Bởi ngân hàng thương mại huy động tiết kiệm nhưng không lấy tiền đó để cấp tín dụng cho nền kinh tế mà lại quay sang mua trái phiếu Chính phủ. Trái phiếu Chính phủ ấy lại quay sang đầu tư công.

Ông Quách Mạnh Hào, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long khẳng định: "Lợi nhuận các doanh nghiệp thuộc sở giao dịch Hà Nội thực tế đã giảm trong một năm qua. Giá giảm mạnh so với giá thu nhập. TTCK đang xấu hơn cả giai đoạn khủng hoảng 2007-2008.

Sớm tái cấu trúc kênh chứng khoán

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam quy mô còn nhỏ, mới vận hành hơn 10 năm nhưng có hơn 100 công ty chứng khoán (CTCK), số lượng như vậy là quá nhiều. Ngay Thái Lan, Singapore quy mô thị trường họ lớn hơn mà có rất ít CTCK. Hiện nay, trong 100 CTCK có khoảng 20 công ty thuộc diện phải cơ cấu lại, có thể rút giấy phép, buộc sáp nhập hoặc chuyển đổi mô hình... Ông Sơn cho rằng, cấu trúc lại CTCK là việc làm ngay và là nhu cầu bức thiết chứ không phải đợi đến lúc có nhiều CTCK thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản cơ quan quản lý mới bàn đến tái cấu trúc. UB Chứng khoán đã chuẩn bị xong đề án tái cấu trúc TTCK, ngày 16-12 đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, đến ngày 1-4-2012 sẽ bắt đầu thực hiện đề án tái cấu trúc chứng khoán. Đề án này có bốn nội dung trọng tâm để tái cấu trúc kênh chứng khoán. Đó là tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK), hợp nhất hai sở giao dịch TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, tăng cung hàng hoá (cổ phiếu, trái phiếu) và cuối cùng là tạo cầu đầu tư (công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư...). Hiện tại UB Chứng khoán phân loại các CTCK thành ba nhóm, gồm: nhóm CTCK bình thường, nhóm cần kiểm soát và nhóm bị kiểm soát đặc biệt. UB Chứng khoán cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX) thành tập đoàn sở giao dịch và có các sở con. Có thể HOSE chuyên về cổ phiếu còn sàn HNX chuyên về trái phiếu và các sản phẩm chứng khoán phát sinh.

"Chúng tôi đã có báo cáo gửi Thủ tướng để cho doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn quốc tế như phát hành chứng chỉ khu vực, chứng chỉ lưu ký... để niêm yết trên sàn quốc tế. Dự kiến năm 2012 cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp dùng con đường này để niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore, Hàn Quốc”, ông Sơn nhấn mạnh. Để hỗ trợ cho TTCK, UB Chứng khoán dần hoàn thiện khung pháp lý, các thể chế khác, trong đó có công bố thông tin, quản trị công ty, chuẩn niêm yết trên hai thị trường. Tất cả văn bản pháp lý này sẽ được hoàn thiện và ký ban hành trong quý 1-2012.
Đại đoàn kết