Nhân viên Điện lực Đơn Dương chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang lưới điện.
Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng khẳng định: Công tác bảo đảm HLATLĐ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ riêng của ngành điện mà còn là trách nhiệm chung của các địa phương và mỗi người dân, góp phần vận hành lưới điện an toàn, liên tục; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong năm 2023, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã ban hành Chương trình Công tác ngăn chặn/giảm sự cố lưới điện và củng cố HLATLĐ cao áp. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, cập nhật sự cố HLATLĐ cao áp; tăng cường kiểm tra HLATLĐ cao áp và ngăn ngừa sự cố lưới điện, tai nạn điện. Qua thực hiện các giải pháp đồng bộ, các vụ vi phạm HLATLĐ cao áp đã giảm so với cùng kỳ. Công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân sinh sống gần hành lang lưới điện cao áp.
Theo đánh giá của Công ty Điện lực Lâm Đồng, từ sự quan tâm phối hợp của các ban, ngành cùng chính quyền địa phương, tình trạng vi phạm HLATLĐ cao áp đã ngày một giảm hẳn. Việc người dân cơi nới, xây dựng công trình, nhà cửa trong khu vực hành lang tuyến đường dây 110 kV không xảy ra. Đối với một số nơi có cây cao trong hành lang, người dân cũng đồng ý cho chặt tỉa và tự chặt tỉa khi cây phát triển cao. Hiện tại, các tuyến đường dây 110 kV có hành lang tương đối thông thoáng...
Tuy nhiên, với địa hình trong tỉnh chủ yếu là đồi, núi cao, công tác bảo đảm HLATLĐ cao áp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc kiểm tra, phát quang hành lang tuyến, phát hiện, xử lý các vi phạm còn gặp nhiều trở ngại nhất định. Cụ thể, hiện nay, trên các trục tuyến đường dây 110 kV như Đa Nhim - Cầu Đất - Suối Vàng; Đức Trọng 2 - Đà Lạt 1; Đa Nhim - Đơn Dương - Đức Trọng có một số đoạn đi qua rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, việc tỉa cành đối với các cây thông cao để phát quang hành lang lưới điện gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tình trạng làm nhà kính để phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân nằm trong hành lang lưới điện cao áp rất nhiều; tình hình phát triển công, nông nghiệp, phát triển dân cư cùng các hoạt động xây dựng nhà ở và công trình ngày càng nhiều gây khó khăn cho công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.
Trong năm 2023, các sự cố về vi phạm HLATLĐ chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân do người dân đốt cây cỏ khô, thả diều, thả bóng bay,... Ngay sau khi xảy ra sự cố, điện lực các huyện, thành phố và Đội cao thế đã nhanh chóng phối hợp công an địa phương lập biên bản hiện trường và tái lập điện trở lại.
Tại huyện Đơn Dương, để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, hàng năm, Điện lực huyện đã lập phương án giảm thiểu sự cố, kế hoạch giảm thiểu vi phạm HLATLĐ cao áp. “Mặc dù đơn vị đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác quản lý vận hành lưới điện, song do nhận thức của một số bà con chưa cao, chưa chủ động liên hệ để yêu cầu điện lực hỗ trợ, tư vấn khi có nhu cầu chặt hạ cây, xây dựng công trình nhà cửa, trang trại... nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Chính vì vậy, ngoài việc quản lý, kiểm tra ngăn chặn các trường hợp vi phạm HLATLĐ thì công tác tuyên truyền, bảo vệ HLATLĐ cao áp, ngăn ngừa sự cố lưới điện, giảm thiểu tai nạn điện trong Nhân dân cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với đơn vị” - ông Trần Minh Tường - Giám đốc Điện lực Đơn Dương chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Đức Vinh - Phó Giám đốc Điện lực Đà Lạt cho biết: “Công tác quản lý, vận hành và đảm bảo HLATLĐ là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành điện, mà còn của các cấp chính quyền, đồng thời cần có sự phối hợp của người dân. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền tới người dân về bảo vệ an toàn HLATLĐ. Đồng thời tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác chặt tỉa cây xanh, các đường dây đi qua tuyến rừng thông để hạn chế thấp nhất sự cố lưới điện do ngã cây trong mùa mưa bão”.
Năm 2024, Công ty Điện lực Lâm Đồng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn cho các nhóm công việc có nguy cơ gây sự cố cao theo thời điểm như: sử dụng xe cẩu, xe cuốc; xây dựng lắp đặt biển hiệu, quảng cáo; chặt cây trong và gần hành lang lưới điện. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, phát quang hành lang tuyến, phối hợp với địa phương xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo cơ quan chức năng hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về điện tại địa phương các trường hợp chậm hoặc không được xử lý.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thành Nhân, để cùng với ngành điện tham gia bảo vệ HLATLĐ, Công ty kêu gọi người dân không được câu cá dưới đường dây lưới điện cao áp. Khi thi công xây dựng, sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị và chặt tỉa cây xanh ngoài hành lang lưới điện cần chú ý đến khoảng cách an toàn lưới điện cao áp. Cụ thể, đối với lưới điện 110 kV, khoảng cách an toàn tối thiểu là 4 m; đối với lưới điện 22 kV, khoảng cách an toàn tối thiểu là 2 m. Trẻ em không được thả diều, bắn pháo sợi kim dưới đường dây lưới điện cao áp...
Link gốc