Sự kiện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Giải pháp và kiến nghị

Thứ sáu, 27/4/2012 | 10:43 GMT+7
Theo kế hoạch, năm 2012, EVN sẽ sản xuất và mua 118,5 tỷ kWh điện, tăng 11,5% so với năm 2011 (trong đó, điện sản xuất đạt 50,88 tỷ kWh, mua 67,62 tỷ kWh), đồng thời sẵn sàng đáp ứng khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Năm 2012, EVN đã xác định tập trung thực hiện 3 mục tiêu lớn là: Cung ứng đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân; Tập trung đầu tư cho các công trình nguồn và lưới điện trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2012, các công trình cấp bách năm 2013 tại các tỉnh phía Nam, cũng như triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII có trọng tâm, trọng điểm theo hướng phát triển bền vững; Tái cơ cấu tổ chức bộ máy của Tập đoàn để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo hướng chuẩn bị vận hành thị trường điện ở Việt Nam.

Khẩn trương thi công hoàn thành đường dây 500 kV Sơn La - Hiệp Hòa
 

 
EVN tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, trong đó, sẽ đưa vào vận hành 8 tổ máy, tổng công suất 1.373MW (gồm tổ máy 5, 6 Thủy điện Sơn La (2x400MW); Thủy điện Đồng Nai 4 (2x170MW); Thủy điện Bản Chát (2x110 MW); Thủy điện Kanak (2x6,5MW). Bên cạnh đó, sẽ khởi công 4 dự án nguồn điện, với tổng công suất 2.390 MW, gồm Nhiệt điện Duyên Hải 3; Nhiệt điện Ô Môn 1 (tổ máy 2); Nhiệt điện Thái Bình; Thủy điện Trung Sơn. Ngoài ra, tiếp tục khởi công các dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân; Nhiệt điện Ô Môn 4; Thủy điện Sông Bung… EVN cũng gấp rút hoàn thành 231 công trình lưới điện từ 110 – 500 kV, trong đó có các dự án trọng điểm như đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa; nâng tụ bù đường dây 500 kV Hà Tĩnh – Đà Nẵng; Pleiku – Phú Lâm; đường dây 220 kV đồng bộ với nguồn từ Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê; Thủy điện Bản Chát; Vũng Áng 1; đường dây 220 kV Đăk Nông – Phước Long – Bình Long; đoạn đấu nối vào trạm 220 kV Vân Trì để cấp điện cho Hà Nội. Đồng thời khởi công tiếp 60 công trình lưới điện từ 220 kV - 500 kV…

Những giải pháp chủ yếu

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, năm 2012, chắc chắn ngành Điện vẫn gặp khó khăn do giá điện hiện tại còn thấp so với giá thành sản xuất và mua ngoài, trong khi vốn cho đầu tư phát triển lưới điện thiếu và giá các loại vật tư đầu vào vẫn tăng cao, đặc biệt là diễn biến thời tiết bất thường cũng có thể xảy ra, kèm theo đó là tình trạng nắng nóng kéo dài. Để đối phó với những khó khăn trên, EVN đã chủ động đề ra các giải pháp: Tích nước hợp lý tại các hồ thủy điện để khai thác hiệu quả nguồn nước đảm bảo cho phát điện, sản xuất và đời sống nhân dân; chuẩn bị các nguồn điện dự phòng từ các nhà máy tuốc bin khí trong nước; nhiệt điện (nhất là nhiệt điện khu vực miền Bắc); mua điện từ nước ngoài và vận hành, truyền tải an toàn, tiết kiệm trên hệ thống đường dây 500 kV…

EVN cũng sẽ tăng cường đôn đốc, kiểm tra tiến độ thi công các dự án xây dựng nguồn và lưới điện, thực hiện giám sát chặt chẽ các nhà thầu thi công, cung cấp thiết bị, công nghệ, đồng thời nghiệm thu nhanh khối lượng để giải ngân kịp thời cho nhà thầu, rút ngắn thời gian thanh toán vay vốn của các tổ chức, ngân hàng trong và ngoài nước; bên cạnh đó, ưu tiên bố trí các nguồn vốn đã thu xếp được cho các công trình trọng điểm, những công trình có thể hoàn thành dứt điểm trong năm để đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá lại tài sản, tăng vốn điều lệ của Tập đoàn và thoái vốn góp tại các lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính và thực hiện bán bớt phần vốn của EVN tại một số công ty cổ phần; đặc biệt là tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động, đẩy mạnh tiết kiệm 1.800 tỷ đồng chi phí theo cam kết với Chính phủ, nhằm làm giảm sức ép tăng giá điện…

Những đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2012, trong đó, mục tiêu quan trọng là đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân, ngoài các giải pháp trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN tăng vốn điều lệ của Tập đoàn sau khi đã được các bộ, ngành thẩm định, đánh giá lại tài sản; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện; đặc biệt là sự cần thiết phải điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 24/211/QĐ-TTg... Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương xem xét sửa đổi Thông tư 41/2010/TT-BCT về xử lý dứt điểm những bất cập nảy sinh trong quá trình chuyển đổi hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện hữu sang PPA mẫu và Thông tư 18/2010/TT-BCT Quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ những bất cập trong thời gian vận hành thí điểm thị trường điện; đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện IPP đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện nằm trong kế hoạch hoàn thành năm 2012; đặc biệt là chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đảm bảo vận hành ổn định các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1, 2; Nhơn Trạch 1, 2; giao Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam đảm bảo cung cấp than cho các Nhà máy điện Cẩm Phả, Sơn Động, Na Dương, Cao Ngạn… vận hành liên tục; Ngoài ra, EVN đề xuất với Bộ chấp thuận không tăng mức công suất và sản lượng điện bán cho Campuchia để đảm bảo sản lượng điện cho khu vực miền Nam hiện đang thiếu điện… và cuối cùng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước trong năm 2012-2013 cho EVN để kịp thời đầu tư thực hiện các dự án điện cho khu vực các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận…

Hy vọng với những giải pháp đồng bộ và sự quan tâm, hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ hoàn thành tốt những mục tiêu kế hoạch đề ra, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện Nghị quyết 11 NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
 
ST