Sự kiện

Thủy điện Lai Châu: Tưng bừng ngày hội ngăn sông

Thứ năm, 26/4/2012 | 15:21 GMT+7
Sáng 24/4/2012, dòng Đà giang cuộn chảy đã chính thức bị chặn lại. Chỉ 5 năm nữa, từ nơi đây sẽ mọc lên một nhà máy thủy điện lớn thứ 3 của cả nước, bậc thang trên cùng của hệ thống thủy điện sông Đà.

Nốt nhạc mới cho khúc trường ca

Không khí xã Nậm Hàng hôm nay trở nên sôi động khác thường. Mới sáng sớm, bà con dân tộc quanh vùng đã nô nức kéo về công trường để chứng kiến giờ phút chặn dòng lịch sử. Từ tối hôm trước, bên bờ sông Đà đã diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc theo chủ đề hát mừng ngày hội ngăn sông với sự tham gia của bà con các dân tộc vùng cao.

Chúng tôi có mặt tại công trường trước khi diễn ra Lễ ngăn sông 1 ngày. Thời tiết Lai Châu thật khác thường. Bất chợt một cơn mưa ào đến trắng cả vùng trời Tây Bắc. Thế mà chỉ nửa giờ sau, mặt trời lại chiếu rọi, bầu trời trong vắt không một gợn mây. Ít ai ngờ lúc đó tại khu vực đang chuẩn bị cho lễ mít tinh đã có một cơn lốc ghé thăm. Không quá ồn ào nhưng cũng đủ đưa đất đá từ bờ trái đổ ào xuống phá tan công sức chuẩn bị mấy ngày qua. Tất cả lều bạt bị cuốn tung, loa đài hỏng hết. Không khí hối hả, bận rộn, lo toan bao trùm khắp công trường. Thế nhưng, chỉ sau 1 buổi chiều, tất cả lại ổn thỏa. Quả là không gì có thể so sánh với sức lực và sự quyết tâm của con người. Nghe nói, chuyến máy bay chở các vị lãnh đạo cũng phải đảo 3 vòng từ Hà Nội- Điện Biên mới hạ cánh được vì thời tiết quá xấu.

 Đúng 10h sáng 24/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ném viên đá đầu tiên, chính thức phát lệnh ngăn sông. Tiếng còi hú rộn rã, tiếng xe tiếng máy gầm vang đánh thức cả vùng rừng núi như để báo cáo với hồn thiêng sông núi giờ phút trị thủy ngăn sông chính thức bắt đầu. Từng xe đá ào ào đổ xuống, chẳng mấy chốc, dòng nước đã bị chặn đứng. Rồi đây, nhiều bản làng ven sông Đà sẽ chìm sâu mãi mãi dưới hàng trăm mét nước. Nhưng nhà máy sẽ mọc lên, dòng điện sẽ tỏa sáng mọi nẻo miền Tây Bắc. Và từ đây, cuộc sống sẽ đổi thay.

 Những người trị thủy sông Đà

Theo ông Nguyễn Văn Tiến- Giám đốc Ban điều hành tổng thầu, để xây dựng một nhà máy thủy điện, quan trọng nhất là công tác trị thủy, bắt dòng chảy đi theo ý mình. Trị thủy được rồi thì mọi việc còn lại chỉ còn là vấn đề thời gian.

Để chuẩn bị cho việc ngăn sông trị thủy, gần 2 năm qua, trên 4.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động của 18 đơn vị, doanh nghiệp thuộc tổ hợp nhà thầu do Tập đoàn Sông Đà làm tổng thầu với hàng trăm thiết bị, xe máy đã được huy độnglàm việc 3 ca liên tục trên công trường, đáp ứng năng lực thi công khoảng  900 nghìn m3 đất, đá/tháng. Các đơn vị đã xây dựng ba trạm trộn bê-tông thường CVC, ba trạm nghiền, trong đó trạm công suất lớn nhất là 350 nghìn m3/năm, 20 cần trục, tám máy bơm bê-tông, 23 xe ô-tô chuyển trộn hoạt động, đủ đáp ứng công tác đổ bê-tông kênh cống dẫn dòng. Ðến nay, khối lượng thi công bê-tông kết cấu đã bảo đảm mục tiêu chống lũ và vượt điều kiện thiết kế tối thiểu để ngăn sông.

Đến Thủy điện Lai Châu thời điểm này, chỗ nào cũng bắt gặp không khí lao động khẩn trương sôi động của hàng nghìn công nhân cùng thiết bị, máy móc, xe cộ ở khu vực bờ phải, bờ trái; bơm tiêu nước hố móng và đổ bê tông kênh, cống dẫn dòng. Dưới ánh nắng gay gắt, thời tiết khô hanh khắc nghiệt, những người thợ vẫn đang hối hả chạy đua với thời gian để hoàn thành từng hạng mục. Tổng công ty Trường Sơn thi công bên bờ phải đã rất gian nan mở đường lên đỉnh, cắm tuyến đào, san ủi từng mét khối trong điều kiện địa hình núi dốc, mặt bằng thi công chật hẹp. Mặc dù vậy, với kinh nghiệm đã được đúc kết, trình độ chuyên môn vững vàng cùng với lòng nhiệt huyết, những người thợ ở đây đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Nhìn từ xa, hệ thống kênh dẫn nước đã cơ bản hoàn thành. Lòng sông Đà đã được chẻ thành hai nhánh. Con sông Đà hung dữ thênh thang bỗng trở thành một con kênh dẫn nước hiền hòavới chiều dài cống dẫn dòng khoảng 700 m.Hệ thống đường phục vụ thi công, cửa van cống dẫn dòng nặng khoảng 700 tấn do Lilama lắp đặt đã hoàn thành, bảo đảm sẵn sàng cho công tác ngăn sông. Có thể nói, việc bảo đảm tiến độ ngăn sông trong điều kiện thời gian gấp rút và mặt bằng chật hẹp như ở đây quả là một kỳ tích của các đơn vị thi công trên công trường.

Sau khi đập chính hoàn thành, phía thượng lưu sông Đà sẽ trở thành lòng hồ với dung tích hơn 1,2 tỷ m3, chiều cao đập lớn nhất 120m; mực nước dâng bình thường 295m. Những con số mang đến niềm hy vọng về dòng điện trắng cho miền Tây Bắc và mang lại niềm tin, sự an toàn cho người dân trước mỗi mùa lũ dữ.

Do cường độ lao động cao, các đơn vị phải thi công 3 ca liên tục nên công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động và phòng chống cháy nổ (ATLĐ&PCCN) đặc biệt được coi trọng. Tất cả cán bộ, công nhân trước khi được tuyển dụng vào làm việc đều được tham gia các lớp tập huấn về ATLĐ. Tại kho mìn việc trực gác, quản lý rất nghiêm ngặt. Các hệ thống chữa cháy như: bình bọt, hệ thống nước, cột chống sét… được trang bị đầy đủ, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Ông Tiến khoe, đến nay, trên công trường Thủy điện Lai Châu chưa xảy ra sự cố đáng tiếc lớn nào về ATLĐ&PCCN.

Được biết, dự án Thủy điện Lai Châu được tiếp thu toàn bộ nhân lực vật lực, kinh nghiệm của dự án Thủy điện Sơn La. Vì vậy, công tác quản lý, phối hợp chỉ đạo giữa các bên rất nhịp nhàng. Nói như ông Tiến, tất cả đã được nâng lên đến tầm nghệ thuật. Đến nay, việc trị thủy sông Đà đợt 1 đã xong, công việc còn lại từ nay đến cuối tháng 5 là phải đảm bảo chống lũ 2012. Cụ thể là, tiếp tục đổ bê tông cống dẫn dòng, đắp đê quai giai đoạn 2, gia cố mái hạ lưu và hệ thống thoát nước bờ trái. Chuẩn bị điều kiện để đổ bê tông đầm lăn trong quý 1/2003, ký hợp đồng tổng thầu, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động. Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng để nghênh đón những trận lũ sớm từ cuối tháng 5. Vướng mắc nhất là công trình này vừa thiết kế vừa thi công (mà thiết kế thường chậm hơn thi công) nên các đơn vị thi công khá bị động. Hơn nữa, công trình vừa phải chịu tác động của mùa lũ vừa chịu ảnh hưởng mực nước dâng của Thủy điện Sơn La nên thời gian rất hạn hẹp. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn huy động tối đa mọi nguồn lực để tiến độ thi công được bảo đảm.

Những hy sinh thầm lặng

Tại buổi lễ ngăn sông, rất nhiều bà con dân tộc, những người từ đây dứt áo ra đi đã quay lại nơi đây chứng kiến giờ phút trọng đại này với những biểu cảm vui buồn lẫn lộn. Làm sao có thể không buồn khi nghĩ đến cảnh nhà máy thủy điện hoàn thành là sẽ tích nước hồ, tất cả nơi ở cũ của bà con sẽ chìm sâu dưới hàng trăm mét nước. Những bản làng, những địa tầng văn hóa, những ký ức, kỷ niệm vui buồn của những cuộc sống ven sông bao đời nay sẽ chìm vào dĩ vãng. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ đầy đủ, chính quyền địa phương rất quan tâm nhưng việc từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn để làm quen với cuộc sống mới không hề dễ dàng, nhất là những người già đã gắn bó cả cuộc đời với núi rừng sông suối. Không ít trăn trở vì nơi ở mới còn nhiều lạ lẫm, nhiều khác biệt với quê hương bản quán gốc rễ cội nguồn của mình. Thế nhưng những ánh mắt ấy vẫn ánh lên niềm vui khi nghĩ đến viễn cảnh sắp tới sẽ có một vùng trời Tây Bắc “có điện thay sao”, cuộc sống của người dân sẽ đổi khác. Nhiều người vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ được trở về thăm quê cũ, cho dù chỉ để nhìn hồ nước mênh mông. Nhiều người chỉ ước sẽ đi trên chiếc thuyền độc mộc để về lại chốn xưa nhặt củi, đánh cá trên hồ. Tôi như nghẹn lời khi một mế già tay run run nắm lấy tay tôi: “Mình rất tiếc khi nhà cửa mồ mả tổ tiên bị chìm trong nước. Thế nhưng, có thủy điện rồi, đời mình và đời con đời cháu mình sẽ sướng hơn. Vì vậy, cả bản sẵn sàng nhường đất để đổi lấy ánh sáng điện”. Tôi vụng về nắm chặt tay mế và rất muốn nói rằng: Giấc mơ vĩ đại trị thủy sông Đà của ngàn đời nay sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hy sinh thầm lặng của những con người rất đỗi giản dị nơi đây.
 
ST