|
Kéo điện vào làng Jăng (Chư Păh, Gia Lai). Ảnh: Đ.T.K. |
Mục tiêu của dự án là xây dựng 1.453km đường dây trung áp và 1.338km đường dây hạ áp, cấp điện cho 70.597 hộ thuộc 852 thôn buôn. Vượt qua nhiều thử thách, dự án có ý nghĩa rất lớn này đang bước vào giai đoạn hoàn tất, điện sẽ kịp về buôn trong dịp Tết Canh Dần.
Diệu kỳ như... điện
19.1 là ngày đáng nhớ của mấy trăm hộ Ê Đê ở buôn Ea M�droh, xã Ea M�droh, huyện Cư M'gar (tỉnh Đắc Lắc). Ama Xược chăm chú ngắm nghía "nội thất" nhà mình, cái không gian quen thuộc đến nhàm chán lần đầu tiên được phô bày dưới ánh đèn compact sáng rực hoá ra lạ lẫm. Ông già sai con lôi cái nệm cũ kỹ vào phòng trong, xoay cái tủ kiếng quay ra phía cửa, sắp xếp lại những thứ linh tinh trong gian khách.
Dù Ama Xược không giải thích, nhưng rõ ràng ánh điện đang giúp ông phát hiện ra những bất hợp lý tồn tại trong ngôi nhà 40 năm tuổi của mình. Không như ông già, mối bận tâm của Y Thanh là làm sao cắm điện, lắp ăngten cho cái tivi mới mua "chạy" được ngon lành, đem cả thế giới vào ngôi nhà, như lời trưởng thôn Đào Văn Lợi nói từ mấy tháng trước. Với các thành viên nhà Ama Xược, điện diệu kỳ là thế.
Còn cặp vợ chồng trẻ ham làm giàu Y Brinh - H'Nga thì kéo ống tưới càphê ngay trong buổi sáng đầu tiên có điện. "Mình cho cái máy chạy dầu nghỉ rồi, giờ tưới càphê bằng máy bơm điện ba pha. Máy điện chạy êm hơn, nước mạnh hơn, tiền điện lại ít hơn tiền dầu" - Y Brinh so sánh. H'Nga "bật mí" rằng, dịch vụ xay xát của Y Brinh trước đây cũng kiếm ăn được lắm, nhưng chị bảo "dẹp tiệm" vì không muốn ngày nào vợ chồng cũng cãi nhau.
Là vì sáng nào Y Brinh cũng cởi trần, làm đủ phương cách mà cỗ máy "giở chứng" vẫn không chịu nổ. Khách hàng lần lượt bỏ về, anh chồng quay sang... gây sự với vợ. Mỗi lần như vậy, chiếc máy tội nghiệp lại bị tróc sơn, móp méo. "Giờ có điện rồi, chuyện cái máy gạo cũng phải tính thôi" - chị nói. Hoá ra không phải đồng bào Ê Đê ở đây vụng tính toán làm ăn, chẳng qua "cái khó bó cái khôn". Có mặt trong ngày vui của đồng bào buôn Ea M'droh, ông Nguyễn Minh Cảnh - cán bộ Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Cư
M�gar - cho biết: "Bà con đợi ngày này đã lâu lắm rồi. Do vậy chỉ cần nghe phổ biến chủ trương là người người chặt cây, dời nhà để các nhà thầu chôn cột, kéo dây, đóng điện đúng tiến độ".
Trước Ea M'droh chỉ vài ngày, các buôn Ea Sin, Ea Pông, Cư Canh, Cư M�tao thuộc xã Ea Sin, huyện Krông Búc cũng đã lần lượt được đóng điện. Ea Sin là xã mới thành lập năm 2007, các thôn buôn chủ yếu hình thành từ các dự án dãn dân nên đời sống người dân còn không ít khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND xã Y Răn Niê cho biết: "Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con luôn có ý thức khắc phục khó khăn, chỉ việc thiếu điện là không thể tự khắc phục được. Do vậy, khó có thể kể hết niềm vui của 259 hộ dân ở 4 buôn xa xôi nhất khi điện về".
Hành trình đưa điện về buôn
Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện thuộc 4 tỉnh Tây Nguyên có tổng vốn đầu tư 1.122 tỉ đồng, do Cty điện lực 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư. Theo Ban quản lý Dự án năng lượng nông thôn miền Trung (BQLDA), so với kế hoạch ban đầu thì tiến độ của dự án có chậm do nhiều nguyên nhân.
Trước thực trạng các nhà thầu thi công cầm chừng vì thiếu vốn, tháng 8.2009, Chính phủ đã quyết định ứng trước vốn ngân sách năm 2010 và năm 2011 để tháo gỡ. Tuy vậy, thời gian thi công từ khi được bố trí vốn đến nay không nhiều nên một số gói thầu hiện vẫn chưa đảm bảo tiến độ chung. Mặt khác, đến cuối tháng 10.2009 trên địa bàn Tây Nguyên vẫn còn mưa nhiều, gây không ít khó khăn cho công tác thi công.
Ở Kon Tum, sau trận lũ quét kinh hoàng tháng 10.2009, 6 thôn buôn thuộc huyện Tu Mơ Rông phải di dời đến vị trí khác nên dự án cấp điện cũng phải "dời" theo. 13 thôn buôn khác thuộc huyện Kon Plông thì thay đổi giải pháp thiết kế, chuyển từ cột bêtông ly tâm sang cột thép lắp ghép v.v...
|
Điện mang cả thế giới vào ngôi nhà dài của đồng bào Ê Đê. Ảnh: Đ.T.K |
Tuy nhiên, chậm GPMB ở nhiều địa phương mới là nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đến đầu tháng 12.2009, trên địa bàn 4 tỉnh vẫn còn 18 gói thầu chưa được phê duyệt phương án bồi thường, GPMT. Tại hầu hết các vị trí chưa đền bù, người dân kiên quyết ngăn cản thi công, khiến các nhà thầu lâm vào cảnh ăn đợi nằm chờ.
Tại thôn Suối Poong, xã Đắc Sô (Krông Nô, Đắc Nông) còn có tình trạng hàng chục hộ dân dưới đường dây trung áp không cho dựng cột, với lý do họ không được hưởng lợi từ dự án. Thậm chí một số doanh nghiệp nhà nước cũng ngăn cản, đòi bồi thường sòng phẳng mới được kéo dây. Điển hình như Cty 74 (Binh đoàn 15) không cho thi công đường dây cấp điện vào làng Núi 1, làng Núi 2 và làng Tang (xã Ia Chía, huyện Ia Grai, Gia Lai) vì Cty chưa thống nhất đơn giá đền bù caosu.
Cũng tại huyện này, đường dây vào làng Bui, làng Jăng đã thi công hoàn thành nhưng chưa thể đóng điện vì Cty caosu Chư Păh chưa thống nhất phương án đền bù. Tương tự như hai doanh nghiệp ở Gia Lai, Cty lâm nghiệp Đắc Song (Đắc Nông) cũng chưa giải phóng rừng thông trên tuyến nên điện chưa thể vào thôn Bon Jin 1, Bon Jin 2 (xã Nâm N'jang, huyện Đắc Song).
Với những tuyến dây đi qua các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì còn phức tạp hơn, bởi thẩm quyền giải quyết không nằm ở cấp huyện mà phải qua các sở NNPTNT, Tài nguyên Môi trường v.v... Do vậy, dự án tại các huyện K'bang, Kông Ch'ro (Gia Lai), Ea H'leo, M'drắc (Đắc Lắc) hiện vẫn đang nằm chờ thủ tục giải phóng cây rừng. Thực tế cho thấy, ở đâu chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo GPMB quyết liệt thì ở đó dự án sẽ hoàn thành sớm.
ảnh hưởng đến tiến độ dự án còn có những nguyên nhân khách quan như điều kiện thi công quá khó khăn, khắc nghiệt do hầu hết các thôn buôn chưa có điện đều ở xa trung tâm xã. Tại Đắc R'la (Đắc Mil, Đắc Nông), các nhà thầu phải san ủi hàng chục kilômét mới có đường vận chuyển thiết bị vào hiện trường, nhiều trụ điện phải dựng trên đá tảng. Đường dây vào xã Đắk Kơ Ning (Kông Ch'ro, Gia Lai) thi công nửa chừng thì cầu sập, còn ở Cư K'roá (M'Đrắc, Đắc Lắc) thì phương án tốt nhất là đóng bè nứa chở cột điện qua sông v.v...
Chạy đua nước rút
Vào những ngày cuối tháng 1, cường độ làm việc của những cán bộ đưa điện về buôn càng gấp rút hơn bao giờ hết. Lúc 5 giờ sáng ở Buôn Ma Thuột, anh Trần Đình Nam - cán bộ BQLDA khu vực Đắc Lắc, Đắc Nông - đón chúng tôi trong bộ quần áo dính đầy đất đỏ. Chúng tôi đến huyện Cư M'gar lúc mặt trời chưa ló dạng, dãy nhà làm việc của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện sáng đèn.
Anh Nguyễn Minh Cảnh - cán bộ phụ trách đền bù, GPMB huyện cho biết: "Dù số tiền đền bù không lớn, thường mỗi hộ chỉ vài triệu đồng, nhưng khối lượng công việc lại rất nhiều. Chúng tôi vận động nhân dân cho GPMB trước, khi có tiền mình chi trả sau. Lẽ ra người dân phải tự chặt cây cối, nhưng vì chưa trả tiền nên bà con không làm, BQLDA và chính quyền địa phương phải tổ chức giải phóng".
Bằng nhiều cách làm linh hoạt, đến thời điểm này Cư M'gar đã đóng điện được 31/46 thôn buôn trong dự án, phấn đấu đóng điện toàn bộ trước Tết Canh Dần để phục vụ nhân dân. Với mục tiêu đó, ngày làm việc của các cán bộ Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Cư M'gar thường kết thúc lúc 18 giờ.
Tính đến cuối tháng 1.2010, dự án đã đóng điện được 588 thôn buôn trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên, điện lực các tỉnh cũng đã lắp đặt côngtơ, bóng đèn và mạng điện trong nhà dân tại các thôn buôn này. Dự kiến đến Tết Canh Dần, tổng số thôn buôn trên toàn vùng được đóng điện là 747, lắp đặt côngtơ và mạng điện trong nhà cho 56.000 hộ dân.
105 thôn buôn còn lại (chủ yếu là vùng bị lũ quét phải di dời và một số tuyến dây qua rừng) cũng sẽ đóng điện trước quý II/2010. Như vậy, thời gian còn lại là không nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các địa phương, nhà thầu và điện lực các tỉnh, đặc biệt là trong công tác bồi thường, GPMB.