Anh Trương Minh Tú đang kiểm tra xử lý điện áp thấp tại công tơ khách hàng.
Anh Trương Minh Tú có dáng người nhỏ nhắn, nước da hơi đen, rắn rỏi, đôi mắt sáng với nụ cười rất tươi, ít nói, tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng anh đã đem lại cho tôi nhiều cảm mến. Anh sinh năm 1984, anh lập gia đình năm 2017 và hiện tại anh có 2 con.
Năm 2007, anh Trương Minh Tú tốt nghiệp kỹ sư Điện kỹ thuật tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với mơ ước từ khi còn học phổ thông, sau khi tốt nghiệp xong sẽ xin vào làm việc một đơn vị trong ngành điện. Mơ ước đó đã thành sự thật, năm 2008 anh được lãnh đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng nhận về công tác tại phòng Điều độ. Với sự ham học anh lại tiếp tục học tiếp Thạc sỹ tại Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, đến năm 2013 anh tốt nghiệp ra trường với tấm bằng Thạc sỹ loại Khá.
Thời gian thực tập tại phòng Điều độ, qua công việc cùng kết hợp những năm học tại trường Đại học anh đã có thêm những kinh nghiệm trong thực tế từ đó, anh có được kỹ năng trong công việc rất vững chắc. Qua thời gian thực tập tại phòng Điều độ, anh được lãnh đạo PC Đà Nẵng phân công về Chi nhánh Điện khu vực 2 nay là Điện lực Liên Chiểu với công việc quản lý kỹ thuật, phụ trách công tác quản lý xuất tuyến trung áp và tổn thất điện năng. Trong bất kỳ môi trường và vị trí làm việc thế nào, anh Tú cũng thể hiện được vai trò của mình một cách xuất sắc.
Anh Trương Minh Tú cùng anh em nghiên cứu triển khai đề tài vào thực tế.
Những kiến thức tích lũy trong nhà trường đưa ra ứng dụng vào công việc bước đầu gặp rất nhiều khó khăn; nhưng với nhiệt huyết của anh đã không ngại ngần khi được phân công nhiệm vụ. Ngoài công việc hàng ngày, anh đã cùng anh em nghiên cứu các đề tài khoa học góp phần rất lớn cho cải tạo kỹ thuật trên lưới điện Đà Nẵng, đã đưa vào sử dụng đem lại lợi ích cho PC Đà Nẵng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Sớm nhận thức được rằng phải sớm tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, bằng những kiến thức đã học cũng như trong quá trình làm việc tiếp cận thực tế, anh đã nhiều lần tham mưu lãnh đạo và đề xuất nhiều ý kiến mang lại hiệu quả cao trong việc cải tạo, kết lưới và các biện pháp phòng ngừa không để sự cố nặng xảy ra trên địa bàn. Thời gian này, anh tiếp tục vận dụng những kinh nghiệm đã tích lũy để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện lộ trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện của Công ty. Đặc biệt là trong giai đoạn đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Từ năm 2008 đến nay, anh Trương Minh Tú đã có 09 sáng kiến, trong đó anh chủ nhiệm 2 đề tài và cộng sự của 2 đề tài nghiên cứu khoa học khác đã mang lại lợi ích kinh tế cao cho đơn vị. Đề tài do anh làm chủ nhiệm “Công nghệ hóa công tác kiểm tra vận hành hệ thống điện trên điện thoại di động thông minh SmartPhone” (Đoạt giải Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam Vifotec năm 2018; Cuộc thi lập trình Ứng dụng AppMobile 2018 thành phố Đà Nẵng, Sáng kiến EVN). Đây là công cụ giúp người quản lý kiểm soát được tần suất và vị trí người được giao nhiệm vụ kiểm tra, tránh việc kiểm tra không đúng tần suất, ghi khống trên phiếu, giúp lãnh đạo kiểm soát được công việc kiểm tra, theo dõi được các khiếm khuyết trên lưới điện và kết quả xử lý, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành, giảm suất sự cố. Ứng dụng vận hành hệ thống điện trên điện thoại thông minh SmartPhone, PC Đà Nẵng tự xây dựng chạy trên hệ điều hành IOS, Android whibsite và được đẩy lên Google play Apple Store với tên gọi QLKT Mobility, rất dễ dàng cài đặt. Ứng dụng này mang lại hiệu quả cao do tiết kiệm thời gian và nhân lực so với thủ công.
Đề tài “Ứng dụng thuật toán tìm đường và thống kê dữ liệu từ xa tự động phân tích cảnh báo khách hàng có điện áp thấp” (Đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 16, Giải Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam Vifotec, Giải Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ IV) đã được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất của đơn vị, giúp tiết kiệm chi phí cho đơn vị cũng như nâng cao sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện. Chương trình là công cụ tự động tổng hợp dữ liệu, phân tích và đưa ra cảnh báo một cách tự động giúp người quản lý vận hành nắm được thông tin về các khách hàng có điện áp thấp theo từng lộ trình (trạm biến áp công cộng) như số lượng, vị trí khách hàng (trụ…), nhánh dây cấp điện, chiều dài bán kính cấp điện, phân tích dữ liệu để phân loại nguyên nhân gây điện áp thấp một cách nhanh chóng và thuận lợi, đề xuất biện pháp xử lý. Đồng thời, tự động nhắn tin cảnh báo đến đơn vị quản lý để đơn vị có thể sắp xếp thời gian khắc phục nhanh nhất, giúp nâng cao chất lượng điện năng, ngăn ngừa sự cố lưới điện hạ áp do tiếp xúc xấu, quá tải dây dẫn…, nâng cao công tác dịch vụ khách hàng và giảm tổn thất điện năng cho lưới điện.
Công trình đã mang lại các lợi ích hiệu quả từ việc tiết kiệm năng lượng nhờ giảm tổn thất điện năng góp phần đem lại hiệu quả về mặt kinh tế trong khâu phân phối, bán lẻ điện và hiệu quả kinh tế trong công tác quản lý vận hành lưới điện. Chương trình hỗ trợ các Điện lực xử lý nhanh các khách hàng điện áp thấp với số lượng lớn, nâng cao chất lượng điện áp, ngăn ngừa sự cố hạ áp do quá tải dây, tiếp xúc xấu. Giá trị tiết kiệm điện năng/1 năm của 1 đơn vị Điện lực nhờ giảm tổn thất ước đạt tổn hao điện năng 1 trạm dân dụng sau khi xử lý điện áp thấp sẽ giảm đi trung bình 48.000.000 đồng.
Hiện nay trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị khác trên cả nước chưa có Chương trình tự động phân tích dữ liệu từ hệ thống thông tin địa lý, hệ thống thu thập dữ liệu từ xa để phân loại nguyên nhân gây điện áp thấp một cách nhanh chóng và thuận lợi, đề xuất biện pháp xử lý. Hơn nữa với phần mềm tự xây dựng sẽ giúp đơn vị và người vận hành sử dụng làm chủ được công nghệ, tận dụng được hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin như thiết bị, sever, hạ tầng đo đếm từ xa, đường truyền ... sẵn có nên không phải phụ thuộc vào các Công ty phần mềm trong nước hoặc mua phần mềm từ Nước ngoài, tránh việc phải thường xuyên bảo trì, cải tạo nâng cấp gây tốn kém. Việc đi kiểm tra đo điện áp ngoài hiện trường về cho cấp quản lý trước đây mất vài tiếng, cả ngày hoặc vài ngày mới có thể đo kiểm tra hết các khách hàng trên 1 trạm dân dụng. Nhưng hiện nay các thông số được kiểm soát trực tuyến hàng ngày từ tất cả các công tơ khách hàng. Cho nên hiệu quả từ việc tiết kiệm được thời gian và nhân lực rất nhiều so với việc thực hiện công việc bằng thủ công, tăng năng suất lao động của nhân viên vận hành hệ thống điện. Công cụ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực trong việc tối ưu nguồn nhân, vật lực trong công tác theo dõi, quản lý vận hành lưới điện hạ áp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện (giảm thiểu nguy cơ sự cố, số vụ sự cố, mất điện khách hàng, mất sản lượng điện năng do các sự cố trên lưới điện…) vừa góp phần trong công tác giảm tổn thất điện năng tại đơn vị, tiết kiệm chí phí vận hành nguồn lưới điện; lập kế hoạch bố trí vận hành nguồn lưới điện được tối ưu. Giá trị làm lợi tính cho 1 Công ty Điện lực/1 năm là 1,152 tỷ đồng/năm.
Anh Trương Minh Tú, tâm sự: “ Được vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng – Tổng Công ty Điện lực Miền Trung là một điều may mắn và tôi rất lấy làm tự hào. Đây là như là một cơ duyên gắn bó tôi với Ngành Điện lực. Ở đó tôi có thể phát huy được khả năng nghiên cứu khoa học của mình, được trui rèn từ khi còn học phổ thông. Được làm việc trong một môi trường thuận lợi về khoa học công nghệ đã giúp tôi có thể phát triển ý tưởng về cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị nhằm mang lại lợi ích cho Công ty cũng như phục vụ khách hàng sử dụng điện ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, tôi luôn nhận được sự ủng hộ từ các anh lãnh đạo và đồng nghiệp, đó là một sự động viên khích lệ to lớn đối với cá nhân tôi, là động lực để tôi tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm cống hiến mang lại lợi ích cho Ngành điện, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác chuyển đổi số và hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị”.
Đến nay, bằng nhiệt tình và tâm huyết của anh Trương Minh Tú và anh em trong đơn vị đã có các đề tài sáng kiến nghiên cứu khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu về phát tiển lưới điện phục vụ khách hàng và phát triển kinh tế xã hội tại thành phố Đà Nẵng.
Theo ông Trần Thế Thọ, Giám đốc Điện lực Liên Chiểu, PC Đà Nẵng, cho biết: "Qua các năm công tác tại đơn vị, anh Trương Minh Tú luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao và đi đầu trong phong trào các đề tài khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến của đơn vị; qua đó, đã góp phần nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí cho đơn vị, các đề tài của anh Tú đưa vào hệ thống đã nâng cao độ chất lượng cung cấp điện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện. Hành trang trên con đường số quan trọng nhất là nguồn nhân lực và sự đồng lòng, chung tay của tập thể người lao động. Đây cũng là nền tảng quan trọng nhất để số hóa các dữ liệu, hiện thực hóa các ý tưởng và sử dụng nâng cấp các phần mềm để nâng cao năng suất tại đơn vị cũng là mục tiêu mà kế hoạch chuyển đổi số tại đơn vị đã đề ra”.
Anh Lê Duy Tấn, cùng nhóm nghiên cứu với anh Tú cho biết: “Anh Tú là người hiền lành, trầm tính, luôn vui vẻ và nhiệt tình trong công việc, nhất là nghiên cứu khoa học anh rất đam mê. Nhóm nghiên cứu, anh em chúng tôi luôn tin yêu anh và những ý kiến đề xuất của anh luôn được anh em ghi nhận; trong các đề tài nghiên cứu, anh Tú là một người rất nhiệt huyết trong công việc; từ đó, anh em trong nhóm rất tin tưởng vui vẽ cùng tham gia khi các đề tài anh đưa ra để nghiên cứu”.
Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, là giải pháp quan trọng thiết thực góp phần nâng cao năng suất lao động cho ngành điện. Từ những sáng kiến, nghiên cứu đó trong năm 2022, Thạc sỹ Trương Minh Tú đã vinh dự nhận bằng Lao động Sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Bằng khen của UBND thành phố Đà Nẵng.