Thanh Hoá triển khai các giải pháp tiết kiệm điện.
Theo số liệu rà soát của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Thanh Hóa hiện là tỉnh có nhu cầu tiêu thụ điện đứng thứ 3 và chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc. Nhu cầu công suất giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 16,3%; giai đoạn 2021-2022 là 10,7%. Sản lượng điện thương phẩm giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng 13,75%, giai đoạn 2021-2022 tăng trưởng bình quân 8,6%. Công suất phụ tải cực đại tại Thanh Hóa hiện đạt tới 1.350 MW và dự báo đạt 2.150 MW vào năm 2025 - tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất của miền Bắc. Chính vì vậy, sử dụng điện năng lượng tiết kiệm và hiệu quả càng trở nên cấp bách.
Tháng 3/2023, cùng với cả nước, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng đã phối hợp cùng Công ty Điện lực Thanh Hóa và Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường tổ chức lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 với chủ đề “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”. Chương trình đã đạt hiệu quả truyền tải, kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện 10 hành động thiết thực thân thiện với môi trường như: hạn chế số lần mở cửa tủ lạnh và thời gian mở tủ; sử dụng triệt để ánh sáng tự nhiên sẵn có; cài đặt nhiệt độ điều hòa hợp lý; nên xem chung 1 tivi, hạn chế bật nhiều tivi cùng lúc; chọn thiết bị tiết kiệm điện như đèn led, bình nước nóng năng lượng mặt trời; hạn chế túi nilon chỉ dùng một lần; rút các ổ cắm điện khi ra khỏi nhà hoặc ban đêm; tắt động cơ xe máy khi đèn chờ giao thông lâu hơn 16 giây; vứt rác đúng nơi quy định và giữ gìn vệ sinh công cộng. Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023, 1 giờ tắt đèn với sự hưởng ứng của các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã tiết kiệm thêm hơn 11.000 Kwh điện; đồng thời lan tỏa ý thức tiết kiệm điện trong từng hành động đối với người tiêu dùng.
Đặc biệt, chương trình hỗ trợ hệ thống điện chiếu sáng bằng đèn led tiết kiệm điện do Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng triển khai trên địa bàn các huyện Hà Trung, Bá Thước, Quan Sơn, Thiệu Hóa... nhiều năm nay vẫn đang được duy trì với hiệu quả tiết kiệm điện lên tới 45%. Cùng với đó, từ nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng đã triển khai hỗ trợ hệ thống điện chiếu sáng bằng đèn led tiết kiệm điện cho các địa phương. Điển hình như trong năm 2022, toàn tỉnh đã được đầu tư gần 22 tỷ đồng triển khai các dự án hệ thống điện chiếu sáng bằng đèn led, đèn năng lượng mặt trời tại các tuyến đường trung tâm thị trấn, khu di tích lịch sử, điểm du lịch các huyện, thị xã, thành phố. 12 dự án thuộc nguồn vốn của năm 2023 cũng đang được tích cực triển khai.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng, các dự án được triển khai không những giúp tiết kiệm được 90% nguồn điện so với hệ thống sử dụng điện lưới trước kia mà còn góp phần giảm phát thải khí CO2 ra môi trường, hướng tới mục tiêu thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 đến năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại thỏa thuận về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhằm tiếp nối thành công của Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và đẩy mạnh hơn các hoạt động, giải pháp tiết kiệm năng lượng trên mọi mặt của đời sống xã hội và kinh tế đất nước, năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, với mục tiêu tiết kiệm được 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8 - 10% trong cả giai đoạn 2019-2030.
Cùng thực hiện lộ trình này của đất nước, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng đề nghị doanh nghiệp, người dân nâng cao hơn nữa ý thức về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, nhất là các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh... trong việc bố trí thêm kinh phí, nhân lực để các dự án tiết kiệm năng lượng được triển khai rộng rãi và quy mô hơn, đạt hiệu quả cao nhất.
Link gốc