Giờ Trái đất 2021

Thanh niên, giới trẻ tham gia ngày càng tích cực vào sự kiện Giờ trái đất

Thứ năm, 25/3/2021 | 13:14 GMT+7
Việt Nam đặt mục tiêu đưa tổng cung năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia đạt 15-20% vào năm 2030 và 25- 30% vào năm 2045 theo Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị.
 

Giới trẻ Hà Nội hưởng ứng Giờ Trái đất 2018. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Sự kiện Giờ Trái đất năm 2021 chính thức được diễn ra - thông qua hoạt động trọng tâm được tiến hành đồng loạt trên quy mô toàn cầu là tắt đèn từ 20h30 đến 21h30 thứ Bảy tuần cuối cùng của tháng 3 - ngày 27 tháng 3 năm nay. Đây là một trong những chiến dịch lớn nhất toàn cầu về môi trường, quy tụ hàng trăm triệu cá nhân, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới cùng nâng cao nhận thức và hành động để giải quyết vấn đề cấp bách của toàn cầu: giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu. PV Nguyên Long phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An về sự kiện Giờ trái đất 2021 và hành động của Việt Nam thông qua chương trình này.
 
PV: Thưa ông, là đơn vị chủ trì, đồng hành cùng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức các chuỗi sự kiện Giờ Trái đất nhiều năm qua, ông nhìn nhận như thế nào về sức ảnh hưởng của chương trình này trong việc bảo vệ môi trường và hành động của chúng ta?
 
TT Đặng Hoàng An: Năm nay là năm thứ 13 Việt Nam tổ chức Chiến dịch Giờ trái đất dựa trên sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Chúng tôi cũng rất mừng là kể từ lần đầu tiên thực hiện chiến dịch giờ trái đất tại Việt Nam chỉ có 6 tỉnh, thành phố tham gia thì đến nay, sau nhiều năm thực hiện, chương trình đã thu hút được 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia. Với chủ đề của chiến dịch Giờ trái đất năm nay là “Lên tiếng vì thiên nhiên”, Bộ Công Thương đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các doanh nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức xã hội khác tham gia chương trình này để huy động sức mạnh của toàn dân trong việc tăng cường ý thức bảo vệ môi trường. 
 
Một điều đáng mừng là qua các năm thực hiện, chương trình ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp, đặc biệt là đông đảo các bạn trẻ, thanh niên trong xã hội tham gia. Và chúng tôi cho rằng đây thực sự là một tín hiệu tốt để chúng ta tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp cho việc chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
 
PV: Xin ông cho biết về những chính sách, chương trình hành động của Bộ Công Thương nhằm hướng tới phát triển bền vững ngành công thương cũng như góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào thực hiện các cam kết của Việt Nam trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu? 
 
TT Đặng Hoàng An: Theo các cam kết của Việt Nam về thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thì năm 2030 Việt Nam sẽ cam kết tự thực hiện giảm 9% khí nhà kính, và nếu có được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế thì chúng ta sẽ nâng mức cắt giảm khí nhà kính lên được tới 27%.
 
Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động, thực hiện các cam kết của quốc gia về thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Và Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về giảm khí thải nhà kính trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và thương mại. Đối với lĩnh vực công nghiệp, hiện nay Bộ Công Thương đã tập trung vào các giải pháp chính liên quan đến việc sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả và tăng phát triển năng lượng tái tạo.
 
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Hiện Bộ Công Thương đang thực hiện giai đoạn thứ ba của giai đoạn 2019 - 2030 với mục tiêu giảm từ 8-10% tổng năng lượng cuối cùng cho cả giai đoạn vào năm 2030, tương đương với 60-80 triệu tấn dầu quy đổi. Tổng kinh phí của chương trình hiện nay là 4.400 tỷ đồng. 
 
Đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ đang tập trung vào việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực năng lượng với mục tiêu dài hạn. Theo đó, chúng ta sẽ đạt mức tổng cung năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên đến 15-20% vào năm 2030 và 25- 30% vào năm 2045 theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
 
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng 2 quy hoạch rất quan trọng là quy hoạch phát triển lực quốc gia cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia đến 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Tất cả các mục tiêu sẽ được cụ thể hóa trong hai quy hoạch này và Bộ Công Thương sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
 
PV: Cụ thể trong các lĩnh vực công nghiệp và thương mại thì sao, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các trọng tâm gì trong thời gian tới, thưa ông? 
 
TT Đặng Hoàng An: Đối với lĩnh vực công nghiệp, thực hiện Nghị quyết 23 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển chính sách năng lượng quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn 2045, Bộ Công Thương đang tổ chức thực hiện kế hoạch hành động của Chính phủ đối với việc phát triển ngành công nghiệp quốc gia với mục tiêu lớn là chuyển đổi, thúc đẩy tái cơ cấu ngành công nghiệp từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và lao động, chuyển sang các ngành công nghiệp có công nghệ cao hơn và thân thiện hơn với môi trường.
 
Về lĩnh thương mại, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều chương trình và mục tiêu chính là thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bộ cũng tổ chức chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị điện. Đây là một chương trình rất quan trọng trong thời gian qua, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cộng đồng các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trên cả nước. Chúng tôi tin rằng với những hành động tổng hợp như thế sẽ góp phần quan trọng hiện mục tiêu quốc gia của Việt Nam về thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Nguyên Long