Tin trong nước

Tháo gỡ khó khăn cho công tác vận hành các nhà máy thủy điện và đầu tư xây dựng dự án thủy điện tại Tây Nguyên

Thứ ba, 8/11/2022 | 21:11 GMT+7
Ngày 8/11, tại Gia Lai, ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình quản lý vận hành các nhà máy thủy điện (NMTĐ) và đầu tư xây dựng dự án do EVN quản lý, làm chủ đầu tư tại khu vực Tây Nguyên.
 

Ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
 
Tham dự buổi làm việc có ông Hồ Công Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (CMSC), bà Nguyễn Thị Thu Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (CMSC).
 
Về phía EVN có ông Nguyễn Đức Cường – Thành viên HĐTV EVN, ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc EVN, lãnh đạo các ban chuyên môn, lãnh đạo Công ty Thủy điện Ialy, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, Ban QLDA Điện 2, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN.
 
Các công trình, dự án thủy điện phát huy hiệu quả
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc EVN – Phạm Hồng Phương cho biết: Tại khu vực Kon Tum, Gia Lai, EVN đang quản lý 04 NMTĐ, với tổng công suất 1.420MW gồm NMTĐ Pleikrông công suất 100MW, NMTĐ Ialy công suất 720MW, NMTĐ Sê San 3 công suất 240MW và NMTĐ Sê San 4 công suất 360MW. 
 
Các nhà máy trên đều là nhà máy đa mục tiêu với nhiệm vụ chính là sản xuất điện năng; điều hòa dòng chảy trong mùa khô cho khu vực hạ lưu; vận hành điều tiết hồ chứa, cắt giảm lũ nhằm đảm bảo an toàn hạ du trong mùa mưa lũ.
 
Trong thời gian qua, các nhà máy vận hành ổn định, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, thông số vận hành theo thiết kế, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật do EVN giao hàng năm. Sản lượng điện sản xuất bình quân hàng năm đều đạt và vượt so với thiết kế.
 
Hiện nay trên địa bàn, EVN đang làm chủ đầu tư Dự án NMTĐ Ialy mở rộng công suất 360MW sử dụng lượng nước xả thừa để phát điện và làm nhiệm vụ điều chỉnh tần số, điều chỉnh điện áp đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện.
 
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 10/01/2018; Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt để quyết định đầu tư tại văn bản số 1382/UBQLV-NL ngày 19/9/2019 và Hội đồng thành viên EVN phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 384/QĐ-EVN ngày 27/9/2019.
 
Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 6/2021. Kể từ thời điểm khởi công xây dựng đến nay dự án luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Chất lượng xây dựng công trình đảm bảo theo yêu cầu thiết kế, công tác quản lý môi trường đều đáp ứng theo yêu cầu đặt ra.
 
Tuy nhiên, dự án đang vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tại tỉnh Gia Lai. Việc chậm chuyển mục đích sử dụng đất rừng làm ảnh hưởng lớn đến công tác thi công kênh dẫn dòng Nhà máy và tuyến đường dây 500 kV đấu nối.
 
Ngoài ra, theo Tờ trình số 6328/TTr-BCT ngày 13/10/2022 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì các máy thủy điện nêu trên do EVN quản lý làm chủ đầu tư sẽ được xây dựng mở rộng gồm Dự án NMTĐ Sê San 3 mở rộng công suất 130MW, Dự án NMTĐ Sê San 4 mở rộng công suất 120MW dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2026 – 2030. 
 
Tại buổi làm việc, đại diện Ban QLDA Điện 2 kiến nghị CMSC có ý kiến với UBND tỉnh Gia Lai sớm hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng và bàn giao đất để các đơn vị thi công có thể triển khai thi công các hạng mục đảm bảo tiến độ dự án.
 
Tại buổi làm việc, đại diện các nhà máy thủy điện, các đơn vị liên quan của EVN báo cáo đầy đủ thông tin về tình hình vận hành các nhà máy thủy điện trong khu vực, cũng như sự cần thiết để mở rộng các nhà máy thủy điện trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành nhiều như hiện nay.
 
Những khó khăn được tháo gỡ

Toàn cảnh buổi làm việc.
 
Kết luận tại cuộc họp, ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao EVN cũng như các đơn vị quản lý vận hành nhà máy thủy điện khi đã vận hành, quản trị an toàn, hiệu quả công trình góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, chống lũ, chống hạn, đóng góp nguồn ngân sách lớn cho địa phương. Về công tác vận hành tối ưu các nhà máy, mở rộng các nhà máy thủy điện, qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo, CMSC sẽ có buổi làm việc riêng với EVN và các đơn vị liên quan để CMSC hiểu rõ, từ đó đưa ra quyết định hoặc có ý kiến với các bộ, ngành kịp thời.
 
Đối với Dự án NMTĐ Ialy mở rộng, ông Hồ Sỹ Hùng ghi nhận và đánh giá cao EVN và Ban QLDA Điện 2 và tổ hợp nhà thầu, mặc dù gặp nhiều khó khăn như dịch COVID-19, ảnh hưởng bởi mưa lũ và đặc biệt giá nguyên vật liệu tăng cao nhưng các đơn vị đã rất nỗ lực để dự án đang vượt tiến độ nhiều hạng mục thi công.
 
Đây là dự án giao cho các đơn vị của EVN tư vấn giám sát và tư vấn lắp đặt thiết bị, vì vậy các đơn vị cần chủ động triển khai, đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tính độc lập, có kiểm tra chéo để đảm bảo chất lượng của dự án.
 
Về vướng mắc thủ tục chuyển đổi đất rừng, CMSC sẽ làm việc với UBND tỉnh Gia Lai và có ý kiến với Chính phủ để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc nhằm triển khai hạng mục thi công được kịp thời.
 
Ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, hiện dự án còn tiềm ẩn một số nguyên nhân khách quan về tiến độ cung cấp vật tư thiết bị đang chậm hơn so với kế hoạch, vì vậy EVN và Ban QLDA Điện 2 cần đốc thúc nhà thầu sớm bàn giao thiết bị để đẩy nhanh tiến độ.
 
Về giá vật liệu xây dựng tăng cao gây khó khăn cho các nhà thầu, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, CMSC sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này và cả các dự án khác để có đề xuất phù hợp nhằm tạo điều kiện hoạt động thuận lợi nhất cho các nhà thầu nhằm đạt lợi ích chung cho đất nước.  Ngoài ra, để có nguồn tài chính kịp thời, các nhà thầu cần chia nhỏ các gói thầu để sau khi hoàn thiện có thể thanh toán được ngay, cùng với đó phải sớm hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán để chủ đầu tư có thể giải ngân kịp thời.
Lã Linh