Tin thế giới

Ấn Độ thiếu điện trầm trọng nhất trong 10 năm qua

Thứ năm, 22/11/2007 | 09:13 GMT+7

Tình trạng thiếu điện của Ấn Độ trong 6 tháng đầu tài khoá 2007 (kết thúc vào cuối tháng 3/08) đã tăng lên mức cao kỷ lục trong 10 năm qua là 14,6%, chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh và công suất phát điện bổ sung tồi tệ hơn dự tính.

Trong 7 tháng đầu tài khoá 2007, Ấn Độ chỉ hoàn thành 32% kế hoạch tăng công suất phát điện thêm 3.765 MW. Ấn Độ luôn trong với tình trạng thiếu điện kinh niên -nhân tố được coi là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh của quốc gia lớn nhất và đông dân nhất Nam Á này.

Một quan chức đề nghị giấu tên của Bộ Điện lực Ấn Độ cho biết chính phủ nước này đã hạ mức mục tiêu khối lượng công suất phát điện bổ sung trong tài khóa 2007, từ 17.000 MW xuống còn 12.000 MW do thiếu trang thiết bị và nguồn nhân lực.

Bị ảnh hưởng tồi tệ nhất là các bang công nghiệp hóa, như Maharashtra và Gujarat ở khu vực miền Tây Ấn Độ, nơi tỷ lệ thiếu điện đạt đỉnh điểm 26,6% trong tháng 10/07.

Chính phủ Ấn Độ dự định đầu tư 250 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng điện từ nay cho đến năm 2012, bao gồm phát điện, truyền tải điện và phân phối điện. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc mở rộng nguồn cung điện cần phải đi đôi với cải cách ngành điện, nhất là những biện pháp giảm thất thoát điện năng trong quá trình truyền tải và phân phối cũng như tình trạng ăn cắp điện có xu hướng ngày một phổ biến hơn.

Ấn Độ đã thúc đẩy các dự án phát điện với tổng công suất 4.000 MW nhằm tăng nguồn cung điện ở đất nước có 1,1 tỷ dân, trong đó có tới 412 triệu người chưa được tiếp cận với điện. Tuy nhiên, theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), từ nay tới năm 2030 Ấn Độ cần phải đầu tư tới 1.250 tỷ USD vào hệ thống cơ sở hạ tầng điện mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Theo ViêtStock