Công nhân Đội Konplong trồng cỏ chống sạt lở móng cột đường dây 500kV.
Măng Đen lúc nào cũng se se lạnh và tĩnh lặng giữa đại ngàn Trường Sơn. Dòng sông Đắk Sơ Nghé chảy ngang qua trung tâm huyện lỵ Kon Plong cùng các suối, hồ, thác nước tạo nên một vùng du lịch sinh thái lý tưởng. Các dân tộc thiểu số Mơ Nâm, Ca Dong, H’Re cùng người Kinh... đã cùng sinh sống từ lâu đời trên cao nguyên Măng Đen này và lưu giữ những giá trị truyền thống đặc sắc.
Kon Plong là huyện miền núi phía đông bắc của tỉnh Kon Tum, được thành lập ngày 31/1/2002 trên cơ sở chia tách từ huyện Kon Plong (cũ) thành 2 huyện mới: Kon Plong và Kon Rẫy. Toàn huyện Kon Plong có tổng diện tích tự nhiên 136.160 ha, dân số hơn 20.000 người (gồm các dân tộc bản địa Mơ Nâm, Xê Đăng, Ka Dong, H’rê) với 9 đơn vị hành chính cấp xã. Tuyến quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi như một dải lụa len lỏi giữa núi đồi cao nguyên, mềm mại băng qua khu du lịch sinh thái Măng Đen ngày càng được đầu tư mở rộng, giúp du khách dễ dàng khi tìm đến miền đất đầy thơ mộng này. Đến nay, Măng Đen bước đầu đã có những biệt thự với nhiều kiểu dáng khác nhau mọc lên giữa những cánh rừng thông, không cách xa lắm suối, thác, sông, hồ.
Điều thú vị là từ khi có đường dây 500 kV mạch 2 đi qua, vùng đất này như thêm phần huyên náo, nhộn nhịp hơn. Để đảm bảo cho công tác quản lý vận hành đường dây 500 kV mạch 2 qua địa bàn, năm 2004, Công ty Truyền tải điện 2 đã thành lập Đội Truyền tải điện Kon Plong trực thuộc Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai. Anh Hoàng Xuân Kiệt - Đội trưởng Đội truyền tải tâm sự: "Từ khi hình thành đơn vị cho đến giờ, Đội đã được các cấp chính quyền và nhân dân huyện Kon Plong rất ưu ái. Riêng nhà thi đấu thể thao đã được huyện giao cho Đội quản lý, duy trì hoạt động thể thao và là hạt nhân tham gia các phong trào của Huyện. Đặc biệt, Huyện cũng rất quan tâm đến cuộc sống của CBCNV, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để anh em ổn định công tác, an cư lạc nghiệp."
Quả thật là hơn 70 km đường dây 500 kV vượt đèo Măng Đen, Viôlắc qua 2 huyện Kom Rẫy và Kon Plong đã hoà quyện với phong cảnh nơi đây, tăng thêm sức sống cho Măng Đen. Có lẽ đây cũng là một lý do để những người lính truyền tải nơi đây ngày càng gắn bó với Măng Đen.
Bài và ảnh: Nguyễn Quang Thắng