Toàn cảnh công trường thi công đường hầm dẫn nước- tháp điều áp và tuyến đặt đường ống áp lực
Điều đáng mừng hơn là bằng hành động của mình, Công ty Sông Đà - Hoàng Liên (Tổng Công ty Sông Đà) đã khẳng định được chỗ đứng trong tình cảm của chính quyền và nhân dân khu vực.
Ngay khi đợt mưa lũ đầu tháng 8 vừa dứt, Công ty Sông Đà- Hoàng Liên đã chủ động điều người và xe máy khắc phục sự cố trên đoạn tỉnh lộ từ thị trấn Sa Pa vào vùng sâu phía Nam của huyện. Mũi thi công thứ nhất gồm một máy xúc bánh lốp Lugông, 2 ô tô xúc dọn các điểm sạt trượt trên tuyến đường Sa Pa- ngã ba bản Dền; từ ngã ba đi Tả Van về tới ngã ba Bản Dền và các điểm sạt trượt trên tuyến đường Bản Dền- cầu Thanh Phú. Mũi thi công thứ 2 gồm một máy xúc Vôn-vô-xúc dọn các điểm sạt trượt trên tuyến đường bản Dền- cầu Thanh Phú. Mũi thi công thứ 3 gồm một máy xúc Cô-be-cô-xúc dọn các điểm sạt trượt, đoạn từ ngã ba đi Bản Hồ đến cầu Thanh Phú.
Lũ lớn, một trong 2 chiếc cầu treo gần ngã ba sông Thanh Phú Ngòi Bo bị vặn cong. Nhiều khối đá lớn phải dùng thuốc nổ phá, với máy xúc cỡ lớn mới dọn nổi. Nhiều đoạn, đường bị sạt gần hết mặt, phải gia cố từ móng. Đến 12 giờ ngày 14/8, đường thông, giúp vào việc cứu trợ cho bà con ở các xã phía Nam huyện bị cơn lũ cô lập suốt một tuần qua. Chủ tịch UBND huyện Sa Pa Hầu A Lềnh trào nước mắt, nói với kỹ sư Nguyễn Thanh Kim- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà- Hoàng Liên: “Các bạn lại giúp huyện một việc lớn nữa rồi”.
Trò chuyện với chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Thanh Kim xót xa: “Một cô giáo và hai trẻ chăn trâu bị lũ cuốn. Đau xót lắm. Làm sao giúp bà con tránh được thiệt hại này”?
Mưa lũ qua đi, mọi hoạt động trên công trường trở lại bình thường. Công ty vừa khắc phục sự cố sạt lở đoạn đường vào khu vực đào móng đập thuỷ điện, tháng 7 vừa qua, lại phải khắc phục thêm một số điểm sạt lở mới. Tiến độ bị chậm lại một chút, đòi hỏi mọi người phải khẩn trương hơn.
Dời công trường từ tháng 1, 7 tháng sau quay lại, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay ở hiện trường. Cửa hầm dẫn nước số 2 đã được gia cố. Đã đào được 30m đường hầm. Từ cửa hầm 2 số hai, hố móng tháp điều áp đã xong và mặt bằng đặt tuyến đường ống áp lực từ đó xuống nhà máy cũng đã gần xong. Khu vực hố móng, đập đầu mối đào đất đá bờ trái đến cao độ 655,5m. Cũng đã đổ được 1.000m3 bê tông đập dâng bờ trái. Công trường cũng đã hoàn thành thi công cống dẫn dòng và tường chắn thượng lưu, hạ lưu. Công ty lật cánh sang bờ phải Ngòi Bo, mở được hàng nghìn mét đường xuống khu vực sẽ xây dựng Nhà máy thuỷ điện Nậm Củn (công suất 37 Mw) ở huyện Bảo Thắng. Tôi đã đứng khá lâu để chụp cho bằng được chiếc huy hiệu Đoàn TNCS HCM gắn trên đầu chiếc máy xúc Vôn-vô 04 của Công ty Sông Đà 9 đang cần mẫn làm việc trên sườn núi khu vực cửa hầm nhận nước số 2 và tháp điều áp. Tranh thủ một phút dừng máy, tôi hỏi người thợ trẻ điều khiển: “Làm việc ở khu vực cheo leo như thế, có ngại không?”. Chàng trai nhoẻn miệng cười: “Xe máy thi công đều có quy trình kỹ thuật, các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, có sao đâu anh”.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Kim vui vẻ báo tin: Ngày 28/5, Công ty đã ký hợp đồng với một công ty chế tạo máy của Trung Quốc chế tạo thiết bị cho nhà máy. Phía Trung Quốc hứa sẽ hoàn thành vượt tiến độ đề ra. Nếu mọi việc thông đồng bén giọt, tháng 1/2010, thiết bị của tổ máy số 1 sẽ về đến công trường. Sau 3 tháng lắp đặt và hiệu chỉnh, tháng 3/2010 sẽ khởi động tổ máy số 1.
Đến khi phát điện tổ máy số 1, nhà máy thuỷ điện Sử Pán 2 vẫn còn hàng đống công việc phải làm. Riêng từ nay đến cuối năm có việc hoàn thành đắp đê quây thượng, hạ lưu, đào đất đá và đổ bê tông hố móng đập tràn, triển khai và hoàn thành việc thi công, gia cố các đường ống áp lực và các mố néo, đổ bê tông thân hầm dẫn nước...
Làm đường bên bờ phải Ngòi Bo, chuẩn bị thi công thuỷ điện Nậm Củn
Trong số các hạng mục đang thi công, kỹ sư Nguyễn Thanh Kim có phần băn khoăn về tiến độ xây dựng cầu Thanh Phú bắc qua Ngòi Bo, vừa phục vụ cho việc thi công thuỷ điện Nậm Củn, vừa phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội mấy xã vùng sâu Nam Sa Pa. Anh nhấn mạnh: cơn lũ vừa qua càng nổi rõ tầm quan trọng chiến lược của cây cầu này. Nếu nhà thầu không đủ năng lực đẩy nhanh tiến độ thi công, có lẽ công ty phải có biện pháp mạnh hơn.
-Làm chủ đầu tư, vừa quản lý vừa thi công, liệu có lâm vào tình trạng “vừa đánh trống, vừa thổi còi không? Tôi hỏi Nguyễn Thanh Kim. Kim cho biết,công ty vừa xây dựng Trung tâm tư vấn, điều thêm cán bộ có năng lực về làm việc, để Trung tâm này thực hiện chặt chẽ chức năng giám sát, tư vấn trên mọi lĩnh vực, quyết không vì tiến độ mà bỏ qua lỗi kỹ thuật, cũng như bỏ qua các sai sót về mặt kinh tế-tài chính.
Đáng mừng là từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Lào Cai vẫn đều đặn rót vốn cho công ty Sông Đà- Hoàng Liên. Làm đâu ra đấy, làm nhanh gọn, đúng tiến độ, có lẽ chính là các ưu điểm của Sông Đà- Hoàng Liên để ngân hàng tín nhiệm.
Tuy nhiên, theo tôi, còn một nguyên nhân sâu xa nữa là người Lào Cai đã thấy ở công ty Sông Đà- Hoàng Liên một doanh nghiệp thực sự muốn tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Mà tấm lòng của người Sông Đà- Hoang Liên đối với bà con Sa Pa trong trận lũ vừa qua là một ví dụ./.