Để sử dụng ứng dụng, bạn chỉ cần tìm kiếm từ khóa “EVNNPC” trên kho dữ liệu App Store hoặc Google Play và tải về. Ảnh: Thúy Liên.
Nắng nóng kéo dài là nguyên nhân khiến gần đây nhiều người phải “giật thót” vì hóa đơn tiền điện tăng đột biến. Theo đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), ngay từ những ngày đầu tháng 4, đơn vị đã liên tục cảnh báo khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng đột biến do lượng điện năng tiêu thụ trong tháng sẽ tăng cao.
Để không cảm thấy “sốc” mỗi khi nhận được hóa đơn tiền điện, nhất là vào những tháng cao điểm nắng nóng, nhiều người chọn cách chủ động theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng ngày bằng các ứng dụng của EVN như EVNHANOI, EVNHCMC, EVNSPC…
Dùng điện ngày nào, biết số điện ngày đó
Sử dụng những app do Tổng công ty Điện lực phát hành ở các khu vực, người dùng có thể theo dõi mọi thông tin về điện, từ lịch ghi chỉ số công tơ, lịch tạm ngừng cấp điện, hóa đơn tiền điện đến gửi các yêu cầu và theo dõi tiến độ thực hiện các dịch vụ điện ngay trên ứng dụng.
Cụ thể, tại tính năng “Tra cứu”, người dùng có thể theo dõi chỉ số trên công tơ điện, đồng thời biết lượng điện tiêu thụ hàng ngày, hàng tháng và so sánh với cùng kỳ trước đó thông qua biểu đồ.
Bạn có thể theo dõi lượng điện tiêu thị theo tháng, ngày.
Sử dụng ứng dụng theo dõi điện năng tiêu thụ trong vài tháng nắng cao điểm vừa qua, ông Lợi Trần (ngụ ở Bình Định) cho biết mình có thể dễ dàng kiểm soát lượng điện gia đình sử dụng theo ngày, nhận hóa đơn điện tử, thanh toán tiền điện trực tuyến rất thuận lợi.
“Khi nào dùng điện nhiều là tôi biết ngay tháng đó hóa đơn sẽ tăng cao, nên đã có chuẩn bị từ trước, không còn bất ngờ khi nhận hóa đơn cuối tháng”, ông nói với Tri thức - Znews.
Trong mục “Tiện ích” của các ứng dụng EVN, bạn còn có thể đặt ngưỡng cảnh báo mức sử dụng điện. Chỉ cần nhập số (kWh) hoặc tỷ lệ (%) điện tăng so với tháng thước mà mình mong muốn được cảnh báo, bạn sẽ nhận được thông báo khi mức tiêu thụ vượt quá con số này.
Để sử dụng ứng dụng, bạn chỉ cần tìm kiếm từ khóa “EVN” trên kho dữ liệu App Store hoặc Google Play và tải về ứng dụng EVNHANOI, EVNHCMC, EVNSPC... tùy theo khu vực sinh sống.
Quy trình đăng ký tài khoản phải được thực hiện thông qua số hợp đồng và số điện thoại đã đăng ký trước đó. Sau khi đăng ký, hệ thống sẽ gửi mã OTP về điện thoại để xác minh.
Riêng với app EVNHCM CSKH, người dùng không nhất thiết phải là chủ hợp đồng điện mà chỉ cần mã khách hàng được ghi trên hóa đơn điện hàng tháng. Nhờ đó, bạn có thể quản lý và kiểm tra được nhiều hợp đồng điện cùng lúc. Ngoài ứng dụng trên điện thoại, việc tra cứu có thể thực hiện thông qua website của các công ty điện lực.
TP.HCM chỉ báo tiền điện qua app
Khi đã đăng nhập thành công bằng mã khách hàng, người dùng chọn tính năng "Tra cứu”. Tại đây, bạn có thể theo dõi chỉ số trên công tơ điện để biết lượng điện tiêu thụ hàng ngày, hàng tháng. Với ứng dụng EVNHANOI, người dùng còn có thể ước tính sản lượng điện tiêu thụ trong sinh hoạt và biết những thiết bị điện trong gia đình tiêu thụ bao nhiêu kWh mỗi tháng.
Các tính năng trong app EVNHCMC CSKH.
Ở mục "Ước tính điện năng tiêu thụ của thiết bị", bạn chỉ cần cung cấp các thông tin về số lượng, chủng loại thiết bị điện gia đình đang sử dụng như: bếp điện, tủ lạnh, điều hòa… và tần suất, mức độ, thói quen sử dụng các thiết bị này.
Dựa trên dữ liệu đã có, công cụ sẽ tự động ước tính số lượng điện tiêu thụ của mỗi thiết bị theo từng tháng. Công cụ này cũng chỉ ra thiết bị tốn nhiều điện nhất trong tháng, giúp mọi người có thể điều chỉnh thói quen sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng khuyến khích khách hàng cài đặt và trải nghiệm app của điện lực. “Đây là ứng dụng được ngành điện thiết kế và chăm chút để làm sao cho tất cả khách hàng thông qua ‘một chạm’ có thể trải nghiệm tất cả dịch vụ cả ngành điện”, ông khẳng định.
Lượng điện sử dụng tăng đột biến trong tháng 4/2024 tại một hộ gia đình. Ảnh: EVNHCMC.
Trước đó, thông báo thanh toán tiền điện thường được gửi theo hoá đơn giấy về tận nhà hoặc tin nhắn SMS về điện thoại. Vài năm gần đây, điện lực các địa phương gửi thông báo qua kênh Zalo hoặc app thay vì tin nhắn SMS để giảm chi phí. Tại Hà Nội, EVNHANOI vẫn gửi đồng thời thông báo qua kênh Zalo.
Nhưng Tổng Công ty Điện lực TP.HCM là đơn vị đầu tiên bỏ hẳn các kênh thông báo truyền thống. Từ tháng 4, thông báo tiền điện với các hộ dân ở TP.HCM sẽ chỉ được gửi qua ứng dụng EVNHCMC CSKH thay vì gửi thông báo qua các kênh truyền thống (thông báo giấy) và tin nhắn Zalo. Việc thanh toán tiền điện được thực hiện vào đầu tháng, từ ngày 2-5 hàng tháng, đại diện EVNHCMC cho biết.
Link gốc