Ảnh: Ngọc Hà
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tổng chi phí mua điện của EVN giảm hơn so với việc thanh toán theo giá hợp đồng. Nhìn chung giá điện năng thị trường trong các ngày vừa qua phản ánh đúng cân bằng cung cầu hệ thống trong từng giờ giao dịch và biến động phù hợp với các thay đổi của biểu đồ phụ tải hệ thống.
Một số nhà máy thủy điện có chiến lược chào giá hợp lý để được huy động cao khi nước về hồ chứa đủ lớn, vừa phù hợp với điều tiết hồ chứa của nhà máy, nâng cao doanh thu cũng như lợi nhuận, đồng thời góp phần giảm giá thị trường. Các nhà vận hành cũng nâng cao được khả năng sẵn sàng và giảm bớt thời gian sửa chữa của các nhà máy điện, góp phần nâng cao khả dụng và an ninh cho hệ thống.
Đến thời điểm này có tổng cộng 73 nhà máy điện đang vận hành thương mại trong hệ thống điện quốc gia với tổng công suất đặt là 23.493 MW. Số nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường phát điện là 29 nhà máy với tổng công suất đặt là 9.035 MW.
Báo cáo của Bộ Công Thương và EVN đánh giá thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành đúng các quy định và kế hoạch đề ra. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện vận hành ổn định, đi vào nề nếp theo đúng thời gian biểu quy định.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng phản ánh về một số vấn đề bất cập bộc lộ khi thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành, đó là vấn đề an ninh hệ thống, việc đảm bảo yêu cầu nước cho hạ lưu các nhà máy thủy điện, điều độ về sản lượng điện thuộc các loại nhà máy khác nhau,…
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực, những kết quả tích cực liên quan đến vận hành thị trường phát điện cạnh tranh của các cơ quan, đơn vị liên quan trong thời gian qua.
Khẳng định ý nghĩa và mục tiêu của việc đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, bước khởi đầu quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam, Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tập trung triển khai các kế hoạch, giải pháp vận hành ổn định và cải thiện kết quả hoạt động của thị trường điện ngày một tốt hơn.
Bộ Công Thương tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp lý, hệ thống quy trình, quy chế liên quan, kịp thời khắc phục các vấn đề phát sinh, đầu tư hạ tầng cần thiết. Các đơn vị vận hành đặc biệt lưu ý đến vấn đề an ninh, an toàn hệ thống, tiếp tục hoàn thiện vấn đề đào tạo quản lý, kỹ thuật, kỷ luật lao động, diễn tập phòng chống nhằm hạn chế thấp nhất các sự cố, trục trặc có thể xảy ra.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho ý kiến về việc đánh giá mô hình tổng thể, một số vấn đề tổ chức, thanh quyết toán liên quan.
Theo: Báo Điện tử Chính phủ