Đảm bảo đúng tiến độ quy hoạch điện VII

Thứ năm, 28/6/2012 | 03:29 GMT+7
Qui hoạch điện VII xác định trong giai đoạn từ nay đến 2030, mỗi năm đưa vào 5.000 MW công suất mới, xây dựng rất nhiều công trình trạm, đường dây từ cấp điện áp 220kV tới 500kV, với tổng vốn đầu tư từ nay tới 2020 là khoảng 50 tỷ USD, từ 2020 tới 2030 là khoảng 60 tỷ USD.



Để đảm bảo tiến độ quy hoạch điện VII, EVN cần một số vốn rất lớn.

Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới

Theo ông Hoàng Quốc Vượng- Thứ trưởng Bộ Công Thương, tổng sơ đồ điện VII rất quan tâm chú trọng tới phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Trong giai đoạn này, mục tiêu là đảm bảo làm sao tỷ trọng, sản lượng điện từ các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo vào năm 2020 phải đạt 4,5%, năm 2030 đạt 6%. Ngoài ra,  việc xây dựng các nhà máy thủy điện tích năng cũng như nhà máy điện hạt nhân cũng được quan tâm. Theo kế hoạch, các tổ máy của nhà máy thủy điện tích năng lần đầu tiên sẽ xuất hiện vào năm 2019, các tổ máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ xuất hiện sau năm 2020.

Tổng sơ đồ điện VII đặc biệt quan tâm chú trọng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hợp lý và đưa ra một loạt biện pháp để làm sao tiết kiệm được 5-8% sản lượng điện tiêu thụ từ nay tới 2015, 2020. Có thể nói hiện nay, việc sử dụng điện nhiều lúc, nhiều nơi còn lãng phí, thể hiện ở chỗ hệ số đàn hồi của chúng ta hay cường độ sử dụng điện/1 đơn vị GDP còn cao so với các nước thế giới.

Một nội dung cũng rất quan trọng trong tổng sơ đồ điện VII là việc hình thành, phát triển thị trường điện lực. Thực tế, từ 1/7/2011, chúng ta chính thức khởi động thị trường phát điện cạnh tranh và từ 1/7/2012, chúng ta sẽ chính thức huy động các tổ máy điện trong hệ thống điện cũng như thanh toán tiền điện cho các nhà máy điện theo bản chào của các nhà máy.
 
EVN nỗ lực đảm bảo tiến độ quy hoạch điện VII

Ông Dương Quang Thành- Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, theo Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2020 (Qui hoạch điện VII), EVN được giao đầu tư 28 dự án với tổng công suất hơn 19.000 MW, trong đó giai đoạn 2011-2015 đưa vào vận hành 16 dự án với tổng công suất 9.738 MW.

Về lưới điện truyền, đến giai đoạn 2011-2015, EVN đầu tư và nâng công suất các trạm biến áp 500-220kV với tổng dung lượng trên 118.000 MVA, đưa vào vận hành trên 23.300 km đường dây 500-220kV. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đưa vào vận hành gần 53.000MVA công suất trạm biến áp và 13.470 km đường dây, phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống còn 9,07% đến năm 2015. .

Đồng thời, đến năm 2015, EVN đưa điện về 98% số hộ dân nông thôn và đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, triển khai các dự án cấp điện cho đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ, đồng bào vùng sâu vùng xa…

Sau khoảng 1,5 năm thực hiện qui hoạch VII, EVN đã đưa vào vận hành hơn 27% lượng công suất theo yêu cầu cho giai đoạn 2011-2015. Các công trình trong giai đoạn 2011-2015 (9 công trình trọng điểm cung cấp điện cho miền Nam từ 2013 trở đi) như công trình đường dây 500 KV Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bồng, 220 KV Đắk Nông-Phước Long-Bình Long, các nhà máy điện trong khu vực miền Tây Nam Bộ như Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Ô Môn 1…, nâng cấp các tụ bù cho đường dây 500 KV đã đáp ứng đúng tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, EVN còn thiếu khoảng 180.000 tỷ đồng  so với nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng mới thu xếp được hơn 315.000 tỷ đồng. Chủ yếu, cái thiếu này là các công trình chuẩn bị khởi công như Dự án Mỹ Tân 4, hay các nhà máy như Duyên Hải 3 mở rộng, Ô Môn 3, 4. EVN đang đề xuất, kiến nghị với Chính phủ để thu xếp nguồn vốn trong nước cho phần còn thiếu này.

"Về việc nguồn vốn thiếu ảnh hưởng tới tiến độ hay không, tôi xác định là có ảnh hưởng. Nhưng một số dự án chúng tôi đã thu xếp được vốn và các dự án có khả năng thu xếp vốn của các tổ chức tín dụng quốc tế  thì chúng tôi đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng được yêu cầu. Còn một số dự án chưa thu xếp được vốn thì chúng tôi đang báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để tìm cách giải quyết. Trong đó, việc thu xếp phần vốn lớn nhất là phần cho hợp đồng EPC, chúng tôi đang kiến nghị nhà thầu thu xếp vốn theo hình thức tín dụng -  ngân hàng để chúng tôi đàm phán với các ngân hàng của các nước có nhà thầu cung cấp hợp đồng EPC cho vay vốn cho công trình". Ông Dương Quang Thành cho hay.
 
PV