Tin trong nước

Thợ điện miền sông nước

Thứ ba, 26/9/2017 | 11:18 GMT+7
Miền Tây Nam bộ với đặc thù sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên công tác quản lý, vận hành, kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn.
Địa hình sông ngòi trắc trở gây rất nhiều khó khăn cho các thợ điện trong công tác khắc phục sự cố điện  /// Ảnh: Danh Ánh
Ảnh minh họa.

Đội Quản lý tổng hợp Tân Đức (xã Tân Đức, H.Đầm Dơi, Cà Mau) hiện có 14 nhân sự, quản lý vận hành 159 km đường dây trung thế, 207 km đường dây hạ thế cho gần 7.600 hộ dân sử dụng điện ở 3,5 xã trên địa bàn. Với người dân địa phương, những người thợ điện này đã góp phần mang đến cho họ một cuộc sống mới với nhiều đổi thay tích cực.

Địa bàn Đội Quản lý tổng hợp Tân Đức phụ trách có hệ thống lưới điện khá rộng, địa hình phức tạp, phần lớn là sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên phương tiện đi lại chủ yếu là xuồng ghe. Bên cạnh đó, nhân lực ít, cộng với những hạn chế về mặt thời gian do phụ thuộc vào mực nước thủy triều lên xuống trong ngày nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, vận hành, kinh doanh mua bán điện trên địa bàn. Bởi vậy, công nhân của đội dù đến từ tỉnh thành nào, sau thời gian công tác cũng đều thành thạo bơi lội, quen với việc lênh đênh trên sông nước.

Anh Lê Văn Tiếp, công nhân Đội Quản lý tổng hợp Tân Đức (thuộc Điện lực H.Đầm Dơi), người có 13 năm gắn bó với ngành điện, cho biết đến bây giờ, anh vẫn không quên được những ngày đầu đến công tác ở Tân Đức. Đó là những tháng ngày khó khăn nhất để anh có thể thích nghi với địa bàn cũng như hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con địa phương. “Với đặc thù miền sông nước, công tác quản lý, vận hành hay việc khắc phục sự cố gặp không ít khó khăn, đặc biệt vào thời điểm thủy triều rút. Khi đó, anh em trong Đội phải thường xuyên theo dõi mực nước trên sông, rạch, tranh thủ thời gian khi nước vừa lên để kịp thời khắc phục sự cố, sớm cung cấp điện trở lại cho người dân”, anh Tiếp tâm sự.

Khó có thể kể hết những khó khăn mà người thợ điện nơi đây trải qua khi phải kéo điện, sửa chữa đường dây trên sông hoặc trong rừng ngập mặn. Những người thợ điện này thường xuyên phải ăn uống, sinh hoạt ngay tại chỗ, trong các rừng đước, rừng tràm, thậm chí vắt vẻo trên các cột điện cao giữa dòng sông… “Vui có, buồn có nhưng tất cả đọng lại vẫn là tình cảm chan hòa, mộc mạc giữa bà con miền sông nước với những công nhân điện”, anh Vẹn nói.

Người dân ở Tân Đức đã quen với hình ảnh các anh thợ điện thường xuyên đến từng hộ tư vấn sử dụng điện an toàn và tiết kiệm hay giúp bà con lắp đặt, sửa chữa lưới điện mỗi khi xảy ra sự cố. Sau thời gian dài công tác, dành nhiều thời gian chia sẻ với người dân địa phương, dường như cái mộc mạc và ấm tình của người dân vùng sông nước đã ngấm vào những người thợ điện tự lúc nào. Thế nên họ như trở thành người nhà, sống hòa đồng và được người dân thương mến.

Nếu không có sự động viên, hỗ trợ và cảm thông của người dân nơi đây, thì những người thợ điện vùng sông nước rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi ngày trôi qua, những công nhân điện nơi đây lại thấy yêu hơn công việc của mình.

Với các anh, cuộc sống của bà con sẽ tươi sáng và ấm áp hơn nhờ ánh điện. Đó là niềm vui lớn nhất, là động lực để các anh phấn đấu, quyết tâm bám đất bám nghề để đem ánh sáng đến khắp miền sông nước.
Theo: Thanh niên