Thu hồi chất thải từ các nhà máy nhiệt điện

Thứ năm, 2/2/2012 | 09:56 GMT+7
Nếu các nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam được lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh FGD (Flue-Gas Desulfurization) một cách đồng bộ, hiện đại, thì có thể thu hồi 4 - 5 triệu tấn thạch cao thương phẩm mỗi năm, trên 20 triệu tấn tro bay và xỉ.

Công nghệ còn thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả

Nguồn nguyên liệu từ phế thải công nghiệp có thể sản xuất vật liệu xanh, thân thiện môi trường, làm phụ gia, nguyên liệu SX VLXD... Ảnh: Ngọc Cảnh
Trong quá trình vận hành, các nhà máy nhiệt điện đốt than ở nước ta hiện nay chưa tận dụng hết việc thu hồi tro bay và xỉ lẫn nhiều tạp chất; than chưa cháy hết còn lại khá cao (8 – 20%), lượng mất khi nung cao, không đạt tiêu chuẩn làm phụ gia cho xi măng, làm vật liệu không nung, muốn sử dụng phải qua xử lý tốn kém, giá thành cao. Vì vậy, phần lớn được thải ra các bãi thải. Than dùng cho các nhà máy nhiệt điện hiện có hàm lượng lưu huỳnh cao: Than Quảng Ninh từ 0,8 – 1,5%; than Khánh Hòa, Núi Hồng từ 3 – 4%; than Na Dương đến 8%. Để khử acid sulphuric trong khí thải cần sử dụng công nghệ đốt than tầng sôi tuần hoàn, dùng đá vôi để khử lưu huỳnh. Tro, xỉ thu hồi lẫn nhiều tạp chất, lượng MKN cao, lượng Triôxít (SO3), vôi tự do cao, muốn sử dụng phải qua tái chế, hiện phần lớn thải ra các bãi chứa chất thải rắn.

Các Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại II, Quảng Ninh I có lắp đặt hệ thống hấp thụ acid sulphuric theo công nghệ khử lưu huỳnh FGD để thu hồi thạch cao nhân tạo, nhưng do vận hành không liên tục, nên hiệu quả thu hồi thấp. Một số các nhà máy nhiệt điện đốt than khác đã và sẽ trang bị công nghệ khử lưu huỳnh bằng nước biển (sea water –FGD) như Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng. Theo ông Quách Đình Thành - Trưởng ban Quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân, hệ thống khử lưu huỳnh bằng nước biển của nhà máy là một bộ khử lưu huỳnh đồng bộ với 1 tháp hấp thụ cho 1 lò hơi, với công suất khử là 90%.

Xây dựng hệ thống chính sách lâu dài và hiệu quả

TS. Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng: Theo Quyết định 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2030, thì đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 36.000 MW, sẽ tiêu thụ khoảng 67,3 triệu tấn than. Với khối lượng đó, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt than đều lắp đặt hệ thống khử acid sulphuric theo công nghệ khử lưu huỳnh FGD đồng bộ, hiện đại, thì mỗi năm có thể thu hồi 4 - 5 triệu tấn thạch cao thương phẩm chất lượng tốt. Đây cũng được coi là nguồn nguyên liệu từ phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu xanh, thân thiện môi trường, làm phụ gia và làm nguyên liệu sản xuất vật liệu không nung, bê tông AAC.

Trên thế giới, việc thu hồi thạch cao thương phẩm, chất lượng cao, có thể dùng làm VLXD theo công nghệ FGD được tiến hành từ lâu: Mỹ thu hồi 7,5 triệu tấn/năm, Đức 2 triệu tấn/năm, Pháp, Nhật, Hàn Quốc 2 triệu tấn/năm… đồng thời, việc thu hồi tro bay, xỉ làm nguyên liệu để sản xuất VLXD cũng đã được giải quyết tốt.

Một ví dụ điển hình như tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng công nghệ FGD trong xử lý chất thải, ban hành luật tiết kiệm vật liệu và khuyến khích tái chế, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp tái chế, ưu đãi thuế thu nhập, hỗ trợ các dự án hợp tác và hội thảo quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật cho công nghệ mới... Nhờ đó, tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện trở thành nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất VLXD, thu hồi được bao nhiêu tiêu thụ hết, tiết kiệm hàng triệu m2 đất chôn lấp phế thải, tiết kiệm phí chôn lấp hàng chục triệu USD hằng năm. Thạch cao thu hồi chất lượng tốt làm phụ gia cho xi măng và làm tấm thạch cao, cung cấp trong nước không phải nhập khẩu và còn xuất khẩu ra các nước khác.

Trên thực tế, Việt Nam đã có những Nghị định quy định về xử lý chất thải, ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn…để khuyến khích các hoạt động tái chế. Theo TS. Trần Văn Huynh: Để thu hồi thạch cao nhân tạo, tro bay và xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đốt than, sử dụng trong sản xuất VLXD một cách hiệu quả, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ, có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành liên quan ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Quyết định 2149/2009/QĐ-TTg quy định về tái sử dụng, tái chế chất thải công nghiệp đối với các chất thải của các nhà máy nhiệt điện đốt than. Xây dựng hệ thống chính sách quốc gia lâu dài và hiệu quả; đồng thời, cần cụ thể hóa các chính sách quản lý chất thải, trong đó, ưu tiên đầu tư cho công nghệ tái chế chất thải, chính sách về khoa học - công nghệ tăng cường tuần hoàn và tái chế; chính sách về tiết kiệm tài nguyên; tuyên truyền, giáo dục tiết kiệm tài nguyên.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo về việc xử lý chất thải thu được từ hệ thống FGD của nhà máy nhiệt điện làm thạch cao: Bộ Xây dựng chủ trì, tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại công nghệ khử lưu huỳnh (FGD) ở các nhà máy nhiệt điện và trên thị trường, trên cơ sở đó phân tích tính hiệu quả kinh tế xã hội và đề xuất các giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tạp chí Điện lực