Tin trong nước

Thu ngân viên Điện lực: Lặng lẽ những hành trình

Thứ năm, 26/3/2009 | 13:15 GMT+7
Do đặc thù công việc, bước chân của những người thợ điện chúng tôi rảo khắp các thôn làng của tỉnh Gia Lai; nhờ vậy được chứng kiến sự thay da đổi thịt từng ngày ở các địa phương cơ sở; đặc biệt là những đổi thay về đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
 

Thu ngân viên về bản

Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp; sự chung sức chung lòng dựng xây của các ngành; sự đoàn kết, tích cực ủng hộ của các giai tầng xã hội, của mỗi người dân địa phương.  Trong niềm vui chung ấy, chúng tôi, CBCNV ngành điện-  một ngành kinh tế mũi nhọn- tự hào là đã góp phần vào quá trình CNH, HĐH tỉnh nhà.

Đến nay, 100% số xã của tỉnh Gia Lai đã có điện. Điện lực Gia Lai quản lý bán điện trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh với trên 230.000 khách hàng; công tác vận hành, sửa chữa lưới điện đảm bảo an toàn kỹ thuật, hạn chế tổn thất. Chỉ tính riêng trong năm 2008 doanh thu của đơn vị đạt 335,726 tỉ đồng. Điện lực Gia Lai tự hào là một trong các đơn vị đầu tiên của PC3 hoàn thành việc triển khai thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý bán điện trên toàn tỉnh.        

Để đảm bảo cho quá trình SXKD đạt hiệu quả, ngay sau khi hoàn thành tiếp nhận lưới điện nông thôn, Điện lực Gia Lai tập trung giải quyết những tồn tại, cải tạo nâng cấp lưới điện, thay thùng công tơ, thay thế các công tơ không đảm bảo chất lượng... nhằm đảm bảo phục vụ điện tốt nhất.

Có một công việc mà chúng ta chưa thật chú trọng nhưng lại là khâu cuối cùng quan trọng của một dây chuyền kinh doanh đó là công tác thu ngân. Kết quả của khâu công việc này là “thước đo” hiệu quả cả một dây chuyền SXKD điện năng. Đây là công việc vô cùng vất vả, khó khăn, đòi hỏi nhiều ở người cán bộ thu ngân sự nhẫn nại, kiên trì, khả năng tuyên truyền, thuyết phục tốt thì mới mong hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Gia Lai là tỉnh miền núi, địa hình trắc trở, giao thông đi lại khó khăn. Hiện tại đội ngũ thu ngân viên có 68 người (trong đó có 21 nữ), đảm đương công tác  thu tiền điện trên 230.000 khách hàng tại 215/215 xã, phường với 1.737/1.906 tổ, buôn, làng trên toàn tỉnh. Song, không phải đến một lần là thu được ngay, mà nhiều khi phải “năm lần, bảy lượt” cũng chưa thu được tiền điện. Đã vậy, có lúc vô lối hứng chịu sự bực dọc, phản đối của khách hàng khi thấy phiếu thanh toán quá cao, hoặc thắc mắc này nọ. Trong những trường hợp như thế cán bộ thu ngân phải khéo léo giải thích cho khách hiểu về những điều họ chưa rõ.

Vẫn biết, khách hàng không đóng tiền điện theo quy định thì tạm dừng cung cấp điện, nhưng chỉ khi vào thế “chẳng đặng đừng”; vì sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt,  sản xuất của người dân, hoạt động SXKD của đơn vị. Cũng có một số ít thu ngân viên vì lười đi lại, khả năng giải thích thuyết phục hạn chế đã báo đơn vị tạm dừng cấp điện khi chưa làm hết trách nhiệm nên ảnh hưởng đến ngành mang tiếng “độc quyền muốn làm gì thì làm”.

Có những khách hàng dùng điện vô tư không hề có ý thức tiết kiệm nhưng mỗi tháng khi nhân viên điện lực đến thu tiền điện thì thắc mắc, gây khó dễ, thậm chí xúc phạm đến nghề nghiệp. Tuy con số này không nhiều nhưng đâu đó vẫn cứ xảy ra. Thu ngân viên vô cùng khó xử, nhưng vì công việc phải mềm dẻo, kiên trì giải thích mọi thắc mắc của khách, mới mong công việc hiệu quả; ngược lại, nóng nảy thì chẳng giải quyết được gì.

Công việc thu ngân đối với khách hàng là người đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn hơn nhiều. Đường sá đi lại rất khó khăn, địa bàn rộng phức tạp, phần lớn người dân ở những vùng này không biết tiếng phổ thông. Để thu được tiền các thu ngân viên phải dậy từ 5 giờ sáng đến các điểm thu và 7-8 giờ tối mới về đến nhà. Vì lý do gì đó đến trễ một tí, coi như ngày hôm đó “công cốc”. Thế nhưng trên thực tế vì niềm say mê công việc, nhiều người đã tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất. Tâm sự với tôi, anh Lê Khánh Trung -thu ngân viên Chi nhánh điện Đức Cơ cho biết: Có những lúc trời mưa đường trơn trợt em phải gởi xe đi bộ hàng chục cây số mới tới điểm thu, khi đến nơi thì bà con đã đi làm nương, lại quay về. Muốn thu được tiền phải tìm hiểu đời sống, tập quán của bà con, lúc nào đi làm rẫy, lúc nào về, ai là người có uy tín trong thôn để vận động bà con nộp tiền... và nhiều lúc phải cùng ăn cùng ở với bà con.

Tôi hiểu để đạt mức thu 99%  khách hàng với anh Lê Khánh Trung là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi với niềm đam mê. Còn chị Trương Thị Đài bộc bạch: Nhiều khi để thu được đồng tiền của người dân chúng em đã khản cả giọng để tuyên truyền cho bà con hiểu về chủ trương chính sách, phải vận dụng hết khả năng dân vận. Đi lại khó khăn, tốn kém, chỉ mong hoàn thành nhiệm vụ và mong hưởng được sự đãi ngộ tương xứng.

Nghề nào cũng có những khó khăn riêng. Có thật sự tìm hiểu thì mới thấy hết vai trò của người thu ngân trong hoạt động kinh doanh điện năng; một công việc thầm lặng nhưng không kém phần vất vả; từ đó cảm thông, động viên chia sẻ với họ. Đồng thời, ngành điện cũng cần có những đãi ngộ tương xứng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, khả năng vận động quần chúng, đạo đức nghề nghiệp; bởi đây là đội ngũ trực tiếp làm công tác tuyên truyền với khách hàng, đóng góp có tính quyết định cuối cùng của một dây chuyền kinh doanh.

Theo PC3