Những công nhân thuỷ điện Đại Ninh sau một đêm không ngủ, nét mặt in dấu bơ phờ. Anh Nguyễn Văn Hiệu, người đầu tiên phát hiện vụ tai nạn nói khi đang đứng bên chiếc xe máy còn dính đầy máu sau nhiều chuyến chở người bị thương ra khỏi hiện trường: “Có đáng gì! Ai thấy như thế cũng phải làm giống chúng tôi thôi! Xót xa lắm”. Anh Hiệu là người đã cứu người phụ nữ Nga, nạn nhân duy nhất bò lên được miệng vực thăm thẳm tối 13/3.
Một công nhân khác của Công ty Thủy điện Đại Ninh, anh Nguyễn Chín cũng từ chối nói về mình nhưng đồng ý kể chuyện cho chúng tôi. Anh Chín cho biết: sau khi nhận cuộc gọi từ bộ đàm của anh Hiệu từ đỉnh đèo Lò Xo, anh lập tức huy động anh em đang trực tại nhà máy (chỉ khoảng 4 -5 người) dùng đèn pin lao ngay lên rừng tìm người bị nạn và đồng thời cử người gọi điện về cho Công ty đóng tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), cấp báo cho các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận. Một người trong ca trực chạy xuống khu vực dân cư cách xa gần 5 km nhờ giúp đỡ.
Nhóm đầu tiên vào rừng phải mang theo 5 đèn pin công suất lớn và hơn 100 mét ống nước làm dây tụt xuống khu vực tai nạn rồi phát tín hiệu cứu nạn. Nghe tiếng người, những nạn nhân còn sống đồng thanh kêu cứu nhưng phải hơn 20 phút sau khi xác định chính xác địa điểm các anh mới tiếp cận nạn nhân đầu tiên.
Anh Ngô Chiến Thắng, một trong những công nhân khác có mặt sớm nhất tại hiện trường kể lại: họ quá kinh hoàng vì tai nạn nhưng phải rất bình tĩnh để tiếp cận nhanh nhất những người còn sống, bằng cách lần theo tiếng rên, la. Hầu hết những công nhân tham gia cứu nạn đầu tiên đều phải cởi áo mặc cho các nạn nhân còn sống vì họ lạnh cóng, run và la hét rất dữ. Cán bộ y tế của nhà máy cũng được huy động, mang theo bông băng có mặt ngay trong rừng để sơ cứu người bị nạn. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, 14 nạn nhân còn sống đã được đưa ra khỏi rừng. Lúc này, khoảng 40 người khác cũng đã có mặt để cứu hộ nạn nhân.
Theo anh Nguyễn Chín, để đưa được 1 nạn nhân ra đến mặt đường, họ phải huy động tới 14 – 15 người chặt cây và khiêng người bị nạn.
Thượng úy Vũ Ngọc Thuận – một trong những cán bộ công an huyện Bắc Bình có mặt sớm nhất tại hiện trường, cho biết phải hết chương trình thời sự tối 13/3, công an Bắc Bình mới nhận được thông tin và khi lực lượng chức năng đến hiện trường thì hầu hết nạn nhân còn sống đã được cán bộ, nhân viên Công ty Thủy điện Đại Ninh đưa ra khỏi hiện trường.
Ngay sau đó, cũng chính những công nhân của Công ty đã nhanh chóng chuyển 17 nạn nhân lên 5 xe cấp cứu tạm thời do Công ty Thủy điện Đại Ninh điều tới theo yêu cầu của họ để đưa về Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cấp cứu.
Từ lúc họ phát hiện và trực tiếp cứu nạn đến lúc các nạn nhân được chuyển về Đức Trọng rồi được các cơ quan cứu hộ tỉnh Lâm Đồng chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh này chữa trị chỉ khoảng hơn 3 giờ với quãng đường gần 80 km. Đó là một nỗ lực tuyệt vời của những cán bộ, nhân viên Công ty Thủy điện Đại Ninh khi giành giật mạng sống cho những người bạn Nga từ vực thẳm./.
Thanh Mai