Cả thị xã là một công trường
Thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) những ngày trung tuần tháng 3 thật nhộn nhịp. Hàng trăm xe máy của các doanh nghiệp Trung ương, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ san ủi mặt bằng, đắp đất tôn cao nền khu TĐC và thi công cơ sở hạ tầng, cầu, cống... Đang mùa khô hanh, phương tiện cơ giới qua lại nhiều, nên không tránh khỏi hiện tượng khói bụi. Trừ khu TĐC Nậm Cản cơ bản hoàn thành san ủi mặt bằng, cấp đất làm nhà cho một số hộ dân và cơ quan Nhà nước; 4 khu TĐC còn lại là: Chi Luông, Đồi Cao, Cơ Khí và Lay Nưa ngày cũng như đêm, tiếng động cơ gầm rú, ồn ào.
Nhiều năm qua, chưa khi nào vùng đất ngã ba sông này tấp nập người và phương tiện đến thế. Điều đó cũng dễ hiểu, vì sau thời gian thành lập, kiện toàn, bổ sung cán bộ ban chỉ đạo, hội đồng bồi thường, ban quản lý dự án, tổ tuyên truyền TĐC từ thị xã xuống phường, tổ dân phố, bản, mọi khó khăn, vướng mắc về quy hoạch tổng thể, chi tiết; đo đất, kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc trên đất... cho bà con cơ bản được giải quyết. Trước mắt, người dân chuyển nhà tới nơi ở tạm, bàn giao mặt bằng cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ.
|
Một góc bản Nậm Cản sau khi tái định cư |
Sau khi nhận bàn giao mặt bằng, doanh nghiệp xây dựng Mạnh Quân đã đưa nhiều máy móc chuyên dụng đến bạt núi, tôn cao nền, san ủi mặt bằng khu TĐC Chi Luông. Bốn tháng qua, đội ngũ kỹ sư, công nhân doanh nghiệp tập trung thi công 3 ca/ngày, phấn đấu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30-4-2009. Từ khi trúng thầu, lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên có mặt tại công trường chỉ đạo, điều hành công nhân làm việc. Khối lượng đất đá đơn vị đã đào đắp được 600.000m3 (đạt 80%)… Hàng chục đầu xe tải, máy xúc, máy lu của doanh nghiệp xây dựng Phương Anh cũng đang chạy đua với thời gian. Trên sườn núi cao, những chiếc máy xúc đua nhau múc đất đổ lên ôtô. Rút kinh nghiệm hiện tượng sạt núi khu TĐC Nậm Cản đầu mùa mưa năm 2008, doanh nghiệp xây dựng Phương Anh đã hạ độ cao ngọn núi theo nhiều cấp độ, tạo mái ta-luy có độ dốc hợp lý. Doanh nghiệp chính thức san ủi mặt bằng khu TĐC Chi Luông từ ngày 10-1-2008. Với quyết tâm bàn giao mặt bằng trước hợp đồng một tháng, công nhân làm việc không kể ngày đêm.
Theo cam kết, 4 khu TĐC: Chi Luông, Đồi Cao, Cơ Khí và Lay Nưa sẽ được các nhà thầu bàn giao mặt bằng trước tháng 6-2009. Dự án xây dựng nhà máy nước sinh hoạt, bệnh viện đa khoa, đài Truyền thanh - truyền hình, mạng lưới cấp điện... sẽ hoàn thành trong năm 2009. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, cho biết: Cùng lúc thị xã có nhiều dự án được các nhà thầu tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Tùy theo tính phức tạp của từng dự án, UBND thị xã đã thuê các đơn vị tư vấn, giám sát có chuyên môn sâu từ Hà Nội phụ trách.
Vì bản mường no ấm
Cùng lúc thị xã phải thực hiện 2 nhiệm vụ TĐC Thủy điện Sơn La gắn với tái thiết đô thị, khối lượng công việc nhiều, do đó có những vấn đề phát sinh ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chủ quản. Đây là nguyên nhân dẫn tới tiến độ TĐC chậm, gây bức xúc trong một bộ phận nhân dân.
Khó khăn nhất của Dự án TĐC Thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay là khâu kiểm đếm, bồi thường đất, tài sản trên đất... cho bà con. Vì nhiều năm nay, công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bị bỏ ngỏ. Nhờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đến nay thị xã đã phê duyệt 34/50 phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC, tổng dự toán gần 235 tỉ đồng. Hộ nông nghiệp TĐC tại chỗ được cấp 300m2 đất; hộ phi nông nghiệp cấp 100m2 đất làm nhà. Mức hỗ trợ xây dựng nhà đối với hộ TĐC khá hợp lý nên được bà con đồng tình ủng hộ. Hộ một khẩu được hỗ trợ 15m2 sàn xây dựng, mỗi khẩu tăng thêm được hỗ trợ 5m2. Đơn giá bình quân 1m2 sàn xây dựng là 1,66 triệu đồng và cấp bằng tiền mặt. Tại khu TĐC Nậm Cản, bà con kiến thiết nhà cửa khang trang, hệ thống giao thông, điện sinh hoạt... ngày càng hoàn thiện. Vóc dáng một khu đô thị mới dần hiện hữu. Không lâu nữa, cuộc sống của bà con sẽ ổn định, kinh tế phát triển, bản mường no ấm, thanh bình.
Theo quy định của Nhà nước, hộ TĐC sẽ được hỗ trợ 20kg gạo/người/tháng trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, do tiến độ TĐC chậm, phương án cấp đất sản xuất nông nghiệp cho hộ nông nghiệp, đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề cho hộ phi nông nghiệp không như mong muốn, nên UBND thị xã đã kiến nghị Nhà nước tăng thời gian hỗ trợ lương thực. Hộ sở tại không bị thu hồi đất ở (không di chuyển chỗ ở), nhưng phải thu hồi đất sản xuất, tùy vào mức độ ảnh hưởng, thị xã có mức hỗ trợ lương thực thỏa đáng. Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động hưởng lương hằng tháng, đang sinh sống cùng gia đình được hỗ trợ một lần bằng tiền mặt là 500.000 đồng/người.
Ông Nguyễn Thành Phong, trăn trở: Điều đáng lo nhất hiện nay là có 87 hộ dân bản Na Nát, phường Na Lay đang sống tạm tại bãi bồi ven suối Nậm Lay. Dự báo của các nhà chuyên môn, thời tiết năm nay có thể diễn biến phức tạp. Nếu lũ tiểu mãn về sớm mà chưa di chuyển được toàn bộ những hộ dân sống tạm ven suối thì hậu quả thật khó lường. Do đó, UBND thị xã Mường Lay đôn đốc nhà thầu bằng mọi giá phải san ủi xong mặt bằng khu TĐC Chi Luông để di chuyển dân trước mùa mưa. Yêu cầu nhà thầu đổ đất theo lớp, đổ đến đâu, lu lèn bảo đảm độ kết dính ngay đến đó. Xây dựng thị xã trên nền đất mới, phía dưới là lòng hồ, phía trên là núi cao, nên phương án kè chắn sóng quanh hồ và kè chống sạt lở từ các triền núi cao cũng đã được tính đến. Tại một số gói thầu san ủi mặt bằng TĐC, nhà thầu tiến hành đồng thời hai phương án, vừa kè chắn sạt lở, vừa đổ đất làm nền, tạo thuận lợi trong quá trình thi công, chất lượng bảo đảm.