Tin mới nhất

Thủ tướng quyết định giá bán điện năm 2011

Thứ năm, 24/2/2011 | 08:47 GMT+7

•   Hộ nghèo được hỗ trợ 30.000 đồng/hộ/tháng cho 50 kWh/tháng

Trước năm 2009, giá điện được điều chỉnh không theo chu kỳ, trong vòng 12 năm từ 1997-2009 đã có 5 lần điều chỉnh giá điện với tổng lượng điều chính chỉ xấp xỉ 20% tùy theo từng loại giá (giá điện sinh hoạt bậc thang đầu tiên tăng từ 500đ/kWh năm 1977 lên 600đ/kWh năm 2009, giá điện sản xuất hạ áp bình thường tăng từ 810đ/kWh năm 1977 lên 955đ/kWh năm 2009). Trong 12 năm qua, giá điện luôn điều chỉnh chậm hơn so với biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá, nên giá điện Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp nhất, chỉ khoảng 5,2 cent/kWh (theo tỷ giá 19.500 VND/1USD), thấp nhất trong các nước Đông Nam Á và thấp hơn cả giá thành cho sản xuất kinh doanh điện với các yếu tố đầu vào theo giá thị trường. Giá điện thấp là nguyên nhân chính làm cho các dự án điện không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, dẫn đến tình trạng thiếu điện trong những năm qua.

Lựa chọn phương án có tỷ lệ tăng thấp nhất

Chiều 23/2/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 269/QĐ-TTg phê duyệt giá bán điện bình quân 1.242 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng từ 1/3/2011, tăng 165 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân thực hiện năm 2010.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương trên cơ sở giá bán điện bình quân quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định này và Biểu giá bán lẻ điện được phê duyệt tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ, tính toán và công bố giá bán điện chi tiết cho các đối tượng khách hàng và hướng dẫn thực hiện. Riêng giá điện cho bậc thang đầu tiên của năm 2011 có giá ở mức tương đương 80% giá bán điện bình quân được duyệt do năm 2011, ngành điện vẫn còn lỗ. Bộ Công Thương hoàn chỉnh Quy định về phương pháp lập, trình tự thủ tục thẩm định và ban hành giá bán điện theo cơ chế thị trường, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2011. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi thực hiện giá điện năm 2011, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến sản xuất và đời sống, chủ động thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định giá điện; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ vào mức giá bán điện được duyệt, xây dựng phương án bảo đảm cân đối tài chính cho ngành điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ Tài chính phê duyệt giá bán than cho sản xuất điện năm 2011 theo phương án giá điện tương ứng với giá bán điện bình quân được phê duyệt tại khoản 1 Điều 1 Quyết định này.

Để đánh giá được một cách toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến giá điện nhằm lựa chọn được phương án giá điện hợp lý nhất cho năm 2011, nên ngoài phương án  1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị, Bộ Công Thương đề xuất để xem xét thêm 2 phương án là: Giảm thiểu các chi phí và lợi nhuận để có tỷ lệ tăng giá điện năm 2011 ở mức hợp lý và thực tế nhất; tính toán các chi phí ở mức để giá điện năm 2011 tiệm cận gần nhất giá thị trường.

Sau khi xem xét 3 phương án điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương và ý kiến của các Bộ ngành liên quan, Thường trực Chính phủ chọn phương án 2 là giảm thiểu các chi phí và lợi nhuận để có tỷ lệ tăng giá ở mức hợp lý.

Theo Đề án giá điện 2011, sản lượng điện thương phẩm được sử dụng trong tính toán là 98,83 tỷ kWh, tăng 15,7% so với thực hiện năm 2010, trong đó, thủy điện chiếm 30,4%; nhiệt điện than 21,4%; nhiệt điện khí 37,8%; nhiệt điện dầu DO, FO 4,1%; điện nhập khẩu từ Trung Quốc 4,0%; các nguồn điện nhỏ dưới 30MW chiếm 2,4%; phân bổ 240 tỷ đồng của chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2010 trở về trước vào giá điện năm 2011.

Trong phương án 2 còn bổ sung các điều chỉnh sau: Giá than bán cho sản xuất điện năm 2011 không tăng, lấy bằng giá than năm 2010; tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước của các khâu phát điện, truyền tải, phân phối chỉ lấy ở mức tối thiểu là 1%; chưa phân bổ khoản chi phí tăng thêm do phát điện giá cao của năm 2010 vào giá điện 2011; chưa phân bổ chi phí mua điện của Nhà máy nhiệt điện Cà Mau năm 2008-2009 vào giá điện 2011; chưa tăng giá điện các nhà máy thủy điện Hòa Bình và Trị An để trích khấu hao sau khi xác định lại giá trị tài sản; chưa áp dụng thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện năm 2011. Theo Phương án này, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.271 đồng/kWh, tăng 18,03% so với giá bán điện bình quân thực hiện năm 2010.

Giá bán điện bình quân của Phương án 2 tăng 18,03% với điều kiện tỉ giá USD là 19.500 VND.

Nhưng việc lựa chọn Phương án 2 với tỷ giá USD do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 20.900 VND hiện nay thì giá bán điện bình quân chỉ còn 15,28%.

Với giá bán điện bình quân tăng ở mức 15,28% thì năm 2011 EVN tiếp tục chịu lỗ thêm một khoản là 3.366 tỷ đồng (chưa kể 671 tỷ đồng EVN sẽ chuyển sang Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo) đưa tổng mức nợ treo lại sau khi tăng giá điện là 41.851 tỷ đồng, trong đó: Chi phí vận hành bảo dưỡng và chi phí công suất của Nhà máy điện Cà Mau các năm 2008-2009 là 720 tỷ đồng; chi phí tăng thêm do phát điện giá cao năm 2010 là 8.596 tỷ đồng; phân bổ chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ 2010 về trước là 1.282 tỷ đồng; phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện 738 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá của tổng dự nợ ngoại tệ đến ngày 11-2-2011 là 25.508 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá  của là 3.366 tỷ đồng; tổng chi phí lãi vay cho vay vốn lưu động mua dầu phát điện mùa khô 2011 là 970 tỷ đồng.

Không ảnh hưởng nhiều tới đời sống và sản xuất

Với giá điện tăng mới, thì tổng số tiền điện tăng thêm do tăng giá điện khoảng 19.000 tỷ đồng, bằng 0,87% GDP dự kiến năm 2011. Tăng giá điện là tăng trực tiếp CPI khoảng 0,54%-0,72%; tổng số tiền điện tăng thêm đối với các ngành sản xuất khoảng 9.600 tỷ, làm giá thành các ngành sản xuất tăng từ 0,02-9,03%. Trong đó, tác động của tăng giá điện đến khối hành chính sự nghiệp là không lớn, khoảng 832 tỷ đồng, bằng 0,8% tổng chi tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước năm 2011.

Đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo có mức tiêu thụ điện 50kWh/tháng trở xuống, tiền điện phải trả không tăng; hộ có thu nhập trung bình có mức tiêu thụ điện 100kWh/tháng trở xuống, tiền điện tăng thêm do tăng giá điện khoảng 21.400 đồng/tháng. Đối với hộ thu nhập khá có mức tiêu thụ điện hàng tháng đến 200kWh/tháng có tiền điện phải trả tăng thêm tối đa là 55.700 đồng/tháng, chiếm khoảng 1,39% thu nhập. Đối với hộ thu nhập cao với lượng điện tiêu thụ đến 400 kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 97.000- 140.000 đồng/tháng.

Giá bán điện được áp dụng biểu giá điện bậc thang cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 7 bậc, với bậc thang đầu tiên từ 0-50kWh, có mức giá tương đương giá bán điện bình quân năm, giá bán điện cho các bậc thang tiếp theo tăng dần để khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện và bù giá cho người nghèo.

Các hộ sử dụng điện thuộc diện hộ  nghèo theo tiêu chí của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ được bù giá 30.000 đồng/tháng/hộ cho 50kWh/tháng. Tiền bù giá điện cho các hộ nghèo được lấy từ tiền bán điện. Việc chi trả tiền bù giá điện tới các hộ sử dụng điện trong danh sách họ nghèo hàng năm do các đơn vị thực hiện chính sách xã hội chịu trách nhiệm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Sẽ tiến hành thí điểm áp dụng giá điện trả trước sử dụng thẻ cho nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn (sinh viên, người thuê nhà).

Khung giá cho điện sinh hoạt tại các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia gồm giá trần và gía sàn, trong đó giá sàn bằng 1,5 lần giá bán điện bình quân cơ sở năm, giá trần bằng 2,5 lần giá bán điện bình quân năm./

Thanh Mai