Tiết kiệm điện

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Hiện thực hoá cam kết Net Zero

Thứ tư, 16/11/2022 | 16:42 GMT+7
Xác định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần quan trọng trong đảm bảo nguồn cung năng lượng cũng như giảm phát thải ra môi trường, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Quyết định số 280/QĐ-TTg) nhấn mạnh vai trò của các đối tượng sử dụng năng lượng trọng điểm. 

Ảnh minh họa.
 
Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đặt ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019-2030, tương đương việc tiết kiệm 60 – 80 triệu tấn dầu quy đổi. Các mục tiêu cụ thể nhằm đạt mức giảm tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng từ 6,8% lên tới 24,81% theo ngành/phân ngành. Đây là mục tiêu khá tham vọng, mặc dù tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp có thể đạt từ 20 - 30%, nhưng để tiềm năng trở thành hiện thực đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ.
 
Chương trình cũng đã đưa ra 09 nhóm giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó, nhóm giải pháp về tài chính được coi là “chìa khoá” thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp giai đoạn 2019 - 2030. 
 
Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, "giai đoạn 2019 - 2030, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hỗ trợ cho hoạt động tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng. Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi hỗ trợ hình thành các công ty dịch vụ tư vấn về tiết kiệm năng lượng, cung cấp những gói tài chính, làm việc với ngân hàng để họ hiểu về hoạt động cho vay trong việc đầu tư, nâng cấp, cải tiến về sử dụng năng lượng. Hiện nay các nhà tài trợ cũng tiếp tục nhận thấy Việt Nam chúng ta có tiềm năng và thấy được các hoạt động chúng ta làm tốt thì cũng đã tiếp tục hỗ trợ rất nhiều như nguồn tài trợ từ Chương trình Việt Nam- Đan Mạch về sử dụng tiết kiệm hiệu quả 2020 - 2025; Ngoài ra còn một số chương trình khác như: Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam giai đoạn II do USAID tài trợ; Dự án thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp do Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA), hay hợp tác với đối tác GIZ của Đức để tài trợ hỗ trợ truyền thông, đào tạo, đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng. Và gần đây thì World Bank tiếp tục hỗ trợ cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư thông qua ngân hàng thương mại. Mới đây, chúng ta cũng đã ký với EU về Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU khoảng trên 100 triệu euro viện trợ không hoàn lại, trong đó 50 triệu euro dự kiến sẽ hòa ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả".
 
Tại Hội nghị “Tổng kết Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức vào cuối tháng 10/2022, ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050 (theo như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - COP 26), Việt Nam cần tích hợp ở mức cao các nguồn năng lượng tái tạo và đặc biệt phải thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, nhất là đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam.
 
"Ở Việt Nam, theo tôi chúng ta cần phải tiếp cận từ nhiều phía kể cả về phía cung và cầu của thị trường năng lượng, tức là Nhà nước cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và người dân tuân thủ thực hiện tiết kiệm năng lượng. Đồng thời cũng phải có cơ chế khuyến khích, ưu đãi hoặc thưởng cho doanh nghiệp đầu tư vào những giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra cũng cần đầu tư hơn nữa về nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý cấp địa phương về quản lý năng lượng cũng như là kiểm toán năng lượng đánh giá công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, phải nhanh chóng xây dựng một hệ thống giám sát (MRV) từ doanh nghiệp đến trung ương. Hệ thống này không những giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước giám sát về tình hình tiêu thụ năng lượng mà còn là công cụ để chúng ta phát triển sau này phát triển thị trường mua bán phát thải carbon".
 
Là tập đoàn kinh tế của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và đời sống, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặc biệt quan tâm tới công tác tiết kiệm điện và là đơn vị đi đầu trong việc hiện thực hoá chủ trương của Đảng và triển khai các chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả do cơ quan quản lý nhà nước ban hành.
 
Chương trình "Tháng tri ân khách của EVN năm 2022" diễn ra trong tháng 12 năm 2022 với nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, EVN tập trung cao vào việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Đồng thời, triển khai các chương trình hỗ trợ, kiểm tra miễn phí về hệ thống điện để đảm bảo sử dụng an toàn, hiệu quả; tăng cường hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cho các khách hàng đang sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh; Miễn phí lắp đặt công tơ, vệ sinh trạm biến áp cho các doanh nghiệp…
 
Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, trong lĩnh vực công nghiệp trọng điểm nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện gắn với tăng sức cạch tranh của doanh nghiệp, giảm áp lực đầu tư vào nguồn điện cũng như giá điện.
 
"Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả phải là một giải pháp tổng thể chứ không phải là giải pháp của riêng một ngành nào. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp thì những công nghệ lạc hậu, những sản phẩm mà tiêu tốn nhiều năng lượng, chúng ta phải có lộ trình loại bỏ, lúc đó nền kinh tế của chúng ta mới phát triển được một cách bền vững hơn và xanh hơn. Trong bối cảnh mà ngành năng lượng trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang phải đối mặt nhất là xu hướng phi carbon hóa các nhà máy điện, hoặc là xu hướng chuyển đổi số trong các hệ thống điện của các nước, chúng ta phải tạo dựng thêm một hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp mà chúng tôi gọi là các công ty dịch vụ năng lượng, họ sẽ sử dụng năng lượng dưới nhiều dạng khác nhau và cung cấp các dịch vụ năng lượng dưới các dạng khác nhau để hỗ trợ cho hệ thống điện, hỗ trợ cho ngành năng lượng trong thời gian tới".
 
Hiện nay, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được sửa đổi. Thực tế sau hơn 10 năm thực hiện cho thấy nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về việc sử dụng TKNL vẫn còn nhiều hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, do vậy, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị, Nhà nước cần sớm quy định về lộ trình chuyển đổi các cơ chế về sử dụng năng lượng từ “tự nguyện” sang “bắt buộc”.
 
Đồng tình quan điểm này, các chuyên gia cũng cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay, bởi đây là khu vực còn nhiều dư địa, cũng chính là đối tượng có khả năng hiện thực hoá tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam.
 
Nguyên Long