Tuy nhiên, hiện nay phân bố nguồn điện giữa các vùng miền chưa được cân đối. Khu vực miền Nam phụ tải điện chiếm tỷ trọng khoảng 50% sản lượng điện toàn quốc, mức tiêu thụ có mức tăng trưởng cao, nhưng luôn phải nhận lượng công suất và sản lượng điện lớn từ miền Bắc và miền Trung. Vì vậy, hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam luôn phải vận hành trong tình trạng căng thẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn cung cấp điện của toàn hệ thống. Theo kế hoạch, cần bổ sung từ 1.500 - 2.000 MW công suất nguồn điện mới cho miền Nam. Nhưng do nhiều dự án ở khu vực miền Nam đang bị chậm tiến độ, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2015-2020 ở khu vực này.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VII mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đánh giá, cân đối lại hệ thống điện quốc gia, từ đó đề xuất Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch điện VII theo đúng với dự báo tốc độ phát triển kinh tế xã hội từng giai đoạn 2015-2020 có xét tới 2030.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống điện, bao gồm cả dự án nguồn và lưới điện tại khu vực phía Nam, đảm bảo từ năm 2019, miền Nam có thể tự cân đối được sản lượng nội miền. Chính phủ yêu cầu các Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), Than - Khoáng sản VN (TKV) bảo đảm cung cấp đủ khí và than cho các dự án nguồn điện cấp bách. Chính phủ cũng yêu cầu, các bộ ngành liên quan ưu tiên nguồn vốn cho các dự án điện trong Quy hoạch điện VII.
Gỡ khó khăn về vốn
Để thực hiện Quy hoạch Điện VII, đến năm 2020 ngành Điện cần khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư (tương đương với 48,8 tỷ USD, trung bình khoảng 4,88 tỷ USD/năm). Trong đó, sẽ dành trên 619,3 nghìn tỷ đồng đầu tư vào nguồn điện (chiếm 66,6%), 210,4 nghìn tỷ đồng đầu tư lưới điện (chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư).
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cho 3 tập đoàn kinh tế lớn nhà nước là EVN, PVN và TKV chịu trách nhiệm chính, đảm bảo các nguồn điện trong Quy hoạch, đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư theo hình thức IPP (nguồn độc lập), BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) và BOO (đầu tư - khai thác - sở hữu) phát triển hạ tầng điện trong quy hoạch điện ở Việt Nam.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri, hiện nay, vốn đầu tư cho các dự án điện đang còn khó khăn. Nhu cầu vốn cần thu xếp rất lớn, trong khi nguồn tài chính trong nước có hạn. Với các dự án BOT, IPP, hiện cũng chưa nhiều nhà đầu tư.
Các chuyên gia năng lượng cho rằng, từ nay đến năm 2020 chỉ còn 7 năm, để đạt được mục tiêu phát triển nguồn và lưới điện trong QHĐ VII, rất cần sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương, trong việc giải quyết những khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng cho các dự án điện. Có như vậy, Quy hoạch điện VII mới có thể thực hiện thành công, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
TS. Phạm Khánh Toàn – Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương): Giá bán điện phải đảm bảo đủ bù đắp chi phí và tái đầu tư
Để triển khai thực hiện QHĐ VII, đảm bảo có đủ điện cho nền kinh tế trong những năm tới, vấn đề quan trọng và khó khăn nhất là triển khai đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, thúc đẩy các dự án nguồn và lưới điện, nhất là các nguồn điện khu vực miền Nam, đảm bảo cung cấp than và khí đốt cho sản xuất điện, đồng thời có chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư xây dựng các nguồn dùng năng lượng tái tạo (điện gió, điện sinh khối...) giảm bớt lượng khí thải, giảm bớt sử nguồn nhiên liệu hoá thạch (đang trong quá trình suy giảm).
Theo tôi, các phương tiện thông tin đại chúng cần tuyên truyền cho người dân và các doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đồng thời Nhà nước cần xem xét lộ trình tăng giá bán điện một cách hợp lý để đảm bảo bù đắp chi phí và tái đầu tư phát triển ngành Điện. |