|
Mô hình lò phản ứng hạt nhân phiên bản AES-92 |
Nhằm tạo điều kiện cho phía Việt Nam có cơ hội lựa chọn được công nghệ tốt nhất, an toàn và hiệu quả nhất để chuẩn bị cho giai đoạn thiết kế kỹ thuật và các công trình phụ trợ phục vụ thi công dự án, Việt Nam và Nga đã tổ chức một số hội thảo giới thiệu về công nghệ điện hạt nhân VVER thế hệ 3+ với các phiên bản khác nhau. Trong đó, công nghệ ĐHN VVER phiên bản AES-92 và AES-2006 là một trong những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới được Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) giới thiệu tại Hội thảo về công nghệ hạt nhân do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 22/10 vừa qua. Theo đó, vấn đề an tòan ĐHN ở Việt Nam tập trung vào 3 nội dung chính: đánh giá tác động môi trường; quản lý môi trường (bức xạ và phi bức xạ) trong xây dựng và vận hành; quan trắc phóng xạ môi trường và văn hóa an toàn. Bằng cách thiết lập và duy trì các biện pháp hữu hiệu nhất, việc vận hành an toàn nhà máy ĐHN luôn được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo cho mỗi cá nhân, môi trường và toàn xã hội không bị nguy cơ phóng xạ từ nhà máy ĐHN.
Trước đó, ngày 25/4/2013, Việt Nam và Nga đã tổ chức thành công hội thảo giới thiệu về công nghệ VVER phiên bản AES-91 để giới thiệu về công nghệ, chu trình nhiên liệu và mức độ đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam về tính hiện đại, kiểm chứng, an toàn và hiệu quả kinh tế. Việc giới thiệu công nghệ lò phản ứng hạt nhân phiên bản AES-92 và AES-2006 lần này sẽ giúp Việt Nam có thể sớm định hướng lựa chọn công nghệ phù hợp cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, chuẩn bị cho giai đoạn thiết kế kỹ thuật và các công trình phụ trợ phục vụ thi công dự án.
Tham tán Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam Sergey Tanakov khẳng định: Nga sẵn sàng hỗ trợ thiết kế và cung cấp đầy đủ công nghệ sử dụng cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 hiện đại và đảm bảo an toàn. Theo đó, công nghệ lò phản ứng hạt nhân VVER phiên bản AES-92 an toàn hiện đại phù hợp tiêu chuẩn quốc tế bởi 1 số ưu điểm đặc biệt phối hợp giữa hệ thống an toàn chủ động và thụ động. Nhà lò có 2 lớp bê tông, mỗi lớp dày 1,2-1,5 m, khoảng trống giữa 2 lớp là 2,2m; phía trong của lớp trong cùng có lớp thép có tác dụng giữ áp suất âm trong nhà lò để giảm phóng thích phóng xạ ra ngoài. Có 2 hệ thống cấp nước sự cố và hệ thống lấy nhiệt thụ động đảm bảo làm mát vùng hoạt 24 giờ nếu nhà máy bị mất điện hoàn toàn. Có 2 hệ thống dập lò nhanh bằng axit boron (lò AES- 91 có 1 hệ). Tăng số thanh điều khiển lên 121 thanh (lò AES- 91 có 61 thanh). Có hệ thống tái hợp hydrogen để tránh sự cố nổ do hydrogen. Có hệ thống hứng nhiên liệu nóng chảy trong trường hợp bị thủng thùng lò.
Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam (Chennai, Ấn Độ) sử dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân VVER phiên bản AES-92
Cũng theo ông Sergei Tanakov, phiên bản AES-2006 có các điều kiện kỹ thuật về cơ bản như phiên bản AES-92 nhưng đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế cao hơn. Hiện nay, phiên bản AES-92 đã hoàn thành lắp đặt ở Ấn Độ, đang chạy thử cho kết quả rất khả quan, phiên bản AES-2006 đang được xây dựng ở Nga.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang: hợp tác năng lượng nói chung và điện hạt nhân giữa Việt Nam và LB Nga thời gian qua đã đạt được sự đồng thuận và nhất trí cao từ Chính phủ tới các bộ ngành, từ công tác phối hợp đào tạo nhân lực đến việc xây dựng thiết kế kỹ thuật cho nhà máy ĐHN. Nội dung hợp tác sẽ được đàm phán chi tiết tại chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Nga Putin đến Việt Nam vào tháng 11 sắp tới.