Sự kiện

Xử lý dự án thủy điện nhỏ kém hiệu quả: Cần chế tài đủ mạnh

Thứ năm, 24/10/2013 | 13:47 GMT+7
Tính đến tháng 9/2013, đã có 424 dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch; không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Các dự án bị đưa ra khỏi quy hoạch chủ yếu là thủy điện nhỏ (TĐN) với 2 lý do chính: Hiệu quả đầu tư thấp, không có nhà đầu tư quan tâm và có tác động xấu đến môi trường và KT-XH.
 



Một nhà máy thủy điện nhỏ ở huyện Sapa, Lào Cai. Ảnh: Ngọc Hà

Theo quy định, những dự án thủy điện nhỏ công suất dưới 30 MW sẽ do địa phương cấp phép và quản lý. Vì vậy, những năm qua nhiều địa phương đã cấp phép tràn lan dẫn đến TĐN được dịp “trăm hoa đua nở”. Bằng chứng là cả nước có tới  1.239 dự án thủy điện đã được quy hoạch, trong đó TĐN chiếm đến 90% nhưng chỉ đóng góp 26% công suất. Tình trạng phát triển "nóng" và xây dựng thiếu quy hoạch thống nhất đã dẫn đến hậu quả hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên đất, rừng đầu nguồn, khoáng sản, đa dạng sinh học và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, mặc dù công tác quản lý an toàn đập nói chung và thủy điện nói riêng đã được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là đối với thủy điện vừa và nhỏ. Hiện có gần 55%  chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão, 30% số đập chưa được kiểm định, 66% số đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của hệ thống quan trắc tại một số công trình thủy điện còn  rất thấp; Việc xây dựng phương án phòng, chống lụt bão cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập ít được quan tâm. Chưa kể, khi vận hành hồ chứa, do chưa thực hiện đầy đủ quy trình nên nhiều công trình thủy điện đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, chưa kể những thiệt hại khác như phá rừng để lấy đất phục vụ tái định cư, làm nương rẫy mới, lâm sản bị tận thu, tình trạng biến đổi dòng chảy, lũ lụt đe dọa, động thực vật hoang dã bị tận diệt.

Đặc biệt,  việc quản lý chất lượng công trình hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát ở một số dự án có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, việc xử lý sai phạm chưa được quy định cụ thể. Công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ cũng chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập như chưa đồng bộ, chưa có chế tài đủ mạnh để buộc các chủ đập phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn đập. Hậu quả là mấy năm gần đây liên tiếp xảy ra sự cố, vỡ đập, mất an toàn, kém hiệu quả, tàn phá môi trường,... mỗi khi mưa bão thường kèm theo lở đất và lũ quét.

Dù muộn còn hơn không, việc loại bỏ hàng loạt dự án thủy điện không hiệu quả hoặc có nguy cơ mất an toàn là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc đã xây rồi lại bỏ không chỉ làm tốn kém tiền của, công sức của DN mà còn gây hậu quả khôn lường về các vấn đề môi trường, xã hội. Vì vậy, cần có giải pháp đủ mạnh để làm rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm cụ thể (kể cả đơn vị cấp phép) để hạn chế lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Ở tầm vĩ mô, cần phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định để từ đó có cơ sở tính toán cẩn trọng hơn mỗi khi muốn triển khai xây dựng thêm các công trình thủy điện.

Theo các chuyên gia, rất nhiều công trình TĐN còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do một số chủ đập chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý an toàn đập. Thế nhưng chưa có vụ nào được mổ xẻ nguyên nhân thấu đáo, nghiêm túc để thực sự thay đổi và xử lý tới nơi, tới chốn.
 
Ngọc Loan