Công tác trong ngành Điện đã gần 10 năm, cũng chừng đó tời gian anh Hồ Văn Hải, công nhân Điện lực Đông Hải, Công ty Điện lực Bạc Liêu thường xuyên được điều động đi ứng cứu, xử lý sự cố. Với anh, chuyến đi nào cũng rất khẩn trương. Gặp chúng tôi khi vừa hoàn tất công tác khắc phục sự cố lưới điện tại ấp Hòa I, xã Long Điền, huyện Đông Hải, quệt vội mồi hôi trên trán, anh cho biết: “Sau 1 ngày đêm miệt mài thi công sửa chữa, ánh điện đã bừng sáng trở lại trong từng ngôi nhà trước sự vui mừng của người dân, tuy mệt nhưng chúng tôi rất vui”. Bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi, lem lấm bùn lầy, gương mặt sạm đen, mệt mỏi vì thiếu ngủ đã nói lên những vất vả mà anh vừa trải qua.
Theo anh Hải, bình thường thì công việc của anh em Điện lực cũng không có gì phức tạp, chỉ bận rộn nhất vào những khi sự cố xảy ra. Vì mất điện sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt và sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Như cơn bão số 8 vừa qua làm ảnh hưởng đến tỉnh Bạc Liêu, anh em được điều động đi khắc phục sự cố, khôi phục lưới điện tại xã Long Điền. Lốc xoáy đã làm ngã gãy một số trụ trung thế bê tông ly tâm 12m, đứt dây trung thế, làm bể sứ, cong và gãy ty sứ, topin… gây mất điện trên diện rộng. Nhận được lệnh, hơn 10 anh em chúng tôi đi ngay trong đêm giông bão. Trời mưa như trút nước, đường đi lầy lội, trơn trượt. Xe ô tô chỉ có thể đậu ở ngoài đường chính, còn anh em thợ điện thì phải cuốc bộ hơn 1km mới tới điểm cần sửa chữa. Chúng tôi phải khuân vác toàn bộ vật tư, thiết bị phục vụ công tác đến tận công trình. Ngặt nghèo hơn nữa, tất cả các trụ điện bị ngã gãy đều nằm dưới ao tôm ngập nước, điều kiện trục vớt, di chuyển khó khăn nhưng anh em thợ điện không ai bảo ai, bắt đầu công việc của mình ngay lập tức, liên tục ngâm mình dưới nước ao lạnh buốt, khẩn trương khắc phục sự cố với quyết tâm tái lập điện sớm nhất cho người dân.
Công nhân Điện lực Bạc Liêu thực hiện bảo trì lưới điện. Ảnh: TT
Quả thật công việc của những người thợ điện này vô cùng vất vả, mà cũng không kém phần nguy hiểm. Phải tận mắt nhìn họ kéo những trụ điện nặng gần cả tấn, hay treo mình lơ lửng trên những cột điện cao từ 20-30m bất chấp điều kiện thời tiết, dù nắng gắt giữa trưa hay mưa giông gió giật, lạnh thấu xương… mới thấy họ gian nan đến mức nào và thầm cảm phục lòng yêu nghề của họ… Ngoài sức bền và sự chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt, người thợ điện cũng cần phải có một “tinh thần thép” và sự can đảm, khéo léo, để có thể xử lý nhanh nhạy các tình huống xảy ra khi sửa chữa ở trên cao. Những thao tác dưới đất có thể giản đơn, nhưng ở trên lưới điện, tư thế làm việc không thuận lợi, đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn mới có thể thực hiện công việc tốt được. Song song đó họ cũng có tính kỷ luật rất cao vì công việc luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập... nếu chỉ một chút lơ là, bất cẩn, chủ quan, không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng.
“Công việc của người thợ điện khó khăn, vất vả là vậy, nếu không có sự đam mê nghề nghiệp thì cũng khó gắn bó lâu dài được với nghề. Đối với anh em thợ chúng tôi dường như nghề nghiệp đã “ăn vào máu” nên lâu không được trèo trụ lại thấy nhớ” – anh Hải hóm hỉnh nói.
Anh Lê Trường Vũ – công nhân Điện lực Duyên hải, PC Trà Vinh cho biết, công việc xử lý sự cố nhiều khi như có “con mọn”, lúc nào cũng phải thường trực, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng. Khi xảy ra sự cố, phải có mặt nhanh nhất để kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời, hạn chế thời gian ngừng cung cấp điện. Vất vả nhất là đi sửa chữa sự cố ở những khu vực vùng sâu, vùng xa. Đường đi khó khăn, lại phải mang vác, vận chuyển thiết bị. Nếu không có sức khoẻ dẻo dai và chịu cực thì khó lòng mà tham gia được. Thế nhưng bù lại tình cảm yêu mến của người dân dành cho thợ điện cũng là nguồn động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn. Chứng kiến những nỗ lực xử lý sự cố của anh em công nhân Điện lực, nhiều bà con đã nhiệt tình hỗ trợ. Người thì giúp khuân vác vật tư, chở đất đá, người thì chặt cây, tiếp tế đồ ăn thức uống… Công việc vì thế mà diễn ra nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn. Anh em cảm thấy ấm áp, vui vẻ, quên hết mệt nhọc.
Dù vất vả, nguy hiểm nhưng đối với những người thợ điện xử lý sự cố như anh Hải, anh Vũ… dường như đó là công việc rất đỗi bình thường như bao công việc khác. Có lẽ động lực để họ gắn bó với nghề, vượt qua khó khăn chính là tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng với quyết tâm giữ dòng điện ổn định, thông suốt cho nhân dân. Đó chính là nhiềm vinh dự, tự hào của họ.