Sự kiện

Thủy điện Lai Châu: Công trình Thủy điện lớn thứ 3 cả nước

Thứ tư, 11/11/2009 | 10:16 GMT+7

Sau nhiều năm nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, được các chuyên gia đầu ngành về thủy điện, các cơ quan hữu quan của Chính phủ, Quốc hội thẩm định cho ý kiến, đến thời điểm hiện tại, Báo cáo đầu tư xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu do EVN thực hiện đã hoàn tất để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII (diễn ra từ 20/10 và kết thúc vào cuối tháng 11/2009).

Tiến hành khảo sát  thực địa tại nơi dự kiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu  

Cung cấp 4,7 tỷ kWh mỗi năm

Nói về hiệu quả kinh tế của dự án, Ông Vũ Văn Tùng – Phó Phòng Chuẩn bị xây dựng Thủy điện Lai Châu (thuộc Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La) cho biết:  Quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đà gồm 3 bậc thang: Thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu. Trong đó, Thủy điện Lai Châu (TĐLC) là bậc thang trên cùng, được xây dựng trên dòng chính của dòng sông Đà.

Sau nhiều năm nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, Báo cáo đầu tư xây dựng công trình TĐLC đã được EVN hoàn tất. Theo Báo cáo này, TĐLC dự kiến sẽ được xây  dựng tại tuyến Nậm Nhùn trên sông Đà, thuộc xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Với công suất thiết kế 1.200 MW, khi đi vào vận hành, TĐLC sẽ trở thành công trình thủy điện lớn thứ 3 trên cả nước với sản lượng điện trung bình 4,7 tỷ kWh/ năm. Mặc dù cùng nằm trên một dòng sông, nhưng TĐLC không phải thực hiện nhiệm vụ chống lũ cho hạ du. Bởi dung tích phòng lũ trên sông Đà được quy định là 7 tỷ m3, trong đó, phân bố lũ cho hồ chứa Thủy điện Hòa Bình là 3 tỷ m3 và hồ chứa Thủy điện Sơn La là 4 tỷ m3. Vì vậy, nhiệm vụ chủ yếu của TĐLC là cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia, tăng cường năng lực phát điện cho TĐ Sơn La và Hòa Bình (khoảng 53 triệu kWh /năm).

Là một công trình quy mô lớn, TĐLC có vị trí quan trọng trong cơ cấu nguồn thủy điện thuộc Quy hoạch điện VI giai đoạn 2006 – 2015 có xét đến triển vọng năm 2025. Dự án TĐLC sẽ góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện cho tiến trình CNH, HĐH đất nước nói chung và vùng Tây Bắc Tổ quốc (cùng với TĐ Hòa Bình và Sơn La) nói riêng. Việc xây dựng TĐLC sẽ là cơ sở để hình thành hệ thống giao thông thủy, bộ thuận lợi liên kết các huyện, tỉnh; phát triển kinh tế thủy sản; du lịch; cải thiện khí hậu và thổ nhưỡng trong vùng dự án. Theo tính toán, hồ chứa TĐLC sẽ nằm trọn vẹn trong khu vực huyện Mường Tè, do đó sẽ rất thuận tiện cho công tác di dân, tái định cư và hạn chế tối đa tác động đến môi sinh, môi trường của dự án.

Độ an toàn cao và hạn chế tác động môi trường

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh việc mang lại giá trị kinh tế, xã hội thì với vị trí là một dự án thủy điện lớn, việc xây đập, khai thác lòng sông của công trình TĐLC cũng tạo nên những tác động về đất canh tác, rừng và dân cư. Theo số liệu điều tra tháng 12/2008 của Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, có 9 xã (30 bản) với 1331 hộ/5867 khẩu thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu sẽ nằm trong vùng lòng hồ và mặt bằng công trình TĐ Lai Châu. Gồm các xã: Nậm Hàng, Nậm Manh, Mường Mô, Can Hồ, thị trấn Mường Tè, Bum Tở, Nậm Khao, Mù Cả và xã Mường Tè. Diện tích đất bị thu hồi để thực hiện dự án TĐLC dự kiến 4.666 ha (trong đó đất ở là 38,99 ha, đất sản xuất nông nghiệp là 632,53 ha, đất lâm nghiệp là 2.545,16 ha và các loại đất khác). Nhiều công trình giao thông công cộng, thông tin liên lạc, trường học… sẽ bị ảnh hưởng trong quá trình triển khai dự án.

Để đảm bảo hạn chế tối đa những tác động đến môi sinh, môi trường của dự án TĐLC, trong quá trình xây dựng Báo cáo đầu tư, EVN đã phối hợp với các cơ quan đầu ngành trong lĩnh vực địa lý, nông nghiệp, các ban ngành của tỉnh Lai Châu để lựa chọn phương án tối ưu. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) dự án Thủy điện Lai Châu do Viện Địa Lý, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam lập đã đề cập đầy đủ các nội dung phù hợp với giai đoạn lập Báo cáo đầu tư. Báo cáo đã đánh giá về tổng thể khi xây dựng dự án không gây tác động lớn đến môi trường (Báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 417/QĐ – BTNMT ngày 11/3/2009).

Về công tác di dân tái định cư, căn cứ vào kết quả điều tra cho thấy, trên địa bàn tỉnh Lai Châu hoàn toàn có đủ quỹ đất để tái định cư số lượng dân phải di chuyển từ vùng dự án và công tác tái định cư sẽ tập trung trên địa bàn huyện Mường Tè. Quỹ đất này không ảnh hưởng đến các vị trí đã quy hoạch tái định cư cho các dự án thủy điện đang triển khai trên địa bàn tỉnh Lai Châu như Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát.

Bên cạnh đó, để  đảm bảo giá trị kinh tế, xã hội, tính an toàn của TĐLC và hệ thống thủy điện trên sông Đà, nhiều đề tài nghiên cứu, thẩm định đã được thực hiện trong thời gian qua như: Đề tài nghiên cứu sóng vỡ đập với giải pháp đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố vỡ đập của Viện Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Đề tài nghiên cứu chi tiết về động đất khu vực công trình của Viện Vật lý Địa cầu, Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án TĐ Lai Châu của Viện Địa Lý thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam … Những nghiên cứu, thẩm định này đã đưa ra các phương án tối ưu, đảm bảo các hệ số an toàn cho công trình cũng như tính kinh tế, hiệu quả của dự án TĐ Lai Châu.

Dự kiến khởi công vào cuối năm 2010

Đến thời điểm hiện tại, Báo cáo Đầu tư xây dựng Công trình Thủy điện Lai Châu do EVN thực hiện đã hoàn tất để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII (diễn ra từ 20/10 và kết thúc vào cuối tháng 11/2009). Tuy nhiên, có thể điểm lại một số mốc quan trọng của quá trình thẩm định Báo cáo Đầu tư xây dựng Công trình Thủy điện Lai Châu. Đó là, ngày 4/8/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình số 5655/TTr-BKH về việc Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo đầu tư XD CTTĐLC. Ngày 13/8/2009, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội về Báo cáo đầu tư XD CTTĐLC, ngay sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thẩm tra các nội dung trong Báo cáo đầu tư. Sau quá trình làm việc khẩn trương, ngày 29/9/2009, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã thống nhất về việc trình Quốc hội báo cáo đầu tư TĐLC để xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII.

Bên cạnh đó, bộ phận chuẩn bị xây dựng TĐLC cũng đang khẩn trương hoàn tất các công việc liên quan đến dự án. Các công việc đang gấp rút thực hiện: Triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế công trình dẫn dòng để trình các cơ quan hữu quan xem xét, phê duyệt ngay sau khi Quốc hội thông qua báo cáo đầu tư; làm việc với các tổ chức tài chính để huy động vốn cho dự án; chủ động làm việc với UBND tỉnh Lai Châu về các công việc liên quan đến công tác quy hoạch định hướng di dân tái định cư TĐLC… Các đơn vị thi công cũng đang tích cực triển khai thực hiện các công trình phục vụ dự án như: Thi công các công trình giao thông dẫn vào công trường; xây dựng đường dây 110 kV Tuần Giáo – TĐLC và Trạm biếp áp 110 kV TĐLC để chuẩn bị cấp điện phục vụ thi công trên công trường. Các hạng mục đường giao thông trong công trường, khu nhà điều hành của BQL dự án, khu lán trại, nhà ở cho công nhân cũng đang được tập trung thiết kế, xây dựng. Dự kiến, TĐLC sẽ được khởi công vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2015 và hoàn tất công trình vào năm 2017.

Sự cần thiết đầu tư của Dự án Thủy điện Lai Châu

- Công trình Thủy điện Lai Châu phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 110/2007/QĐ – TTg ngày 18/7/2007.

- Quy mô và vị trí công trình tuân thủ quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà đã được phê duyệt tại văn bản số 1320/CP

- CN ngày 22/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, công trình có mức nước dâng bình thường 295 m với nhiệm vụ chính là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

- Dự án có tên trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 87/2006/QĐ – TTg ngày 20/4/2006.

- Mục tiêu của dự án nhằm tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên của sông Đà, bổ sung cho lưới điện quốc gia sản lượng điện bình quân hàng năm 4.704 triệu kWh.

- Xuất phát từ các khía cạnh nêu trên và căn cứ mục tiêu của dự án, việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư công trình Thủy điện Lai Châu là cần thiết và phù hợp.

 (trích Tờ trình số 124/TTr-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ trình Quốc hội về Báo cáo đầu tư xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu)

Theo: Tạp chí Điện lực