Tiến độ công trình

Thủy điện Lai Châu: Sẵn sàng đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa

Thứ năm, 18/6/2015 | 14:10 GMT+7
Dưới tiết trời khắc nghiệt, hàng nghìn kỹ sư, công nhân công trình Thủy điện Lai Châu vẫn hăng say làm việc. Dường như họ đang quên đi mọi nặng nhọc, nỗi ưu phiền của cuộc sống để dành toàn tâm, toàn sức cho công việc, phấn đấu sớm đưa dòng điện hòa lưới điện quốc gia. Tất cả đã sẵn sàng cho mốc đóng cống dẫn dòng vào ngày 20-6.

Thi công mặt đập Thủy điện Lai Châu.
 
Tập trung nguồn lực
 
Tại khu vực lắp đặt rô-to tổ máy 1, hàng chục kỹ sư, cán bộ công nhân viên (CBCNV) của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đang tích cực triển khai công việc. Mỗi người một công đoạn, họ nhanh chóng xếp, ép tôn silic và siết chặt từng bu-lông, ốc vít. Vừa kiểm tra kỹ thuật mảnh ghép, anh Nguyễn Văn Toán, cán bộ tổ lắp đặt cho biết: "Các trang thiết bị được cung cấp tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số thiết bị kỹ thuật bị chậm, phải chờ vận chuyển từ nước ngoài về đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công, thời gian hoàn thành các hạng mục của dự án. Mặt khác, làm việc ở đây thời tiết rất khắc nghiệt, thường xuyên nắng nóng khiến người lao động bị mệt mỏi, làm ảnh hưởng rất nhiều tới năng suất lao động. Để hoàn thành nhiệm vụ, anh em chúng tôi thường động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn bằng cách chia ca, chia kíp để làm. Trong đó, một ca có 13 người, mỗi ca làm việc tám tiếng".
 
Tương tự, khu vực lắp đặt stato có khoảng 75 người, chia ba ca để thực hiện công việc. Anh Nguyễn Đức Nhung, Đội trưởng đội lắp đặt sta-to chia sẻ, thời gian làm sta-to mất khoảng sáu tháng. Trong quá trình làm cũng có một số khúc mắc, nhưng rất may, mọi thứ đều được giải quyết ổn thỏa với mục tiêu chính là bảo đảm tiến độ mà công ty, Ban quản lý dự án đề ra. Chẳng hạn, lắp đặt sta-to có một số khó khăn như về dung sai cho phép. Khi làm phải hoàn thành các yêu cầu rất cao của nhà chế tạo dẫn đến mất thời gian. "Muốn lắp sta-to bắt buộc phải có mái che, phạm vi môi trường phải bảo đảm tuyệt đối, tránh bụi bẩn... Nếu không sẽ không thể làm được. Hiện tại, chúng tôi đang bị sức ép về tiến độ. Theo kế hoạch, cuối tháng 8 phải xong hạng mục này để bàn giao, cung cấp cho các hạng mục khác làm tiếp", anh Nhung khẳng định.
 
Liên quan tới quá trình thực hiện lắp đặt các tổ máy, Phó Chỉ huy trưởng công trình Lilama Lai Châu Trần Xuân Dục cho biết, tổ máy 1 hiện đã lắp đặt hoàn thiện buồng xoắn, côn lùn, giếng tua-bin và tháo dỡ xong khung giằng; đang tiến hành cắt tẩy mài và sơn dặm vá. Về lắp đặt rô-to, đã hoàn thành xếp và ép tôn silic đợt 3/5 với chiều cao 1.464/2.448mm; về sta-to, đã lắp đặt hoàn thiện thanh mang cá, vàng răng lược...; về tuabin, đã lắp đặt xong van tháo cạn khuỷu, sơn dặm vá khuỷu cong, tổ hợp xong vành đáy, đang tiến hành gia công các tấm đệm điều chỉnh... "Có thể nói, công tác thí nghiệm và đo đạc các sai số trong phạm vi thiết kế, chế tạo đã xong và sẽ chuyển sang công tác sấy và thử điện áp... Dự kiến, đến tháng 8 sẽ lắp đặt rô-to và có thể vận hành, phát điện tổ máy 1 vào khoảng tháng 12 tới. Đối với tổ máy 2 và 3 đã lắp đặt và hàn xong giếng tua-bin, van tháo cạn khuỷu; đang sơn dặm vá khuỷu cong..." - ông Dục khẳng định. Cũng theo vị Phó Chỉ huy trưởng của Lilama, với tổng số gần 1.000 CBCNV, ngoài triển khai lắp đặt rô-to, sta-to, công ty đang triển khai đồng loạt các hạng mục khác như hoàn thiện buồng xoắn, đập tràn, lắp đặt hệ thống ống công nghệ, hệ thống khí nén, khí dầu... nhằm bảo đảm và vượt tiến độ đề ra.
 
Sẵn sàng đóng cống dẫn dòng
 
Với kế hoạch, ngày 20-6 tới sẽ thực hiện đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa công trình Thủy điện Lai Châu nên khu vực đập tràn đang được coi là điểm nóng. Hàng trăm kỹ sư, cán bộ của các đơn vị liên quan được huy động để tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như nghiệm thu các hạng mục công trình như tuyến áp lực, đập dâng, công trình xả lũ (lỗ xả sâu, tràn xả mặt), tuyến năng lượng, cửa nhận nước... Tại khu vực mặt đập, Đội trưởng an toàn thi công mặt đập và cống dẫn dòng Nguyễn Đức Khương cho biết, tiến độ lắp đặt thiết bị đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng phục vụ công tác đóng cống dẫn dòng. Để đến được thời điểm này, anh em đều nỗ lực hết sức, thi công ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. "Cái nắng cuối chiều xiên thẳng vào khu vực thi công, cộng thêm sự hấp hơi tỏa nhiệt của cả khối bê-tông khổng lồ của đập, khiến nhiều anh em "hoa mày chóng mặt". Nhưng tất cả vì dòng diện của Tổ quốc, mọi người đều chấp nhận và nỗ lực hết mình", anh Khương tâm sự.
 
Phó Chỉ huy trưởng công trình Lilama Lai Châu Trần Xuân Dục cho biết, các công tác chuẩn bị cho đóng cống dẫn dòng đã và đang được triển khai quyết liệt. Toàn bộ nhân lực được huy động để hoàn thành ba hạng mục gồm đập tràn xả sâu, lắp đặt thiết bị cống dẫn dòng và thiết bị hạ lưu nhà máy. Khi đóng cống dẫn dòng sẽ thực hiện hai phương án thông thường đó là phương án thoát theo đường đi bộ và theo đường cầu thang thoát hiểm. Để thực hiện các phương án này, hệ thống thang cứu thoát từ độ cao 303 m xuống xả sâu đang được khẩn trương lắp đặt, hoàn thành. Đồng thời hoàn thành sáu cửa xả; thử khô và đóng van sửa chữa tại cửa số 6, tổ hợp xong 5/6 bộ van cung và đang tiến hành cắt tẩy mài sơn dặm vá khe lưới...
 
Phó Giám đốc Ban điều hành dự án Lilama Thủy điện Lai Châu Chu Đức Triệu cho biết thêm, trong tháng 5, Lilama đã lắp đặt được 2.115 tấn thiết bị. Trong đó, tuyến áp lực đạt 325 tấn, tuyến năng lượng 1.717 tấn; cống dẫn dòng đạt 73 tấn; đang lắp đặt các thiết bị quan trắc (đã lắp đặt 656/656 thiết bị, không hư hỏng thiết bị nào). Dự kiến trong tháng 6, Lilama tiếp tục phấn đấu lắp đặt đạt 935 tấn thiết bị. Trong đó, tuyến áp lực khoảng 300 tấn, tuyến năng lượng 600 tấn, cống dẫn dòng 35 tấn và công tác chế tạo và tổ hợp thiết bị đạt khoảng 500 tấn. Bên cạnh sự quan tâm giúp đỡ của Ban quản lý dự án, lãnh đạo Tổng công ty trong việc điều phối, hợp tác giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, cùng đội ngũ CBCNV chuyên nghiệp, kinh nghiệm lâu năm thực hiện các dự án thủy điện..., hiện nay Lilama cũng đối mặt với không ít khó khăn về điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thiết bị và một số hạng mục bàn giao chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả công trình. Hơn nữa, do địa hình hiểm trở, thủy điện nằm ở vùng sâu, vùng xa khiến cuộc sống của người lao động rất khó khăn trong đi lại, sinh hoạt hằng ngày. Chính vì vậy, rất mong các cấp, ngành có những cơ chế, giải pháp ưu đãi để hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc.

Thủy điện Lai Châu được khởi công xây dựng từ tháng 1-2011, đến nay công trình đã vượt qua hai mốc tiến độ quan trọng đó là: ngăn sông đợt 1 (4-2012) và đợt 2 (10-2014). Dự kiến ngày 20-6 tới, sẽ tiến hành đóng cống dẫn dòng và tích nước hồ chứa để phục vụ phát điện tổ máy; tổ máy số 1 sẽ phát điện vào tháng 12-2015, sớm hơn ba tháng và hoàn thành công trình vào năm 2016. Khi đi vào vận hành, hằng năm nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia trung bình 4,69 tỷ kW giờ điện.
 
Theo: Báo Nhân dân